Dọc đường Láng (phía bờ sông Tô Lịch) sau khi nâng cấp rất rộng rãi, có vườn hoa bao quanh nhưng lại không còn lối cho người đi bộ vì đã bị chiếm dụng. Ban ngày, những hàng rau, sạp hoa quả, hàng bán mũ bảo hiểm, hàng sửa xe, trà đá, sơn - dán điện thoại, xe máy... giăng kín vỉa hè. Buổi tối, các hàng ăn uống, bánh rán, quần áo, chăn màn, giày dép, sách vở... mọc đầy trên vỉa hè, tràn ra cả vườn hoa.
Tương tự, đoạn đường Bưởi (phía ven bờ sông Tô Lịch) vỉa hè rộng hơn 2m nhưng cứ chiều tối đến là bị những sạp bán giày dép, mũ bảo hiểm choán mất. Còn hè các phố Phạm Hùng, Hoàng Minh Giám dù bụi mù mịt nhưng những sạp bán quần áo mùa đông vẫn đông đúc kẻ mua người bán.
“Tan chợ” sau mỗi buổi tối, trên các đường phố đó rác thải không được thu gom, gây mất vệ sinh nhiều đoạn hè phố. Ông Nguyễn Lâm Sơn (ở đầu đường Láng, P.Phúc Khánh, Q.Ba Đình) bức xúc: “Tối nào tôi cũng đi bộ tập thể dục dọc hè con đường này, nhưng gần đây không còn chỗ để đi nữa. Có lần tôi đi ngang hàng giày dép, bị họ đuổi xuống lòng đường vì sợ mất trộm đồ nhưng tôi già rồi làm sao cãi nổi với họ”.
Còn chị Vũ Thu Nguyệt (nhà ở cầu Trung Hòa, Q.Cầu Giấy) lại sợ đi trên vỉa hè đường Láng vào buổi tối vì “họ giăng dây điện khắp mặt đất, trên cành cây, nhiều đoạn nối chỉ bọc túi nilông qua loa”.
Phó trưởng Công an phường Láng Thượng (Q.Đống Đa) Bùi Văn Chính cho biết đường Láng nằm trên địa bàn bốn phường thuộc hai quận Ba Đình và Đống Đa. Phường Láng Thượng quản lý một đoạn hơn 2km. Còn “hoạt động lấn chiếm vỉa hè diễn ra chủ yếu vào buổi tối, trong khi công an phường có hai người phụ trách trật tự nên chỉ có thể kiểm tra, nhắc nhở một đôi lần mỗi tuần”-ông Chính nói. Trước đây, phường Láng Thượng đã nhiều lần thu giữ hàng hóa, phạt tiền những hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè nhưng được một thời gian việc lấn chiếm lại diễn ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận