01/09/2013 00:56 GMT+7

Lắm thầy nhiều ma

H.T.
H.T.

TT - Xung quanh câu chuyện đang lùm xùm ở đội tuyển quần vợt VN, thoạt tiên nhìn vào thì thấy rằng vấn đề nằm ở chỗ HLV Trần Đức Quỳnh bực mình vì mất ghế HLV trưởng đội tuyển vào tay chuyên gia Michael Baroch.

Thật ra, đó chỉ là bề nổi. Phần chìm của tảng băng nằm ở chỗ khác, đó chính là mâu thuẫn của ông trưởng bộ môn quần vợt thuộc Tổng cục TDTT với ông phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Liên đoàn Quần vợt VN (VTF). Mâu thuẫn này xảy ra từ rất lâu. Và đỉnh điểm đến cách đây gần một năm, khi ông tổng thư ký không cho ông trưởng bộ môn kiêm nhiệm ghế phó tổng thư ký VTF, buộc chuyển hẳn về cơ quan quản lý nhà nước.

Sau vụ đụng độ đỉnh điểm đó, phía cơ quan quản lý nhà nước - bộ môn quần vợt với tổ chức xã hội - VTF đã thường xuyên hục hặc nhau, và phần thua thường về phía bộ môn quần vợt. Có một chuyện ít ai biết, đó là khi ông trưởng bộ môn dẫn tay vợt Lý Hoàng Nam đi Nam Kinh dự Đại hội thể thao trẻ châu Á, phía VTF đã nổi quạu vì trong kế hoạch năm 2013 của mình chẳng hề có giải này. VTF chuẩn bị sau giải đấu này trở về sẽ đấu với ông trưởng bộ môn một trận ra trò. Nào ngờ, tay vợt Lý Hoàng Nam đã làm chuyện bất ngờ gây chấn động: đoạt chức vô địch đơn nam tại đại hội. VTF vì thế đành ngậm bồ hòn!

Ngay sau chuyến đi này là tiếp đến việc tập trung đội tuyển. Chuyến tập trung này, ông tổng thư ký của VTF đã làm được một chuyện mà chưa có nhiệm kỳ nào làm được qua việc mời được chuyên gia tầm cỡ như Baroch sang huấn luyện. Và người trong làng lấy làm lạ việc ai cũng nhận được lệnh triệu tập của Tổng cục TDTT phát đi, chỉ trừ HLV Trần Đức Quỳnh với Lý Hoàng Nam!? Từ đó, mọi chuyện rối rắm như báo chí phản ánh mấy ngày qua.

Ở đây, chúng tôi muốn nói đến một chuyện lớn hơn cả việc đang xảy ra ở quần vợt, đó là cách thức tổ chức bộ máy quản lý thể thao ở VN. Trước đây, chúng ta thường chọn mấy ông trưởng bộ môn thuộc Tổng cục TDTT kiêm luôn vai trò tổng thư ký ở các liên đoàn. Cách làm “hai trong một” này đã khiến dư luận chán ngấy. Vì vậy, sau này đã bắt đầu có chuyển hướng. Nhưng khi có sự tách bạch thì lại nảy sinh mâu thuẫn giữa cơ quan quản lý nhà nước với tổ chức xã hội. Cụ thể không chỉ có ở quần vợt mà đã gặp ở điền kinh do hai bên đều có những nhân vật “tám lạng, nửa cân”. Đơn giản bởi sự giẫm chân nhau, cảm thấy bị “lấn sân” là điều khó tránh khỏi.

Vậy muốn hóa giải chuyện này thì phải như thế nào? Thật khó. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu lên chuyện ở nước ngoài để tham khảo. Đó là ở các nước tiên tiến, chỉ có liên đoàn làm tất tần tật mọi chuyện. Bộ máy quản lý thể thao nhà nước rất tinh gọn, chủ yếu làm chuyện định hướng cho một nền thể thao, chứ không có đủ các bộ môn để song hành với các liên đoàn như ở nước ta.

Người xưa có câu rằng “Lắm thầy nhiều ma”. Một môn thể thao mà vừa có trưởng bộ môn đại diện phía Nhà nước, vừa có tổng thư ký điều hành tổ chức xã hội thì lắm chuyện là phải.

H.T.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp