Văn Tuấn đeo khẩu trang phòng tránh dịch bệnh COVID-19 suốt thời gian làm thêm dịp hè này - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Trời nắng gắt, bỗng mưa dông. Lập tức, hơi đất bốc lên rồi hòa cùng mùi "khét lẹt" nhả ra từ đoàn xe đang lao vút trên đường Võ Thị Sáu (Q.1, TP.HCM) hắt thẳng vào người Hằng. Rất khó chịu nhưng cô vẫn cố đứng tươi vui, nhoẻn miệng cười.
Chiếc ô quá nhỏ để che đủ cho cả Hằng lẫn đống sữa cạnh bên. Và rồi, dòng nước trên đỉnh chiếc ô từ từ thấm ướt một bên vai. Hằng rùng mình đôi phút vì lạnh.
Học cười cả khi muốn khóc
Chu Lê Thúy Hằng, quê Quảng Bình, theo học ngành quản trị kinh doanh của một trường ĐH tại TP.HCM đã hai năm nay. Mỗi ngày, cô đều phải thức giấc trước 5h30 để kịp đi từ chỗ trọ trên đường Lê Lợi (Q.Gò Vấp) đến chỗ làm, gần công viên Lê Văn Tám (Q.1). Chất sữa lên xe trước khi đi ngủ là cách Hằng thường làm để an tâm ngủ, cho đến khi dãy 3 lần chuông báo thức lần lượt từ 5h05, 5h15 và đúng 5h30 reo lên. Trước 6h20, "quầy" sữa gồm một kệ kê đầy sữa phải được bày biện đâu vào đấy.
Trừ khâu di chuyển và bày biện vì cả sữa lẫn kệ có phần hơi lỉnh kỉnh, còn lại việc trong ngày của Hằng chỉ xoay quanh cúi chào, đứng cười, mời và giao sữa cho khách. Lương thực nhận của Hằng nếu làm đủ 28 công/ tháng, mỗi ngày một ca 6 tiếng, được nghỉ 30 phút là gần 8 triệu đồng.
Cô nói nếu tháng nào bán được nhiều sẽ được thưởng thêm, nhưng cũng rất khó. "Công ty luôn kiểm tra và sẽ xử lý ngay nếu mình không tươi cười, niềm nở chào khách từ xa. Chưa kể là chỉ được mời gọi chứ không được chèo kéo, ép khách mua sữa. Nhiều khi chẳng ai mua, nhưng được người đi đường cười trả cũng vui rồi" - Hằng vừa nói vừa cúi chào đoàn xe đang đi tới.
Hằng đi làm bán hàng để lấy kinh nghiệm chịu đựng, học cười ngay cả khi bản thân muốn... khóc. Nhưng cậu nam sinh Lê Công Ẩn (quê Tiền Giang, 19 tuổi) đi làm vì một mục tiêu khác: "ép cân nặng từ 79kg xuống dưới 70kg". Ẩn cũng chọn nghề tiếp thị, nhưng cho một hãng nước ép trái cây. Công việc của cậu mỗi ngày là cõng trước ngực một kệ sản phẩm của công ty rồi đi bộ quanh khu vực mà quản lý chỉ định, thường ở khu vực Q.12.
Quả thực, chỉ sau hơn 1 tháng đi bộ, không dưới 7km/ngày, Ẩn đã giảm được hơn 4kg, từ 79kg xuống 75kg. "Tự dưng lên ĐH cơ thể phì hẳn, nếu quyết tâm đi tập gym giảm cân thì cũng được thôi, nhưng sẽ mất tiền, mất thời gian. Còn giờ đi làm thế này lợi quá chừng" - Ẩn cười nói.
Được tiền được cả kiến thức
Giữa tuần. Dòng người vội vã. Quầy cà phê mang đi nơi Thanh Mỹ (sinh năm 2003) đang làm thêm đóng trên đường Hai Bà Trưng vắng hoe khách. Mỹ nói vì quá thích thú trước những loại nước uống pha chế thủ công nên từ khi nghỉ hè đã xin vào đây làm. Dù các loại nước ở quầy được pha chế không quá phức tạp nhưng cũng là dịp để Mỹ "training" trước với nghề. Chỉ làm buổi sáng, từ 6h30 đến hơn 11h là nghỉ nên lương mỗi tuần Mỹ được nhận khoảng trên dưới 1 triệu. "Tính ra một tháng nếu bán được thì lương cũng gần 5 triệu. Đang nghỉ hè rảnh rỗi lại vừa có tiền tiêu xài, được làm việc mình thích nữa chứ" - Mỹ cười tươi.
Vừa lúc một vị khách rà xe dừng lại trước quầy bánh mì trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), Bùi Đặng Văn Tuấn (ngụ Q.4) đã nhanh nhạy chạy ra đón. "Anh dùng gì ạ!" - Tuấn chào mời. "Có ngay ạ!" - cậu niềm nở nói lớn rồi chạy vội vào chuẩn bị. Đôi tay thoăn thoắt, Tuấn làm theo những yêu cầu của khách. Chưa đầy 2 phút sau, đơn hàng 7 ổ bánh mì cho khách đã xong.
Tuấn hiện là sinh viên năm 3 ngành dược Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Trước khi đến làm tại quầy bánh mì trên, cậu từng làm quản lý cho một nhà hàng lớn ở Q.Phú Nhuận. Cậu tâm sự, dù đã "leo" đến chức quản lý với mức lương bán thời gian gần 10 triệu đồng/tháng, nhưng vì một số lý do không tiện nói nên đã nghỉ. Sang bên này, vì đang hè nên Tuấn làm từ 7h sáng đến 6h tối mới xong ca. "Việc bên này nhàn lắm, toàn ngồi không mà lương đến 12 triệu/tháng đấy" - Tuấn khoe.
Vừa ngớt lời, Tuấn tâm sự tiếp: "Nói vậy chứ một phần là vì lương cao, còn phần nữa là vì làm ở đây được anh chủ giao cho việc marketing cửa hàng nên cũng thích rồi nhận làm được hơn hai tháng". Bất ngờ, tôi buột miệng hỏi ngay Tuấn lấy đâu ra kinh nghiệm khi học dược nhưng lại làm những nghề chẳng liên quan ấy? Tuấn cười, bảo: "Anh chủ dạy cả chứ học dược thì lấy đâu kinh nghiệm làm marketing. Ban đầu thì cũng khó thật, nhưng vì được học thêm thứ mới, lợi đủ đường nên phải gắng chứ dễ gì "xơi" được mức lương ấy".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận