24/11/2024 15:51 GMT+7

Làm vành đai 4 TP.HCM: Sẽ huy động gần 47.000 tỉ đồng từ vốn tư nhân

12 cơ chế đặc thù được đề xuất cho dự án vành đai 4 TP.HCM được kỳ vọng sẽ làm nhanh dự án đường bộ lớn nhất vùng Đông Nam Bộ.

Sẽ huy động gần 47.000 tỉ từ tư nhân làm tuyến đường lớn nhất vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 1.

Về quy mô dự án vành đai 4 TP.HCM, giai đoạn 1, các địa phương TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 8 làn. Tuyến chính cao tốc sẽ đầu tư 4 làn, 2 làn khẩn cấp và đường gom, đường song hành hai bên - Phối cảnh: Sở GTVT TP.HCM

Trong tờ trình gửi Thủ tướng về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vành đai 4 TP.HCM, UBND TP.HCM đã đề xuất 12 cơ chế đặc thù để triển khai dự án này. Đây là tuyến đường chiến lược khi hoàn thành sẽ tạo động lực, kỷ nguyên phát triển mới cho vùng Đông Nam Bộ và các vùng lân cận.

Mở cơ chế thu hút nhà đầu tư, đơn giản hóa thủ tục triển khai

Cụ thể, với chính sách 1, các địa phương kiến nghị nâng tỉ lệ vốn nhà nước trong tổng mức đầu tư dự án tổng thể và trên tổng mức đầu tư các dự án thành phần của từng địa phương không vượt quá 70% (quy định hiện nay không quá 50%).

Lý do đề xuất cơ chế này bởi một số dự án thành phần có tổng mức đầu tư rất lớn do khối lượng giải phóng mặt bằng lớn và xây dựng nhiều công trình cầu, xử lý đất yếu trong khi lưu lượng giao thông giai đoạn đầu chưa cao. Việc tăng tỉ lệ vốn nhà nước nhằm tăng tính hấp dẫn các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng tham gia thực hiện dự án.

Với chính sách 2, vành đai 4 TP.HCM là tuyến đường liên vùng, thuộc quản lý và nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương. Vì vậy, các địa phương đề xuất cơ chế giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền, được sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư dự án.

Cơ chế này sẽ giúp phát huy hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước, khơi thông nguồn lực từ trung ương đến địa phương.

Chính sách 3 là giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền đầu tư công trình nằm trên địa giới hành chính của địa phương giáp ranh, được sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ địa phương khác đầu tư công dự án qua hai địa phương.

Chính sách 4 là cho phép chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, phi tư vấn, tư vấn lập điều chỉnh quy hoạch phục vụ dự án (bao gồm khu tái định cư), các gói thầu thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thi công hạ tầng khu tái định cư để giải phóng mặt bằng.

Cơ chế này sẽ góp phần đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư khoảng 4 tháng, góp phần đưa dự án sớm khởi công và về đích đúng hẹn.

Chính sách 5 là trong thời gian thực hiện dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án.

Bên cạnh đó, dự án cũng được đề xuất thêm các cơ chế khác như trình tự, thủ tục lập, tổ chức thẩm định và thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thành phần; cho các địa phương phê duyệt điều chỉnh cục bộ các quy hoạch... hay đơn giản hóa hơn nữa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động lựa chọn nhà thầu.

Đầu tư vành đai 4 TP.HCM theo hình thức PPP sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách

Sẽ huy động gần 47.000 tỉ từ vốn tư nhân làm vành đai 4 TP.HCM - Ảnh 3.

Tổng mức đầu tư vành đai 4 TP.HCM giai đoạn 1 khoảng 122.774,28 tỉ đồng, trong đó phân đoạn tại Long An triển khai có nguồn vốn rất lớn tới 72.674,6 tỉ đồng. Riêng đoạn đi qua tỉnh Bình Dương khoảng 47,95km triển khai đầu tư độc lập theo chủ trương đầu tư dự án đã được HĐND tỉnh thông qua - Lập bảng: ĐỨC PHÚ

Đánh giá về phương thức đầu tư, tờ trình nêu rõ trường hợp đầu tư công, chỉ tính riêng dự án đầu tư đường vành đai 4 TP.HCM qua địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An và TP.HCM với quy mô phân kỳ cần bố trí khoảng 116.649,14 tỉ đồng vốn ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, ngân sách trung ương hiện đang tập trung triển khai các dự án lớn khác. Còn ngân sách một số địa phương có dự án đi qua còn khó khăn, chưa thể cân đối để đầu tư theo hình thức đầu tư công.

Chính vì vậy, việc triển khai đầu tư dự án vành đai 4 TP.HCM theo phương thức đầu tư PPP là cần thiết để giảm áp lực cho nguồn vốn đầu tư công, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Về cơ cấu nguồn vốn, dự án sẽ thu hút được 46.983,92 tỉ đồng từ nhà đầu tư, đồng thời giảm kinh phí bảo trì, vận hành, khai thác khi tuyến đường hình thành.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng phát huy tinh thần tự lực, tự cường

Theo UBND TP.HCM, việc triển khai dự án theo phương thức PPP sẽ có cơ hội để lựa chọn các nhà đầu tư tiềm năng, có năng lực tài chính, kinh nghiệm về quản trị, quản lý đầu tư, kinh nghiệm tổ chức triển khai các dự án lớn đặc biệt là các dự án giao thông.

Đồng thời, dự án sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng phát huy tinh thần tự lực, tự cường, năng động và sáng tạo, vươn lên từ sức mạnh nội sinh.

Qua đó, các doanh nghiệp sẽ tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị, để không ngừng phát triển, đóng góp vào việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sẽ huy động gần 47.000 tỉ từ tư nhân làm tuyến đường lớn nhất vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 3.Chủ tịch Quốc hội: Sẵn sàng ủng hộ vành đai 4, đường sắt đô thị, trung tâm tài chính tại TP.HCM

Chủ tịch Quốc hội nói Đảng đoàn Quốc hội sẵn sàng ủng hộ đề án về vành đai 4, đường sắt đô thị và Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp