Công viên Bạch Đằng (Q.1, TP.HCM) nằm ven sông Sài Gòn - Ảnh: HỮU KHOA |
Theo UBND quận 1, chợ phiên sẽ hoạt động vào mỗi cuối tuần nhằm quảng bá thương hiệu Việt và tạo không gian vui chơi, điểm đến cho khách du lịch và người dân TP.
Đây sẽ là một trong số các hoạt động làm “sống lại” công viên Bến Bạch Đằng sau hơn hai năm công viên này bị bỏ trống, xuống cấp, nhếch nhác.
Chợ phiên thương hiệu Việt
Vị trí chợ phiên dự kiến được bố trí từ nhà điều hành bến tàu cánh ngầm hiện tại đến khu vực nhà tròn với chiều dài chừng 100m, khoảng 100 gian hàng.
Các thương hiệu Việt sẽ đăng ký luân phiên để trưng bày hàng hóa, giới thiệu sản phẩm và bán hàng hằng tuần tùy theo chủ đề trong tuần (ẩm thực, thời trang, du lịch...).
Khu vực này sẽ kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ thành chuỗi điểm đến cho người dân TP, khách du lịch mỗi cuối tuần. Khu vực từ nhà tròn đến tường ngăn cảng Ba Son sẽ bố trí bãi giữ xe. Dự kiến trong tuần tới, UBND quận sẽ hoàn chỉnh đề án để trình UBND TP.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng ủng hộ ý tưởng, đồng ý về mặt nguyên tắc đề xuất của UBND quận 1 về việc tổ chức tại khu vực này.
Trên Con đường âm nhạc này sẽ tổ chức những nội dung biểu diễn, tìm hiểu thông tin về âm nhạc truyền thống của Việt Nam và các nước.
Bên cạnh đó, đơn vị quản lý sẽ tổ chức các chuyên đề, chương trình âm nhạc, mời các câu lạc bộ, trung tâm văn hóa của các quận, Nhà văn hóa Thanh niên TP biểu diễn mỗi cuối tuần hoặc vào những ngày kỷ niệm.
Một lãnh đạo UBND quận 1 cho biết các hoạt động này nhằm làm sống lại không gian công cộng vốn là điểm đến của nhiều người dân TP trước đó, vừa thực hiện chức năng quản lý và khai thác khu vực công viên này trong thời gian chờ dự án cải tạo, chỉnh trang lớn theo quy hoạch của TP.
Dự án chỉnh trang công viên quá chậm
Công viên Bến Bạch Đằng trước đây có một ban quản lý thuộc UBND quận 1. Nơi đây từng là bãi giữ xe và một đầu của bến phà Thủ Thiêm nối quận 1 và quận 2, nhà điều hành của các doanh nghiệp hoạt động tàu cánh ngầm tuyến TP.HCM - Vũng Tàu và bến của loại tàu này.
Trên mặt sông có nhiều tàu nhà hàng neo đậu. Một phần công viên được làm bờ kè cho người dân TP đến đây hóng mát.
Năm 2013, UBND TP đã giao Tổng công ty Du lịch Sài Gòn TNHH một thành viên (Saigontourist) lập quy hoạch, đầu tư chỉnh trang, cải tạo, khai thác và quản lý khu vực công viên Bến Bạch Đằng. Đến hai năm sau, năm 2015 công tác chuẩn bị cho dự án vẫn chưa tiến triển được là bao.
Giữa năm 2016, trong khi dự án chỉnh trang vẫn còn nằm trên giấy thì UBND TP yêu cầu Saigontourist chuyển giao công viên cho UBND quận 1 quản lý. Ngày 1-9-2016, UBND quận 1 chính thức tiếp nhận việc quản lý công viên này.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, UBND TP vẫn giao cho Saigontourist chủ trì tiếp tục triển khai thực hiện dự án chỉnh trang, cải tạo khu công viên này.
Một thành viên của Hội đồng kiến trúc - quy hoạch TP cho biết Saigontourist đã trình hội đồng phương án thiết kế khu công viên với mô hình là một quảng trường ven sông, phục vụ cộng đồng, không cho neo giữ các tàu du lịch. Khu vực này kết nối với bờ sông phía Thủ Thiêm.
Nguồn tin này cho hay phương án được Hội đồng kiến trúc - quy hoạch TP thông qua thì khu công viên Bến Bạch Đằng này có mặt bằng thoáng, rộng, có bãi đỗ xe ngầm, bên trên khôi phục hình dáng đô thị Sài Gòn ngày xưa, người dân hóng mát ở bờ kè.
Công trình dịch vụ du lịch trên mặt đất cao tối đa hai tầng, có đường ven sông, khu vui chơi giải trí, khu thưởng ngoạn.
Công viên phải là của chung
Theo ông Nguyễn Đăng Sơn - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, công viên Bến Bạch Đằng nói riêng và cảnh quan hai bên sông Sài Gòn nói chung phải là dòng sông cảnh quan và sinh thái.
Công viên Bến Bạch Đằng được chỉnh trang, cải tạo kiểu gì cũng phải là một phần liên tục, kết nối với một dải cảnh quan ven sông ở bờ tây sông Sài Gòn và cân xứng với quảng trường, công viên của bờ đông sông ở Thủ Thiêm.
“TP không nên chỉ giao cho một đơn vị thiết kế, quy hoạch, mà nên mở cuộc thi để quy tụ được ý tưởng, tinh hoa của giới chuyên môn.
Vừa qua, TP Đà Nẵng cũng mở cuộc thi tuyển chọn ý tưởng quy hoạch và thiết kế cảnh quan hai bên bờ sông Hàn đã thu hoạch được nhiều ý tưởng thiết kế rất chuyên nghiệp và được đánh giá cao” - ông Sơn hiến kế.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP, dải công viên cảnh quan dọc bờ tây sông Sài Gòn đang dần hình thành, nhưng để hoàn thành có khi phải kéo dài 10 năm nữa. Trước mắt, Nhà nước phải có phương án sử dụng tạm thời.
“Theo tôi, dù đầu tư theo hình thức nào, xây dựng công trình gì thì phải bảo đảm điều quan trọng nhất là bờ sông Sài Gòn - trong đó có công viên Bến Bạch Đằng - không phải của riêng ai, mà phải là của cộng đồng, của người dân.
Tối kỵ việc khai thác bờ sông chỉ để các chủ đầu tư khai thác thu tiền. Nhà nước phải bảo đảm đây là tiêu chí lớn nhất, bất biến khi xây dựng cảnh quan ven sông Sài Gòn” - PGS.TS Hòa nhấn mạnh.
Bến Bạch Đằng đang bị hoang hóa Trời vừa sập tối, đường Tôn Đức Thắng bắt đầu lên đèn rực rỡ, nhộn nhịp người xe qua lại. Ngay bên cạnh, công viên Bến Bạch Đằng yên ả, vắng vẻ, thưa thớt vài người tản bộ. Những ngọn đèn vàng mờ mờ, leo lét càng làm cho khung cảnh trong công viên buồn tẻ, nhạt nhòa. Những cầu tàu được xây dựng từ lâu đã cũ kỹ, thủy triều xuống lộ rõ rong rêu bám đầy vào thân cột bêtông. Trên các trụ bêtông, một vài chiếc phao cũ mèm, rách nát đã lâu không được sử dụng nhàu nhĩ. Dọc bờ sông có những đoạn bờ kè bêtông bị sụt lún, lở lói, chỉ có vài chiếc canô cũ đậu. Ngay gần đó, rác sinh hoạt xen lẫn lục bình nổi lềnh bềnh đặc kín. Bên trong công viên, nền bêtông, bục đá cũng hư hỏng nặng, nhiều đoạn nền bị vỡ vụn, loang lổ. Cứ đi một đoạn ngắn, chúng tôi lại thấy những mảng tường trong công viên bị nứt, phần thì bị viết vẽ bậy chi chít. Ông Phan Quốc Vinh - người dân sống gần công viên Bến Bạch Đằng hơn 40 năm - cho biết bến Bạch Đằng bây giờ hoang phế và không còn ai đến tham quan nữa. Theo ông Vinh, nguyên nhân chính là do khu vực này thiếu ánh sáng nên người dân không dám lại gần sợ trộm cướp, móc túi. Ông Nguyễn Thế Định, giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1, cho biết quận 1 đang làm đề xuất xin ý kiến các sở, ban ngành để duy tu, sửa chữa công viên. Theo đó, sẽ mở rộng diện tích công viên, sơn lại toàn bộ hàng rào chắn, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, trang bị thêm ghế ngồi, gắn máy tập luyện thể dục các loại, xây nhà vệ sinh công cộng... |
Quy hoạch khu công viên Bến Bạch Đằng Theo quy hoạch khu trung tâm hiện hữu TP.HCM (930ha), khu vực công viên Bến Bạch Đằng là một trong những khu vực đặc biệt. Đường Tôn Đức Thắng đi qua đoạn này sẽ được ngầm hóa và có hai làn xe mỗi hướng. Bãi đậu xe ngầm Tôn Đức Thắng cách Công trường Mê Linh khoảng 100m, về phía nam của đường Ngô Văn Năm. Toàn bộ mặt đường Tôn Đức Thắng hiện tại sẽ là công viên, đường đi bộ. Ở giữa Công trường Mê Linh sẽ có một vườn trũng bố trí các cửa hàng bán lẻ, quán cà phê, nhà hàng xung quanh. Ở tầng trệt của quảng trường có hơn 50% diện tích cây xanh che phủ, xây đài phun nước. Giữa Công trường Mê Linh và sông Sài Gòn có 3 trạm xe buýt, trạm LRT và trạm taxi thủy. Công viên Bến Bạch Đằng nằm trong dải quy hoạch bờ tây sông Sài Gòn kéo dài từ cầu Sài Gòn qua Tân Cảng - Ba Son - bến Bạch Đằng - cột cờ Thủ Ngữ - cảng quận 4 đến chân cầu Tân Thuận. Đây là dải công viên cảnh quan đối ứng với khu đô thị mới Thủ Thiêm ở bờ đông sông Sài Gòn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận