27/07/2017 08:58 GMT+7

Làm việc từ xa, cần quan tâm nhất vẫn là năng suất lao động

N.BÌNH - Đ.THIỆN ghi
N.BÌNH - Đ.THIỆN ghi

TTO - Sau khi Tuổi Trẻ ngày 26-7 đăng bài “Nhật Bản làm việc từ xa, còn chúng ta?”, nhiều bạn đọc là chuyên gia, người trong cuộc đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp (DN)... đã có những ý kiến phản hồi xung quanh vấn đề này.

*** Error ***
Một góc của quán cà phê tại TP.HCM vừa thư giãn vừa làm việc - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bà Hà Lâm Tú Quỳnh (giám đốc truyền thông tại Việt Nam, Google châu Á - Thái Bình Dương):


 

Không nên có “đặc quyền” giữa quản lý với nhân viên

Tùy thuộc tính chất công việc của từng DN hay từng bộ phận trong DN mà nên có sự thay đổi về tư duy công việc cũng như cách quản lý công việc hợp lý hơn.

Ví dụ với DN hay bộ phận trực tiếp sản xuất, phục vụ khách hàng thì cần trực tiếp có mặt ở công ty để sản xuất hay tư vấn, chăm sóc khách hàng. Còn những bộ phận khác thì có thể linh hoạt trong thời gian và địa điểm làm việc.

Nhân viên phải có tinh thần tự giác, ý thức cao và ban quản lý có sự tin tưởng, trao quyền cho nhân viên. Công ty cần duy trì văn hóa thông tin minh bạch và cởi mở để tạo sự tin tưởng giữa các nhân viên khác phòng ban cũng như giữa nhân viên và cấp quản lý. Điều này tạo tâm lý thoải mái cho nhân viên và giảm bớt những áp lực, sự phân tâm không cần thiết. Tuyệt đối không nên có sự phân biệt đối xử, tạo “đặc quyền” linh hoạt về giờ giấc và địa điểm làm việc giữa cấp quản lý và nhân viên.

Ở Google nhân viên được toàn quyền quyết định thời gian làm việc và nơi làm việc của mình.

Nhân viên có thể chọn làm việc tại nhà, quán cà phê hay công viên miễn làm sao có được tinh thần thoải mái, sáng tạo cao nhất mà không liên đới ảnh hưởng đến bộ phận khác hay khách hàng. Để tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho nhân viên mọi lúc mọi nơi, công ty còn hỗ trợ chi trả chi phí thuê bao Internet tại nhà cho tất cả nhân viên. Nhân viên tự sắp xếp lịch họp với nhau và quyết định cuộc họp nào cần phải đến văn phòng gặp trực tiếp hay trao đổi từ xa qua điện thoại hoặc cầu truyền hình (phone or video conference).

Bà Thanh Nguyễn (CEO mạng nghề nghiệp Anphabe):

Ai cũng muốn một văn phòng làm việc đẹp


 

Hiện có nhiều công ty áp dụng mô hình làm việc từ nhà (working from home) bằng nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, như nhân viên Công ty Nike được cho nghỉ vào chiều thứ sáu vào mùa hè, hay trường hợp KPMG là sau 12h trưa nhân viên có thể rời khỏi công ty và làm việc bất kỳ đâu (nhà, quán cà phê...).

Tựu trung, các công ty này muốn chọn nhiều chính sách giúp nhân viên cân bằng công việc và cuộc sống tốt hơn, đáp ứng những nhu cầu cá nhân và cung cấp những điều kiện làm việc tốt nhất.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ người lao động phần lớn mọi người vẫn mong muốn làm việc trong một văn phòng đẹp, với đầy đủ tiện nghi, với trang thiết bị hiện đại để hỗ trợ công việc tốt hơn.

Làm việc tại nhà chỉ hiệu quả khi công ty có hệ thống công nghệ thông tin (IT) tốt giúp mọi người hoàn toàn có thể tiếp nhận những thông tin cần thiết như những hệ thống data, việc trao đổi làm việc với các phòng, ban dễ dàng...

Do vậy, không phải công ty nào cũng có thể áp dụng phương pháp này hiệu quả, nó chỉ hiệu quả đối với những công ty phải làm việc với nước ngoài (trái múi giờ) đòi hỏi phải làm việc đêm khuya thì lúc này cần những công cụ để nhân viên làm việc.

Theo khảo sát của Anphabe, có 60-70% người lao động chọn làm việc tại văn phòng đẹp thay vì làm việc ở nhà hoặc một nơi khác. Trừ phi các bạn trẻ ngày nay được truyền cảm hứng bởi những công ty start up, thích làm việc trong những văn phòng mở, quán cà phê... Và để đáp ứng nhu cầu đó, rất nhiều công ty tại Việt Nam đã đầu tư xây dựng văn phòng đẹp, thoải mái.

Thực tế, các DN không quá ủng hộ mô hình làm việc tại nhà mà chỉ đầu tư vào “làm việc linh hoạt” (flexible) với điều kiện có một hệ thống cấu trúc IT hỗ trợ nhân viên làm việc tốt hơn khi không ở văn phòng, đồng thời hệ thống này cũng sẽ kiểm tra hiệu suất công việc của nhân viên. Do đó, hiện tại làm việc từ nhà chưa phải là chính sách mà các công ty tập trung.

Ông Trần Hùng (trưởng phòng tiếp thị Quỹ VFM):

Khó áp dụng phổ biến tại Việt Nam


 

Thế hệ lao động trẻ (sinh từ năm 1985 trở đi) không thích những môi trường làm việc gò bó, quy củ. Các công ty cũng đã bắt đầu áp dụng công nghệ để quản lý nhân sự. Do đó, họ chấp nhận cho nhân viên có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu mà vẫn quản lý được năng suất công việc.

Ngoài ra, một số công ty có mạng nội bộ nên làm việc theo nhóm trên các mạng này dù ngồi ở bất kỳ văn phòng nào. Ở một số quốc gia, DN áp dụng mô hình làm việc tại nhà trong vài ngày, vài tuần cho những nhân viên nhà quá xa hoặc trong mùa bão tuyết, hoặc công việc khá độc lập.

Làm việc từ nhà chỉ hiệu quả đối với một số mô hình, nghề nghiệp như công ty công nghệ, lập trình viên, các nhóm nghề này cho phép nhân viên ở nhà nhưng lãnh đạo vẫn có thể theo dõi công việc qua nền tảng làm việc chung.

Ở Việt Nam, phương pháp này khó áp dụng phổ biến vì mức độ tự giác của lao động Việt Nam còn chưa cao. Trong khi đó, quản trị, tự động hóa của hệ thống nhân sự cũng đang ở mức sơ sài, vẫn thiên về có mặt, điểm danh và chấm công. Trong nhiều ngành nghề, lãnh đạo vẫn thích sự có mặt của nhân viên, làm việc một cách quy củ, nề nếp hơn...

Quá nhiều cuộc họp trực tiếp ảnh hưởng đến công việc

Theo kết quả khảo sát về sự chuyển đổi kỹ thuật số Asia Digital Transformation Study được Microsoft thực hiện vào cuối năm 2016 với sự tham dự của gần 1.500 lãnh đạo từ 13 thị trường châu Á - Thái Bình Dương, các tổ chức, công ty cần xử lý vài thách thức mang tính cấu trúc trong không gian làm việc để giúp họ sẵn sàng bước vào thời đại kỹ thuật số cũng như thực hành phong cách làm việc linh hoạt.

Những thách thức đó là chỉ có 40% đồng ý rằng lãnh đạo của họ cam kết bắt cầu xóa mờ khoảng cách kỹ thuật số trong không gian làm việc; chỉ 44% đồng ý là tổ chức của họ đã cung cấp cho họ các công cụ để đơn giản hóa quy trình vận hành...

Bên cạnh đó, khảo sát cũng chỉ ra những yếu tố chủ đạo gây cản trở năng suất làm việc giữa các nhóm, bộ phận trong một công ty, tổ chức trong thời đại kỹ thuật số hiện nay lần lượt là: quá nhiều cuộc họp trực tiếp làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc (38%); các cuộc họp tầm công ty chỉ chung chung và không truyền đạt được các mục tiêu mang tính tổ chức, trong khi các nhóm quá cứng rắn và không cởi mở theo phương thức làm việc hiện đại (29%)...

 

N.BÌNH - Đ.THIỆN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp