25/02/2025 10:43 GMT+7

Lấn chiếm vỉa hè, không xử lý là bất thường

Những ngày qua trên nhiều tuyến đường tại TP.HCM, mọi người đều thấy những công nhân cần mẫn đo đạc lát từng viên gạch, bó vỉa bằng đá khối để chỉnh trang vỉa hè cho người đi bộ.

Có những tuyến đường vỉa hè tan nát, nay được lót lại sau khi bị tàn phá bởi dòng xe máy leo vỉa hè. Nhưng vỉa hè sau chỉnh trang, sửa chữa liệu tồn tại được bao lâu, có dành cho người đi bộ hay lại là của riêng ai?

Bao lâu nay, vỉa hè luôn bị sử dụng sai công năng, dù có quá nhiều biện pháp chấn chỉnh nhưng đâu vẫn hoàn đó. Nhưng may mắn cho vỉa hè, đó là từ sau khi có nghị định 168, nạn xe máy biến vỉa hè thành lòng đường lưu thông đã giảm đi rất nhiều. Cứ đà này, nếu làm nghiêm, vỉa hè sẽ thoát nạn với dòng xe cộ.

Nhưng vỉa hè vẫn bị xâm chiếm, vẫn chưa thể thoát cảnh thành của riêng của ai đó. Mà cái nạn này đã thành di căn, xem chừng khó chữa. Chẳng lẽ số phận vỉa hè cứ hẩm hiu mãi như vậy!? Chẳng lẽ đất vỉa hè là đất công, Nhà nước đầu tư tiền tỉ làm vỉa hè rồi quyền sử dụng lại thuộc về những ai đó!?

Chuyện vô lý này diễn ra bao năm qua sao lại cứ nhởn nhơ như không!? Chẳng lẽ cứ chấp nhận vì quyền lợi của ai đó mà vỉa hè không còn dành cho người đi bộ, vô hiệu hóa thói quen đi bộ, làm hỏng cả thói quen sử dụng phương tiện công cộng...!?

Chúng ta không thể chấp nhận nghịch lý vỉa hè là của hàng quán, của nhà mặt tiền... Phải trả lại đúng công năng của vỉa hè. Đã có cơ sở để làm việc này.

Thứ nhất, vỉa hè là do UBND TP Thủ Đức và các quận huyện quản lý. Hiểu đơn giản là vỉa hè do các "ông thổ địa" quản lý, chứ chẳng phải đơn vị nào xa xôi. Vì vậy không thể có chuyện địa phương không nắm và không biết để xử lý.

Thứ hai là chính quyền thành phố cũng đã có giải pháp dung hòa cho kinh tế vỉa hè, kinh tế mặt tiền thông qua tạm cho thuê vỉa hè có thu phí, tức là dung hòa giữa quyền lợi của người đi bộ với người kinh doanh trong khu vực.

Thứ ba, là để vỉa hè bị lấn chiếm, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Vậy tại sao nhiều nơi vỉa hè vẫn bị lấn chiếm, vẫn có địa phương né tránh việc phân định rõ ràng giữa một phần vỉa hè được sử dụng tạm có thu phí và cấm hoàn toàn, chỉ dành cho người đi bộ?

Như vậy, việc quản lý vỉa hè đã rõ. Vỉa hè trở thành của riêng là do địa phương chưa làm hết trách nhiệm. Vì vậy người dân không ủng hộ cứ đến hẹn lại lên là có những đợt ra quân chấn chỉnh, lập lại trật tự trên vỉa hè.

Bởi kết quả của các đợt ra quân ấy ai cũng biết, bắt cóc bỏ dĩa, đâu vẫn hoàn đấy. Thậm chí có người còn cho rằng quá hình thức, không hiệu quả, tốn kém, càng cho thấy hiệu lực quản lý nhà nước ở địa phương chưa cao.

Cũng có ý kiến nói rằng vỉa hè là nơi sinh kế của một số người khó khăn. Lấy lại hết vỉa hè không cho họ buôn bán là không nhân văn. Từ đó chính quyền địa phương không mạnh tay "lấy lại" vỉa hè! Nhưng để vỉa hè nhếch nhác, mạnh ai nấy lấn chiếm như hiện nay có ổn?

Tại sao không vận dụng quy định tạm sử dụng vỉa hè để tổ chức lại "kinh tế vỉa hè", trong đó có giải quyết cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Còn ngó lơ như hiện nay sẽ lẫn lộn giữa người khó khăn và người biết kiếm bộn từ kinh doanh vỉa hè.

Thực trạng ngang nhiên, tùy tiện cho thuê... vỉa hè phải chấm dứt. Trách nhiệm thuộc về quận huyện, phường xã. Không xử lý nạn biến vỉa hè thành của riêng là điều bất thường.

Lấn chiếm vỉa hè, không xử lý là bất thường - Ảnh 1.Ngang nhiên, tùy tiện cho thuê... vỉa hè

Vỉa hè bị chiếm dụng, cho thuê làm chỗ buôn bán, đậu xe... khiến người đi bộ không có chỗ để đi. Bao giờ hết tình trạng này?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp