Bạn trẻ ngày càng làm việc khuya, không điều độ - Ảnh minh họa: Lumina
Làm việc nhiều giờ, không nghỉ, nhận nhiều việc một lúc, đến nỗi quên ăn quên ngủ, du lịch cùng deadline, dành ngày lễ để chạy deadline... là thực trạng của nhiều bạn trẻ hiện nay.
Cả ngày chỉ uống một ly cà phê, thích cảm giác bận rộn
"Trung bình một ngày mình làm việc từ 6h đến tầm 20h. Ngày nhiều việc thì làm tới tối mịt, cỡ 22h hoặc đến khuya", N.N. cho hay.
Hiện thực tập tại tòa soạn song song với trợ lý cho một thợ chỉnh sửa ảnh chuyên nghiệp, 9h, N. tranh thủ biên tập video tin tức tòa soạn giao. Từ góc phải màn hình, thông báo thư mục hơn 100 ảnh mới được thêm vào cùng hạn nộp sát nút, N. liền căng thẳng.
N. nỗ lực cân chỉnh thời gian để vừa biên tập tin, vừa chỉnh ảnh cả ngày đầy áp lực. Trung bình 20 phút xong một tin, 20 phút xong một ảnh, làm xong tin thì tới ảnh. Cứ xoay vòng như vậy, nhìn đồng hồ đã 19h, N. nhận ra trong bụng không có gì ngoài ly cà phê sữa.
"Lúc đó chẳng thấy đói, chẳng buồn ăn, chỉ chăm chăm hoàn thành công việc", N. nói. Về nhà, thông báo tin nhắn, email tiếp tục rung lên. Trả lời cập nhật tiến trình làm việc, N. vội uống lon tăng lực và tranh thủ làm tiếp. Tới khi cơ thể chịu không nổi nữa thì đã 2-3h sáng, danh sách việc cần làm vẫn chưa xong.
N. cho hay sự bận rộn này mang lại cảm giác nỗ lực, chăm chỉ. "Dù áp lực, không có thời gian tập thể dục, ăn uống cũng qua loa, nhưng đúng là mình thích cảm giác bận rộn như vậy. Cảm giác bản thân có ích và đang phát triển".
Cảm thấy bản thân không được phép mệt mỏi
Ăn uống vội vã, thậm chí quên ăn từ sáng đến tối là... chuyện thường ngày của nhiều bạn trẻ ôm đồm nhiều việc - Ảnh minh họa: IG.ca
"Thật sự mình cũng không nhớ lần ngủ đủ 8 tiếng là khi nào, cũng không có giấc ngủ nào ngon" là lời bộc bạch của Thúy Vy (quận 10, TP.HCM), hiện cộng tác với 3 tờ báo điện tử. Trung bình Vy làm 10-12 tiếng mỗi ngày, từ 6h đến 18h. Ngày có sự kiện tối thì làm tới 22h - 23h. Vy chỉ dành tầm 30 phút để nghỉ trưa.
"Suốt quá trình làm thì mình không thấy mệt. Nhưng khi đặt lưng xuống, mình giật mình vì cảm nhận được rõ sự kiệt sức của cơ thể. Dạo này mình mất ngủ", Vy cho hay.
Đến tối, Vy tranh thủ chợp mắt, nhưng không tài nào yên giấc. Cô cho biết, từ Tết tới nay, cô thấy mình căng thẳng hơn rất nhiều, luôn giật mình khi ngủ.
"Mỗi lần giật mình tỉnh giấc vì bồn chồn về công việc, mình lập tức dậy làm luôn", Vy nói. Cô cũng cho hay chỉ thấy bản thân có ích khi bận rộn, không cảm thấy mình được phép nghỉ ngơi hay thậm chí mệt mỏi.
"Không biết từ bao giờ mình thích cảm giác bận rộn. Những lúc rảnh rỗi, mình cảm thấy rất khó chịu. Vì bản thân còn nhiều thiếu sót, nếu nghỉ ngơi sẽ không thể nào khắc phục chúng. Bận rộn mang lại cho mình cảm giác có ích, có nỗ lực", Vy tâm sự.
Chăm chỉ quá phản tác dụng
Theo Tổ chức Lao động quốc tế, năm 2017, nhiều quốc gia xác định số giờ làm việc tiêu chuẩn là 35-40 giờ/tuần. Trên 41 giờ/tuần là làm thêm giờ.
Công ước về giờ làm việc quy định những người có việc làm không được làm việc vượt quá 8 giờ/ngày, và 48 giờ/tuần (với một số trường hợp ngoại lệ). Ở một số quốc gia, quy định về thời gian làm việc tùy thuộc vào quy định của từng quốc gia.
Tuy nhiên, từ đầu thế kỷ 21, ngày càng có nhiều người ủng hộ làm việc quá giờ.
Tỉ phú Elon Musk thể hiện quan điểm, khi kêu gọi mọi người ứng tuyển vào công ty: "Có rất nhiều nơi làm việc khác dễ dàng hơn. Nhưng không ai có thể thay đổi thế giới này nếu chỉ làm 40 giờ một tuần".
"Thế làm việc bao lâu mới có thể thay đổi thế giới?", một bình luận dưới bài đăng.
Vị tỉ phú trả lời: "Khoảng 80 giờ, nhiều nhất thì hơn 100 giờ".
80 giờ làm việc, đồng nghĩa với 16 giờ làm mỗi ngày, nếu một tuần làm 5 ngày. Và hơn 10 giờ một ngày, không ngày nghỉ. Có thể nói, N. và Vy đang trên con đường "thay đổi thế giới" như Elon Musk định nghĩa.
Dòng tweet của Elon Musk lập tức nhận nhiều sự quan tâm, bình luận - Ảnh: Twitter
Sự chăm chỉ của bạn trẻ có thể mang lại rất nhiều phần thưởng giá trị, xứng đáng. Dù vậy, việc đặt giới hạn giữa công việc và nghỉ ngơi không phải là sự lựa chọn hay đặc quyền, mà còn là vấn đề sống còn. Nhất là khi cơ thể đã bắt đầu "biểu tình".
"Dạo này mình bị rụng tóc, mặt nổi mụn dã man, và ăn cũng khó tiêu. Nhiều năm rồi mình không hề nổi mụn. Còn đau lưng, ê ẩm người là chuyện cơm bữa. Lúc ngủ, mình cũng mơ về công việc rồi giật mình", N. nói.
N. cho biết bản thân mỗi lúc càng dễ xúc động, sao nhãng, dễ làm hỏng những việc nhỏ nhặt. "Việc hai chỗ cùng lúc trở nên quá nhiều, dồn dập, vừa xong cái này lại tới cái khác, thành ra cái nào cũng dang dở, chậm trễ. Mỗi lần quá buồn ngủ, mình lại hút thuốc để tỉnh táo" - N. nói.
"Nhức đầu, nhức xương khớp, đau lưng là chuyện xảy ra với mình mỗi ngày. Có khi mình bị choáng nữa, phải dừng nghỉ một chút xíu. Tần suất choáng cũng dần nhiều hơn", Vy bộc bạch.
Nỗ lực là vậy, cùng thu nhập dao động từ 10-20 triệu đồng mỗi tháng, đối với một sinh viên năm cuối, không làm Vy hạnh phúc. Ngược lại, bạn càng cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng hơn. Bạn không biết nguyên nhân trực tiếp gây áp lực lên bạn là gì.
"Mình rất lo bản thân bị rối loạn lo âu. Mình thấy nhiều người trẻ như mình cũng bị. Chắc mình cũng phải sớm đi khám trước khi trở nặng", Vy trăn trở.
Giống N. và Vy, nhiều bạn trẻ cũng theo đuổi lối sống bận rộn, tận dụng mọi lúc mọi nơi để làm việc đến quên ăn quên ngủ. Cơ thể dần thiếu dưỡng chất, kiệt sức, tinh thần không ổn định dẫn đến các tác hại trước mắt và lâu dài, khó lường.
Trái tim mệt mỏi
Tinh thần căng thẳng, mệt mỏi cùng lối sống sinh hoạt không lành mạnh tác động tiêu cực lên hệ tim mạch, dễ gây đột quỵ.
Trong bài báo nghiên cứu công bố trên tạp chí Environment International, các chuyên gia từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, làm việc trên 55 giờ/tuần có liên hệ mật thiết tới nguy cơ tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ.
Làm việc nhiều giờ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và tuổi thọ theo hai cách chính.
Một là phản ứng sinh học: giải phóng hormone căng thẳng (stress) dẫn đến rối loạn điều hòa chức năng trong hệ thống tim mạch và gây tổn thương cấu trúc.
Hai là những thay đổi trong hành vi. Để thích ứng với thực tế sinh hoạt, những người làm việc nhiều giờ có thể ăn uống không lành mạnh, hút thuốc, uống rượu, lạm dụng cafein, lười vận động dẫn đến mất ngủ.
Thạc sĩ Trương Nhật Khuê Tường, hiện là giảng viên bộ môn dinh dưỡng - thực phẩm Trường ĐH Y dược TP.HCM, thông tin: "Stress tác động tiêu cực đến cảm xúc, hành vi, thể chất và tinh thần. Triệu chứng thường gặp là dễ lo âu, rối loạn cảm xúc, ăn uống nhiều/ít, giảm trí nhớ, khó tập trung,... Nặng hơn thì tần suất mất ngủ tăng dần, rụng tóc, trào ngược dạ dày, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, tức ngực, khó thở....".
Thạc sĩ Tường cho biết, cafein khiến tim đập nhanh, loạn nhịp hoặc thậm chí là tử vong nếu tiêu thụ quá nhiều trong thời gian ngắn, khi cơ thể đang căng thẳng và thiếu dưỡng chất. Ngoài ra, hàm lượng natri cao trong nước tăng lực khiến cơ thể chậm hấp thu nước, dẫn tới nguy cơ huyết áp cao, bệnh tim và đột quỵ.
"Kể cả bạn có thể chịu đựng được sự căng thẳng kéo dài, nhưng tới một lúc nào đó, cơ thể sẽ kiệt quệ. Tính chất công việc căng thẳng càng buộc bạn phải có chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể thao phù hợp để kịp thời bổ sung và hồi phục năng lượng", thạc sĩ Tường nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận