08/12/2023 09:50 GMT+7

Làm 'sống lại' dự án khu thể thao quốc gia Rạch Chiếc

Gần 30 năm, khu liên hợp thể dục thể thao (TDTT) quốc gia Rạch Chiếc mãi vẫn "đắp chiếu", trở thành ví dụ điển hình cho tình trạng cơ sở vật chất thiếu thốn đủ đường của thể thao ở TP.HCM.

CLB bơi lặn Phú Thọ đã được xây dựng nhiều năm tại TP.HCM - Ảnh: HOÀNG TÙNG

CLB bơi lặn Phú Thọ đã được xây dựng nhiều năm tại TP.HCM - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Dự án khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc có chủ trương đầu tư từ năm 1994. Theo quy hoạch ban đầu, dự án có quy mô 466ha, gồm các công trình thể thao đạt chuẩn Olympic như sân vận động 50.000 chỗ dành cho bóng đá và điền kinh, nhà thi đấu thể thao tổng hợp... để có thể tổ chức các giải đấu quốc tế lớn.

Lần thứ 3 lên bản vẽ

Trong khi TP.HCM vô cùng thiếu cơ sở vật chất thể thao để đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố 10 triệu dân thì sau gần 30 năm quy hoạch, khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc vẫn là... đầm lầy. Tại đây vẫn là những lô đất trống xen lẫn nhà dân trồng sen, nuôi cá.

Thậm chí sau nhiều lần điều chỉnh, diện tích khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc hiện chỉ còn khoảng 212ha. Năm 2017, người dân TP.HCM vui mừng nghe tin dự án khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc được tái khởi động nhằm chuẩn bị cho việc đăng cai SEA Games 31 vào năm 2021.

Đây cũng là dự án trọng điểm của TP.HCM đã được xác định trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM khóa XI, dự kiến hoàn thành năm 2021. Nhưng sau cùng, TP.HCM đã rút lui không đăng cai SEA Games 31, khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc vì vậy vẫn cứ ở... trên giấy.

Nhưng giờ khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc sẽ không còn "ngủ yên". Tại kỳ họp thứ 13 của HĐND TP.HCM khóa X sáng 6-12, UBND TP.HCM đã có tờ trình ban hành danh mục dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao - văn hóa.

Trong đó, lớn nhất là dự án xây sân vận động có mái che (sức chứa 50.000 chỗ), có bố trí đường chạy điền kinh với mức đầu tư lên đến 7.000 tỉ đồng. Kế đến là dự án nhà đua xe đạp lòng chảo (khán đài 5.000 chỗ) tích hợp đường đua xe mô tô kết hợp sân bóng đá ngoài trời có mức đầu tư 4.000 tỉ đồng...

Trong 41 dự án được UBND TP.HCM lựa chọn, lĩnh vực thể thao chiếm đến 18 dự án. Trong đó có đến 7 dự án có mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỉ đồng, cùng hàng loạt dự án khác có mức đầu tư hàng trăm tỉ đồng.

Điều đáng nói, những dự án lớn này đều nằm trong khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc tại phường An Phú, thành phố Thủ Đức.

Thiếu cơ sở vật chất đáp ứng đủ yêu cầu, thể thao TP.HCM khó có thể phát triển như kỳ vọng. Trong ảnh là VĐV thể dục dụng cụ Nguyên Văn Khánh Phong (TP.HCM), HCB Asiad 2023, HCV SEA Games 32 - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Thiếu cơ sở vật chất đáp ứng đủ yêu cầu, thể thao TP.HCM khó có thể phát triển như kỳ vọng. Trong ảnh là VĐV thể dục dụng cụ Nguyên Văn Khánh Phong (TP.HCM), HCB Asiad 2023, HCV SEA Games 32 - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Bệ phóng cho tương lai

Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM Nguyễn Nam Nhân khẳng định việc lãnh đạo TP.HCM quan tâm nhiều đến thể thao là tín hiệu đáng mừng.

Điều này giúp tháo gỡ khó khăn về cơ chế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư thể thao, trong đó có xây sân vận động, nhà đua xe đạp lòng chảo và nhiều công trình khác.

Ông Nguyễn Nam Nhân nói: "Đây là lần đầu tiên TP.HCM thí điểm vận dụng nghị quyết 98, quyết liệt trình Hội đồng nhân dân thông qua. Điều đáng mừng là lãnh đạo TP.HCM rất quan tâm để đẩy mạnh các dự án của thể thao, văn hóa.

Cơ sở vật chất là điều kiện tiên quyết để phát triển thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng. Có cơ sở vật chất tốt, người dân mới có chỗ để tập luyện, hưởng thụ thể thao. Qua phong trào thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao mới có điều kiện phát hiện tài năng.

Khi có công trình thể thao đảm bảo, không chỉ bóng đá mà nhiều môn thể thao từng là thế mạnh, truyền thống của TP.HCM sẽ có điều kiện bứt phá mạnh mẽ".

Sau khi trường năng khiếu nghiệp vụ giải thể, bóng đá và điền kinh được đưa về Trung tâm TDTT Thống Nhất vào năm 2013 để tiếp tục nhiệm vụ tìm kiếm và đào tạo VĐV. 

Với riêng bóng đá, năm 2015, Sở VH-TT TP.HCM và Liên đoàn Bóng đá TP.HCM (HFF) ký kết hợp tác với CLB Lyon (Pháp) để đào tạo ra nguồn cầu thủ trẻ chất lượng cho bóng đá thành phố. Tháng 6-2016, chương trình bắt đầu tuyển sinh hai lứa U11, U13.

Dự án dài hơi như thế nhưng lại thiếu cả nơi ăn ở lẫn tập luyện. Vậy nên bao năm qua, các mầm non tương lai của bóng đá TP.HCM phải chen nhau ở trong những căn phòng thiếu tiện nghi, xuống cấp dưới khán đài sân Thống Nhất.

Việc tập luyện phải dựa vào hai sân tập tại Trung tâm TDTT Phú Thọ (Q.11), nhưng không phải lúc nào cũng có sân tập.

HLV Phùng Thanh Phương- người trưởng thành từ bóng đá thành phố và giờ đang dẫn dắt CLB TP.HCM ở V-League 2023-2024 - cho rằng việc TP.HCM đầu tư lớn cho thể thao, đặc biệt là bóng đá, là tín hiệu lạc quan và đáng mừng.

"Việc xây dựng lại nền móng từ cơ sở vật chất tốt sẽ giúp thể thao TP.HCM nói chung và bóng đá TP.HCM nói riêng có thể quay trở lại thời huy hoàng ngày xưa", ông nói.

Chia sẻ về dự án xây mới sân vận động 50.000 chỗ và học viện bóng đá của TP.HCM, HLV Phùng Thanh Phương nói:

"Việc xây dựng học viện bóng đá là điều rất tốt. Phải xây dựng từ móng, đào tạo cầu thủ trẻ thì mới hy vọng, chứ làm theo kiểu chạy theo thành tích nhất thời thì không thể bền vững.

Xây sân vận động mới thì quá tốt, không chỉ cho TP.HCM mà còn cho cả quốc gia. Có sân vận động mới thì đội tuyển Việt Nam mới vào TP.HCM thi đấu, phục vụ khán giả thành phố".

"Nhớ chủ trương của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt"

Trung tâm TDTT quận 4, một trong những cơ sở vật chất của thể thao TP.HCM, đã bị xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Trung tâm TDTT quận 4, một trong những cơ sở vật chất của thể thao TP.HCM, đã bị xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Chiếm đến 18/41 dự án, có thể nói lĩnh vực thể thao hiện đặc biệt được UBND TP.HCM xem trọng, làm gợi nhớ đến chủ trương một thời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ưu tiên kinh phí để xây nhà thi đấu thể thao Phan Đình Phùng 40 năm trước.

Ông Phạm Văn Kiết - nguyên giám đốc Sở TDTT TP.HCM - kể lại: "Tôi là một trong những người gây dựng cơ sở vật chất cho thể thao Việt Nam sau năm 1975. Tôi vẫn còn nhớ khi được tiếp quản CLB Phan Đình Phùng khi đó chỉ mới là một sân thi đấu còn khá thô sơ.

Sài Gòn thời điểm đó chỉ có một số cơ sở thể thao như sân Thống Nhất, hồ bơi Yết Kiêu, CLB Phan Đình Phùng... Những năm đó khó khăn lắm, nhưng các lãnh đạo vẫn đặc biệt quan tâm đến thể thao.

Giai đoạn năm 1980-1981, UBND thành phố từng lên danh sách 11 công trình trọng điểm cần được xây dựng. Nhưng vì thiếu hụt kinh phí nên giảm xuống chỉ còn 2 - trong đó có nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Rồi cuối cùng cũng vì kinh phí nên giảm chỉ còn 1.

Khi đó, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (thời điểm đó là chủ tịch UBND TP.HCM) nói thế này: Thể thao mình chưa có một công trình gì mang tính đối ngoại cả, nên thôi cần ưu tiên cho thể thao. Cuối cùng nhà thi đấu Phan Đình Phùng được chọn để tái xây dựng, trở thành công trình thể thao lớn đầu tiên của cả nước".

Câu chuyện trên do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt kể với ông Kiết khi đến thăm công trường xây dựng vào năm 1984, khiến "ai cũng run lên vì xúc động" - theo lời kể của ông Kiết. Chính các lãnh đạo thể thao TP.HCM khi đó cũng không ngờ lĩnh vực của mình lại được xem trọng đến vậy. Năm 1985, nhà thi đấu Phan Đình Phùng được khánh thành.

Trải qua nhiều thập niên, thể thao TP.HCM lúc thịnh lúc suy, nhưng vẫn luôn là cái nôi của phong trào rèn luyện thể dục thể thao cho người dân.

Nếu ở những năm thập niên 1980 đến 2000, TP.HCM đi đầu trong việc phát triển điền kinh, bơi lội và nhiều môn thể thao quan trọng khác trong hệ thống Olympic thì đến ngày nay, những môn thể thao mới mẻ, ngoại nhập như aerobic, dancesport, zumba, bóng bầu dục, bóng chày, hockey... cũng nở rộ từ chính giới trẻ Sài Gòn.

Tầm quan trọng của thể thao ngày nay đã được cả thế giới thừa nhận, qua rất nhiều nghiên cứu và khảo sát khoa học.

Có thể dục thể thao, người dân mới có sức khỏe làm việc. Chưa kể những sự kiện, giải đấu thể thao còn tác động đến kinh tế, thương mại.

Hơn 4 thập niên trước, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng các lãnh đạo TP.HCM đã cho thấy cái nhìn đúng đắn về tầm quan trọng của thể thao với người dân, để ưu tiên tất cả cho công trình nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Với tinh thần đó, hy vọng trong thời gian tới TP.HCM sẽ có những công trình thể thao xứng tầm với thành phố phát triển nhất cả nước.

TP.HCM sẽ xây nhiều sân thi đấu nghìn tỉTP.HCM sẽ xây nhiều sân thi đấu nghìn tỉ

Dự án xây mới sân vận động chính có sức chứa 50.000 chỗ, có bố trí đường chạy điền kinh tại TP Thủ Đức với diện tích gần 11ha được kỳ vọng rất nhiều.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp