12/01/2016 11:28 GMT+7

Gas giả là bình giả hay nước gas giả?

TTO thực hiện
TTO thực hiện

TTO - Nhiều câu hỏi cụ thể đã đặt cho các chuyên gia tại chương trình giao lưu trực tuyến do Tuổi Trẻ Online tổ chức sáng nay 12-1-2016: nói gas giả tại sao vẫn xài được, khi phát hiện gas khiếu nại ở đâu, việc sử dụng phân phối gas tại Nhật như thế nào...

Cơ quan chức năng phát hiện trạm chiết gas lậu.

Theo thống kê của Hiệp hội Gas VN, cả nước hiện có trên 20 triệu vỏ bình gas nhưng 30% bình gas trong mỗi nhà dân là gas sang chiết lậu, không được kiểm soát chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Trước thực trạng này, báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến - tọa đàm với chủ đề “Thị trường gas - làm sao phân biệt thật giả?”.

Buổi giao lưu trực tuyến và tọa đàm diễn ra từ 9g sáng 12-1 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Buổi giao lưu đang diễn ra
Ông Lê Xuân Trung (bìa phải), phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ trao hoa và quà cho các khách mời giao lưu trực tuyến - Ảnh: Thanh Tùng 

Tham dự buổi giao lưu và tọa đàm có: 

1.     Trần Minh Loan, Phó chủ tịch Hiệp hội Gas VN, chủ hệ thống bán lẻ gas Bình Minh

2.     Nguyễn Bảo Trung, Phó chủ tịch Chi Hội gas Miền Nam

3.     Ông Hirohisa Ikeno, chuyên gia an toàn gas từ Nhật Bản,

4.     Luật gia Phan Thị Việt Thu, phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng TP.HCM,

5.      Phan Anh Thắng, Phó đội trưởng đội QLTT 4A – Chi cục QLTT TP.HCM 

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU: 

* Bên Nhật dùng gas có nhiều không? Quản lý như thế nào? Chứ tôi thấy nước Nhật động đất liên miên, sao người Nhật vẫn dùng gas bình thường mà.(Mộng Cầm, 29 tuổi, vitconhamchoi112@....)

Ông Hirohisa Ikeno, chuyên gia an toàn gas từ Nhật Bản (người mặc áo vest) -Ảnh: Thanh Tùng

Ông Hirohisa Ikeno - chuyên gia an toàn gas từ Nhật Bản: Ở Nhật, 60% gas được cấp qua hệ thống đường ống tổng tới từng gia đình (thường gọi là gas thành phố). Còn lại khoảng 40% là gas bán theo bình lẻ như ở VN. Tuy nhiên sau sự cố động đất mới đây cho thấy gas bình mua lẻ lại an toàn hơn gas thành phố, do vậy tỷ trọng gas bình lẻ lại đang tăng lên tại Nhật.

* Chúng tôi đang sinh sống ở KP 3, p. Phước Long B, Q.9, TP.HCM, trên đường 147 có điểm bán gas lậu để trong phòng trọ này đã tồn tại nhiều năm rồi. Ngày càng phì to vì họ có 4 đến 5 người, ngày chở gas ì xèo cả ngày đêm . Gần 4 tháng nay họ có thêm một kho chứa trên con đường này. Hàng ngày khoảng 11g -12g trưa một xe tải vào giao gas . Người dân chúng rất bất an cháy nổ bất cứ khi nảo mong các cơ quan nào sử lý rốt ráo. Xin cảm ơn(tran chung, 50 tuổi, chungchokhach@....)

- Phan Anh Thắng - Phó đội trưởng đội QLTT4A - Chi cục Quản lý Thị trường TP.HCM:

Bạn làm đơn gửi lên Chi cục quản lý thị trường để cơ quan quản lý thị trường xem xét đơn thư (trong đó ghi rõ địa chỉ nơi chứa gas lậu này), cơ quan chúng tôi sẽ tiến hành trinh sát, nếu đúng như đơn tố cáo thì tiến hành kiểm tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Địa chỉ gửi đơn: 242 Điện Biên Phủ, phường 7, Quận 3, TP.HCM.

Hoặc các bạn có thể báo tin qua điện thoại đến số đường dây nóng của Chi cục quản lý thị trường.

* Xin chào, tôi có câu hỏi này (băn khoăn bao nhiêu năm nay không biết hỏi ai) nay được biết có buôi giao lưu trực tuyến - tọa đàm về chủ đề "Thị trường gas -làm sao phân biệt thật giả" này tôi rất tâm đắc. Hãy giúp chúng tôi, những người tiêu dùng biết nơi nào cung cấp bình gas thật, để chúng tôi được mua bình gas thật và an tâm sử dụng, không còn vừa nấu cơm vừa nơm nớp lo sợ như hiện nay. Xin cám ơn(Trần Thị Mỹ Xuân, 49 tuổi, xuan10266@....)

Ông Trần Minh Loan- phó chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam: Chị có thể gọi cho số tư vấn và chăm sóc khách hàng của công ty gas Bình Minh (1900.545479).

* Thưa cô Thu, Hội bảo vệ người tiêu dùng, nhiều chuyên gia vẫn tư vấn mua gas phải tìm hiểu chỗ bán, nhưng đâu phải lúc nào mình cũng có thời gian. Khi hết gas cứ gọi điện là họ mang tới. Thế nhưng trường hợp mình gặp sự cố thì sợ họ “chạy làng”. Vậy cô tư vấn cụ thể để con còn biết đòi quyền lợi như thế nào? Hoài Thu 21 tuổi (Hoai minh Hoa, 21 tuổi, Hoaithu115@...)

- Luật gia Phan Thị Việt Thu, phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM:

Chào em, Việc mua gas phải tìm hiểu chỗ bán uy tín là điều cần thiết. Chỉ cần tìm hiểu lần đầu tiên, nếu biết chắc là địa điểm bán gas an toàn thì có thể đặt mua tiếp những lần sau.

Đồng thời, khách hàng cũng phải yêu cầu cửa hàng bán gas hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cách sử dụng sản phẩm của họ sao cho đảm bảo an toàn.

Trong giao dịch đầu tiên, cửa hàng phải có sự cam kết với khách hàng về chất lượng sản phẩm và trong trường hợp nếu có sự cố xảy ra thì nơi này phải có trách nhiệm.

Khi sự cố xảy ra trong quá trình sử dụng thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về nơi cung cấp gas. Nếu sự cố gây hậu quả, cửa hàng gas phải chịu trách nhiệm bồi thường thỏa đáng cho khách hàng theo đúng quy định của pháp luật.

* Tôi xin hỏi ông Trần Minh Loan là ông có thấy khó chịu khi thị phần gas của công ty ông bị công ty gas khác chiếm đoạt không?

Câu hỏi tiếp theo là: Cứ gas có giá thành bán lẻ thấp là gas kém chất lượng à, các nhà lãnh đạo ngành gas? (Âu gia Thành, 58 tuổi, agiathanh@...)

Ông Trần Minh Loan- Phó chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam: Theo tôi hiểu đạo đức trong kinh doanh là phải làm tròn bổn phận nhà kinh doanh với người tiêu dùng, xã hội. Việc phát triển kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh phù hợp giữa lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và xã hội thì đấy chính là đạo đức kinh doanh.

Tôi rất thông cảm với một số người kinh doanh bị mất khách hàng do cạnh tranh nhưng người kinh doanh phải hiểu lợi ích đòi hỏi của người tiêu dùng luôn luôn buộc chúng ta phải thay đổi phương thức kinh doanh.

Vấn đề quan trọng là chúng ta phải tìm cách hợp tác để xây dựng một thị trường gas lành mạnh, phương thức kinh doanh tốt với tất cả những gì chúng ta đang có. Đây là không phải là đạo đức kinh doanh. Rất cám ơn độc giả đã thẳng thắn đặt câu hỏi này.

Không phải giá gas rẻ là gas kém chất lượng. Người bán gas và người tiêu dùng phải hiểu nếu người tiêu dùng mua một bình gas dùng tại nhà trong một thời gian nhất định thì cái mà người ta mua không phải chỉ là 12kg gas mà còn là mua cả dịch vụ đi kèm để đảm bảo tiêu dùng gas một cách an toàn, tiện lợi nên giá trị của hàng hóa này vừa là sản phẩm vừa là dịch vụ.

Nên nếu mua giá rẻ mà không có dịch vụ tư vấn, hướng dẫn, kiểm tra... thì hóa ra là đắt. Và người tiêu dùng có thể phải "trả giá" rất cao. Trong trường hợp này, chính là đạo đức kinh doanh nếu bán gas mà không có dịch vụ tốt là lừa dối khách hàng, đã không làm việc mình phải làm.

*Tôi thấy nhắc đến gas lậu rất nhiều, nhưng có vẻ cơ quan chức năng không dẹp nổi. Mấy anh xem xét mấu chốt vấn đề là do đâu? Thanh gươm sắc nào có thể chặt phăng tình trạng này cho dân đỡ sợ?(Linh Ngan, 39 tuổi, Linhnganthuduc@...)

- Luật gia Phan Thị Việt Thu, phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM:

Vấn đề gas lậu không chỉ là bức xúc của người tiêu dùng mà cũng là mối quan tâm của các cơ quan chức năng vì nó gây hậu quả nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng con người.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận mấu chốt của vấn đề là do ý thức của người kinh doanh, chỉ nghĩ đến lợi nhuận. Ngoài ra còn có cả sự lơ là, dễ dãi của người tiêu dùng.

Do đó, trước hết, người tiêu dùng chính là thanh gươm sắt nhất để chặt phăng tình trạng này. Bởi vì nếu người tiêu dùng có tìm hiểu kỹ càng khi mua sản phẩm và kiên quyết tẩy chay những hàng gian, hàng lậu, hàng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và sẵn sàng tố giác khi phát hiện các trường hợp sang chiết gas lậu thì những người kinh doanh này sẽ không có cơ hội tồn tại.

* Gia đình tôi thường xuyên dùng gas Saigonpetro, xin được hướng dẫn cách phân biệt gas thật giả. Xin cám ơn qui ngài. (Huỳnh Hữu Hậu, 1969 tuổi, chimgokien69@....)

Ông Nguyễn Bảo Trung, Phó chủ tịch Chi Hội gas Miền Nam (phải) - Ảnh: Thanh Tùng

- Nguyễn Bảo Trung - phó chủ tịch Chi hội Gas Miền Nam

Để chắc chắn mua được gas Saigon Petro chính hãng, người tiêu dùng nên liên hệ mua gas từ đại lý chính thức của Gas SP được thông báo trên website của công ty hoặc liên hệ số điện thoại của TT Chăm sóc khách hàng 08.39339339. Khi nhận chai gas, người tiêu dùng nên kiểm tra các nhận biết sau:

1. Xem Chai gas có tên thương hiệu và logo Saigon Petro hay không, Trên mỏm vỏ chai (ngay van đầu bình) có dập nổi chữ Saigon Petro hay không 

2. Ngày tháng kiểm định được đóng vào quai xách của chai gas, xem có bị quá hạn chưa

3. Niêm màng co van đầu bình có in rõ ràng sắc sảo hay không

4. Trên niêm màng co đều có dán 1 Tem chống giả, lấy ít nước quẹt lên tem sẽ hiện rõ LOGO màu xanh đậm lên và sau đó để tem khô trong 30s, Logo sẽ nhạt dần và gần như mất hẳn. Đây là dấu hiệu nhận biết hàng thật

5. Xem trọng lượng vỏ chai được ghi trên quai xách. Ví dụ ghi là 13,5 (tức là vỏ chai rỗng chưa có nước gas có trọng lượng 13,5 kg). Sau khi có nước gas 12 kg thì tổng trọng lượng chai gas sẽ là 25,5 kg. Yêu cầu cân chai gas xem có đúng 25,5 kg hay không.

* Tai sao gas lậu cứ bắt hoài mà không hết... Khi có cháy nổ về gas được đưa tin lên báo chí lúc đó mới có đoàn đi kiểm tra thì làm sao bắt được gas lậu. Có cách làm nào mới hơn và hiệu quả hơn không. Cảm ơn(Xuân Vương, 52 tuổi, hữu nghị kp3, thủ đức)

 Anh Phan Anh Thắng (bìa phải), Phó đội trưởng đội QLTT 4A – Chi cục QLTT TP.HCM - Ảnh: Thanh Tùng

- Phan Anh Thắng - Phó đội trưởng đội QLTT4A - Chi cục Quản lý Thị trường TP.HCM

Thực ra cơ quan chức năng chúng tôi thường xuyên kiểm tra và xử lý tuy nhiên không phải vụ việc nào cũng được báo chí, truyền thông đưa tin rộng rãi, do đó bạn không biết đó thôi. Mới đây chúng tôi đồng loạt kiểm tra, bắt quả tang các đối tượng kinh doanh gas giả mạo các nhãn hiệu và điểm kinh doanh trái phép đặt trong khu dân cư.

Việc kinh doanh trái phép này rất nguy hiểm đến an toàn cháy nổ. Khi xảy ra sự cố, những thiệt hại về người và vật chất là điều khó tránh khỏi. Qua kiểm tra, chúng tôi tiến hành thu giữ hàng hóa, xử lý triệt để theo qui định hiện hành.

*Nhà tôi dùng dây gas bằng nhựa, nhưng người bán gas đến tư vấn dùng dây gas bọc lõi kim loại. Họ nói cái này tốt hơn nên tôi nghe theo dù giá khá đắt. Gần đây nghe nói loại này gây cháy nổ. Xin được tư vấn rõ hơn?(Bich Ngan, 38 tuổi, bichngan445@....)

- Ông Hirohisa Ikeno - chuyên gia an toàn gas từ Nhật Bản:

Ở bên Nhật có dùng cả hệ thống đường dẫn bọc kim loại lẫn đường ống cao su chuyên dùng cho gas, không dùng dây bằng nhựa. Cả hai loại dây cao su chuyên dụng và bọc kim loại nếu đúng tiêu chuẩn thì không nguy hiểm gì, đều dùng tốt.

Ở Nhật, đường dây và hệ thống để dẫn gas có thể do người dân tự bỏ tiền trang bị hoặc do nhà cung cấp trang bị với khoản chi phí ghi trong hợp đồng. Theo tôi các thiết bị này nên do nhà cung cấp trang bị sẽ đúng chuẩn và an toàn hơn là người dân tự lụa chọn mua cho riêng mình. 

*Xin hỏi làm sao biết gas của mình đang dùng có đúng của công ty hay không, hay đã bị đại lý tráo hàng?(văn ba, 33 tuổi, vanba@...)

- Nguyễn Bảo Trung - Phó Chủ tịch Chi hội gas Miền Nam:

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều cửa hàng bán lẻ phân phối không đúng hàng chính hãng. Vì lợi nhuận họ sẵn sàng phân phối gas lậu, hoặc khi giao hàng đến người tiêu dùng họ có thể tráo vỏ chai gas của người tiêu dùng đang sử dụng sang chai gas của thương hiệu nhỏ khác.

Người tiêu dùng khi gọi mua gas phải lưu ý đến thương hiệu chai gas có uy tín chất lượng. Phải yêu cầu cửa hàng giao gas đúng thương hiệu đã yêu cầu.

Cần tìm hiểu cách nhận biết hàng chính hãng của thương hiệu gas đang dùng bằng cách liên hệ trung tâm chăm sóc khách hàng của Công ty hoặc xem trên website của công ty gas đó.

* Nhà tôi đang sử dụng bếp gas âm, bình gas để trong tủ bếp, bình gas của công ty Saigon Petro. Cách đây 2 tháng, khi thay bình gas mới, tôi có mua mới bộ van và dây hiệu Namilux, tôi nhờ nhân viên giao gas thay giúp. Mỗi ngày,trước khi nấu ăn, tôi mở ngăn tủ bếp có để bình gas ra thì ngửi thấy mùi gas nồng, mở tủ một lúc thì hết mùi gas. Vậy bình gas nhà tôi có bị rò rỉ không ? Xin hỏi biện pháp khắc phục ? Sau khi sử dụng bếp xong, có cần phải vặn khoá gas không? Xin các chuyên gia tư vấn giúp. Cảm ơn.(Ngô thị Hoàng Oanh, 53 tuổi, Ngo.thihoangoanh@y...)-

-Nguyễn Bảo Trung - Phó chủ tịch Chi hội Gas Miền Nam: Saigon Petro luôn khuyến cáo người tiêu dùng nên sử dụng đồng bộ van dây của chính hãng Saigon Petro để đảm bảo an toàn. Nếu lắp van dây của thương hiệu khác thì nên lựa chọn van dây của các hãng sản xuất lớn và có uy tín. Lưu ý phải thay van dây khi hết hạn sử dụng. Sau khi thay van dây phải yêu cầu nhân viên giao gas sử dụng nước xà phòng để kiểm tra từ van đầu bình, van dây đến khớp nối giữa van dây với bếp gas xem có bị bị rò rỉ hay không.

Sau khi sử dụng bếp nấu ăn xong phải khóa van đầu bình gas trước sau đó tắt bếp gas.

Nếu đã làm các việc trên mà hàng ngày mở tủ bếp ra vẫn ngửi thấy mùi gas thì phải kiểm tra van khóa gas ngay và không được mở hay tắt bất kỳ công tắc điện nào. Nên mở cửa cho thông thoáng và điện thoại ngay cho Trung tâm chăm sóc khách hàng 08.39339339 hoặc liên hệ ngay với đại lý giao gas để kịp thời xử lý.

* Không phải nói xui nhưng nếu bình gas gặp sự cố nổ thì chúng tôi biết bắt đền ai? Đại lý, hãng gas? Mức bồi thường thiệt hại này tính như thế nào? Chúng tôi phải “phòng hờ” những giấy tờ pháp lý, thỏa thuận gì để tránh bị khước từ? (Hồng Văn Quý, 39 tuổi, Tinhyeumaunang76@....)

Luật gia Phan Thị Việt Thu, phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng TP.HCM (người thứ 2 từ bên phải qua) - Ảnh: Thanh Tùng

- Luật gia Phan Thị Việt Thu, phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM:

Theo Luật bảo vệ người tiêu dùng quy định, trong trường hợp gặp sự cố, nếu là hàng chính hãng thì nhà sản xuất gas (hãng gas) sẽ phải chịu trách nhiệm.

Nhưng nếu hàng không phải hàng chính hãng thì cửa hàng nơi bán gas phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người sử dụng.

Để đảm bảo quyền lợi của mình, khi giao dịch mua gas, người tiêu dùng cần phải yêu cầu cửa hàng bán gas phải cung cấp chứng từ, xuất xứ sản phẩm và hóa đơn đầy đủ.

Nếu là lần đầu giao dịch đầu tiên thì đề nghị cửa hàng cung cấp giấy bảo hành đối với bình gas .

Đồng thời yêu cầu nơi bán gas phải hướng dẫn cụ thể cách sử dụng để tránh trường hợp người bán đổ lỗi cho khách hàng sử dụng không đúng cách nên gây ra sự cố.

* Bình gas bình thường loại 12kg, không tem, trên nắp mở gas chỉ có lớp nhựa mở ra thì xài lấy gì phân biệt thật - giả (nguyễn văn hoa, 45 tuổi, hoavksal@...)

Ông Trần Minh Loan, phó chủ tịch Hiệp hội Gas VN, chủ hệ thống bán lẻ gas Bình Minh - Ảnh: Thanh Tùng

Ông Trần Minh Loan- Phó chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam: Nếu bình gas đúng như anh/ chị mô tả thì theo tôi đây là bình gas giả.

Nhân đây, tôi cũng muốn nói với tất cả người tiêu dùng gas, với các cơ quan chức năng và với những người kinh doanh gas rằng: cách tốt nhất và hiệu quả nhất để kiểm tra gas thật gas giả là kiểm tra người bán gas. Vì đây không phải là bán hàng hóa mà còn là dịch vụ.

Tất nhiên, những người làm ăn chân chính và đủ điều kiện phải có cách đưa thông tin đến người tiêu dùng và người tiêu dùng cũng dễ dàng có thông tin đến người bán hàng. Đơn giản là gọi điện thoại kiểm tra.

Lưu ý rằng, số điện thoại bạn gọi phải là số điện thoại quen thuộc.

* Những đặc điểm nào cho biết khi nhìn bình gas nhận thấy được có dấu hiệu gas thật hoặc gas giả.(Nguyễn Đức Hạnh, 56 tuổi, ndhanh@...)

Ông Trần Minh Loan- Phó chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam: Thứ nhất, hiện nay các đối tượng buôn bán hàng giả hầu như làm được tất cả các việc để bình gas giả trông như thật, kể cả việc cân đo và niêm tem.

Thứ hai, sản phẩm bình gas tốt không phải chỉ là bình gas mà còn là dịch vụ đi kèm (lắp đặt, tư vấn, hướng dẫn...) thường xuyên.

Các khách hàng một mặt phải quan sát và đánh giá xem người giao gas có làm dịch vụ tốt không. Trong trường hợp còn nghi ngờ thì gọi đến số tổng đài của người bán gas để kiểm tra. Đồi với Bình Minh là số: 1900.545479.

* Nhật bản có dùng gas bình như VN không? Hay bên chuyên gia dùng gas theo hệ thống? Các vụ tai nạn liên quan đến gas ở nước ông có nhiều không?(Hùng Chiến, 47 tuổi, chuba_minhtien@...)

- Ông Hirohisa Ikeno - chuyên gia an toàn gas từ Nhật Bản:  Ở Nhật, công ty sản xuất cung cấp gas tới các nhà phân phối, từ đó cung cấp cho người tiêu dùng thông qua hợp đồng sử dụng, trong đó có ghi số tài khoản. Người tiêu dùng sẽ chuyển khoản cho nhà phân phối tiền gas đã sử dụng chứ không mua tiền mặt.

* Xin cho biết cách phân biệt gas thật - gas một cách đơn giản nhất. (Nguyễn Đỉnh Điền, 57 tuổi, ngdinhdien@...)

-Ông Hirohisa Ikeno - chuyên gia an toàn gas từ Nhật Bản:

Nếu gas giao hàng tới nhà rồi thì khó mà phân biệt được hàng giả hay thật, bởi vì người ta có thể làm giả cả nhãn mác dán lên bình. Tốt nhất khi mua nên xác định trong đầu một thương hiệu tin cậy nào đó. Chẳng hạn định mua gas A thì hỏi thẳng nhà phân phối là chỗ anh có bán gas A không, nếu có thì mang đến, kèm cả giấy tờ chứng nhận đó là đại lý chính thức của hãng gas A. 

Bình gas ở Nhật luôn đặt ở bên ngoài phòng bếp và bên ngoài căn nhà. Khác biệt thứ hai là mỗi gia đình Nhật luôn có 2 bình gas, bình này hết thì lập tức có bình kia để dùng, trong khi bình đã hết sẽ nhanh chóng được thay. Như vậy không có chuyện đang nấu hết gas như ở VN.

Ở Nhật, việc sử dụng gas bình đã có khoảng 50 năm nay. Như trên đã nói, gas được đặt bên ngoài nhà nên tai nạn nếu có chỉ rất nhẹ vì không gian thoáng. Và thường khi thấy có dấu hiệu cũ mòn ở dây dẫn chẳng hạn, người tiêu dùng có thể báo ngay với nhà phân phối thông qua hệ thống liên lạc qua mạng và điện thoại rất tiện lợi.

Mọi việc được xử lý nghiêm khắc và nhanh gọn từ đầu, nên rất hiếm khi xảy ra sự cố gì nghiêm trọng ở Nhật. Trường hợp sự cố cháy nổ chỉ xảy ra khi người dùng tự trang bị gas và không liên kết gì với nhà phân phối để có thể ứng dụng hệ thống an toàn.

* Tôi thấy cơ quan chức năng, cụ thể như QLLT chỉ kiểm tra theo phong trào, sau đó bỏ ngỏ. Đại diện QLTT giải thích như thế nào về vấn đề kiểm tra, kiểm soát gas lậu, giả. Chúng tôi dùng gas mà lúc nào cũng nơm nớp lo sợ.(hải kha, 70 tuổi, haikha176@...)

- Ông Phan Anh Thắng, phó đội trưởng Đội QLTT 4A - Chi cục QLTT TP.HCM:

Câu hỏi của bạn chưa thực sự chính xác, đối với mặt hàng gas cơ quan chúng tôi đặt làm trọng tâm trong việc kiểm tra kiểm soát thị trường. Tuy nhiên để xử lý triệt để cần có sự chung sức của nhiều cơ quan ban ngành, các cá nhân, đơn vị liên quan.

Cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra kiểm soát thị trường xử lý triệt để vi phạm.Các công ty cung cấp gas phải đảm bảo chất lượng và thường xuyên hướng dẫn khách hành sử dụng đúng cách. Cơ quan truyền thông báo chí cũng phải thường xuyên thông tin đại chúng. Khách hàng sử dụng biết tiêu dùng thông minh. 

* Hiện nay trên thị trường quảng cáo khá nhiều thiết bị báo rò rỉ gas, thiết bị ngắt gas tự động… Xin hỏi những thiết bị này có hiệu quả như quảng cáo hay không?(Minh Hoàng, 49 tuổi, minhhoangchimse@...)

Nguyễn Bảo Trung - Phó Chủ tịch Chi hội gas Miền Nam: Các thiết bị này cần kiểm tra xem có Kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng hay không

Mỗi 3 - 6 tháng nên kiểm tra thiết bị có hoạt động hay không và nên kiểm định lại thiết bị định kỳ

* Tôi bỏ số tiền đặt cọc để mua bình gas gần 300 ngàn (ngoài tiền nước gas) nhưng khi trả lại bình để chuyển sang thương hiệu khác thì chỉ được thanh toán 170.000 đồng. Họ nói giá thị trường là vậy. Như vậy là không công bằng và bắt chẹt chúng tôi (khi mua tôi không đòi hóa đơn đặt cọc tiền mua bình vì nghĩ bình mình mua rồi). Tôi phải chấp nhận chịu thiệt?(Bình Loan, 47 tuổi, quehuongquangngai15@...)

Ông Trần Minh Loan- Phó chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam: Đòi hỏi của chị là chính đáng, chị sẽ làm việc với chủ cửa hàng cung cấp sản phẩm cho chị. Trong trường hợp người ta không giải quyết, chị có quyền làm việc với chủ hãng gas mà chị đang dùng về yêu cầu của mình.

* Vì an toàn gas là an toàn sinh mạng con người, nên chắc chắn không ai biết gas giả mà vẫn dùng. Trong trường hợp khách hàng mua phải gas giả, và tai nạn xảy ra do chính chất lượng bình gas không đạt chuẩn, ai sẽ là người chịu trách nhiệm pháp lý?

Tôi thấy việc kết luận "khách hàng sử dụng gas kém chất lượng và tự chịu hậu quả" là không thể chấp nhận được. Đối tượng tôi đang nghĩ đến ở đây là các bên Thanh tra, Cục kiểm định an toàn - chất lượng... Các chuyên gia vui lòng cho ý kiến. (Nguyễn Quỳnh Anh, 27 tuổi, quynhanh_vie@.....

Ông Trần Minh Loan- Phó chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam: Nguyên nhân mất an toàn trong sử dụng gas có thể bắt nguồn từ chất lượng bình gas, từ việc giao nhận gas qua nhiều khâu và cả trong quá trình tiêu dùng. Như vậy, chất lượng vỏ bình, dịch vụ và cách thức sử dụng là những nguyên nhân chủ yếu.

Vì vậy, các công ty chủ thương hiệu gas có trách nhiệm đảm bảo bình gas tốt, giao nhận lắp đặt an toàn và hướng dẫn người tiêu dùng chu đáo. Trong trường hợp này, trách nhiệm trực tiếp không thuộc về các bên cơ quan chức năng.

* Xin hỏi gas giả tại sao vẫn sử dụng được? Phải chăng pha chế gas cũng đơn giản, dễ làm?(hoàng cầu, 43 tuổi, hoangcau@...)

Ông Trần Minh Loan- Phó chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam: Chúng ta hiểu gas giả ở đây là khác với các sản phẩm khác về phần gas (LPG) có thể hoàn toàn đáp ứng yêu cầu về chất lượng nhưng ở các yếu tố khác (bình gas không được kiểm định, chiết nạp lậu, thiếu trọng lượng, mất an toàn, không có dịch vụ, lắp đặt không đúng quy cách, không tư vấn hướng dẫn sử dụng...). Có nghĩa là phần dịch vụ bị làm giả hoặc bị bỏ qua.

*Xin cho tôi hỏi: những điểm sang chiết lậu họ lấy nguồn cung ở đâu? (Nguyen hiep hoa, 56 tuổi, ongxahoa@...)

Nguyễn Bảo Trung - phó chủ tịch Chi hội gas Miền Nam: Đây là vấn đề nóng và rất nhạy cảm đã được thảo luận thường xuyên giữa các doanh nghiệp trong Hiệp hội gas và cơ quan quản lý nhà nước.

Hầu như ai cũng biết nguồn cung gas cho các trạm chiết nạp lậu đến từ một số thương nhân đầu mối. Nhưng để ngăn chặn nó lại rất khó khăn.

Ví dụ như chỉ cần các thương nhân phân phối đầu mối kiên quyết chỉ bán hàng là gas chai cho hệ thống đại lý/Tổng đại lý/Trạm chiết nạp trong kênh phân phối của mình và/hoặc chỉ bán hàng là gas bồn (tức là nước gas chưa chiết vào chai gas) cho hệ thống khách hàng công nghiệp là các nhà máy sử dụng thì các trạm chiết nạp lậu sẽ bị đứt nguồn ngay.

Hiệp hội gas cũng đã gởi kiến nghị lên Bộ Công thương đề nghị quy định rõ và có chế tài cho hành vi này trong Nghị định sắp tới.

*Gia đình hai vợ chồng và 2 con nhỏ, mỗi ngày chỉ nấu mỗi bữa tối với 1 món xào, 1 mặn và 1 canh. Tính ra trung bình 1 bình gas 12kg xài được mấy tháng thì hết (Văn Đạt)

Ông Hirohisa Ikeno - chuyên gia an toàn gas từ Nhật Bản: Như vậy thì mỗi tháng chỉ hết 3-4kg, tính ra khoảng 3 tháng thì hết một bình gas 12kg đó. Đó là ở VN, nơi chỉ dùng gas cho mục đích nấu nướng.

Ở Nhật, mức dùng gas mỗi gia đình thường gấp 10 lần người Việt dùng. Bởi ngoài nấu nướng, gas được gắn vào hệ thống sưởi, bình nước nóng và cả máy điều hòa.

* Người tiêu dùng nếu phát hiện gas giả nên làm gì?(van bon, 45 tuổi, vanbon@...)

- Ông Phan Anh Thắng, phó đội trưởng Đội QLTT4A - Chi cục Quản lý Thị trường TP.HCM:

Bạn có thể làm đơn gửi cho cơ quan quản lý thị trường TP.HCM theo địa chỉ 242 Điện Biên Phủ, phường 7, quận 3, điện thoại 08-39321249, hoặc cơ quan quản lý tại địa phương để được tiếp nhận xử lý.  

* Ở Thái Lan theo tôi được biết chỉ có 3-4 thương hiệu gas trong khi nhu cầu dùng gas như Việt Nam? Sao nhà nước không điều hành theo mô hình này. Làm nhân dân đỡ khổ! (Minh Trung, 36 tuổi, Hoinhokynem@....)

Nguyễn Bảo Trung - phó chủ tịch Chi hội gas Miền Nam: Việc giảm bớt các thương hiệu gas trên thị trường để giảm sự náo loạn của thị trường gas hiện nay đang là mục tiêu hàng đầu của cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, để dẹp bớt các thương hiệu gas nhỏ này đòi hỏi sự quyết tâm cao và tốn nhiều thời gian.

Trong thời gian ngắn sắp tới, nhà nước sẽ tiếp tục ban hành Nghị định kinh doanh gas mới để thay thế Nghị định 107 hiện nay. Hy vọng, quy định mới này sẽ giúp giảm bớt các thương hiệu gas nhỏ lẻ không có năng lực về sức chứa hàng hóa, trạm chiết nạp gas, số lượng vỏ chai tối thiểu và hệ thống kênh phân phối.

* Ở Thái Lan theo tôi được biết chỉ có 3-4 thương hiệu gas trong khi nhu cầu dùng gas như Việt Nam? Sao nhà nước không điều hành theo mô hình này. Làm nhân dân đỡ khổ! (Minh Trung, 36 tuổi, Hoinhokynem@....)

Nguyễn Bảo Trung - phó chủ tịch Chi hội gas Miền Nam: Việc giảm bớt các thương hiệu gas trên thị trường để giảm sự náo loạn của thị trường gas hiện nay đang là mục tiêu hàng đầu của cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, để dẹp bớt các thương hiệu gas nhỏ này đòi hỏi sự quyết tâm cao và tốn nhiều thời gian.

Trong thời gian ngắn sắp tới, nhà nước sẽ tiếp tục ban hành Nghị định kinh doanh gas mới để thay thế Nghị định 107 hiện nay. Hy vọng, quy định mới này sẽ giúp giảm bớt các thương hiệu gas nhỏ lẻ không có năng lực về sức chứa hàng hóa, trạm chiết nạp gas, số lượng vỏ chai tối thiểu và hệ thống kênh phân phối.

* Gas Bình Minh là đơn vị đầu tư khá bài bản cho hệ thống bán lẻ. Tuy nhiên tôi thấy có khá nhiều thương hiệu nhái theo. Tôi rất phân vân, tôi muốn xem mình có đang dùng gas chính hãng hay không thì phải làm như thế nào?(Hoài Thương, 65 tuổi, bagiakhotinh126@...)

Ông Trần Minh Loan- Phó chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam: Rất đơn giản, hãy gọi một lần cho số điện thoại tổng đài tư vấn và chăm sóc khách hàng của người bán gas cho anh/ chị. Đối với hệ thống gas Bình Minh: 1900.545479 để kiểm tra.

* Nhà tôi dùng gas bình xám giá 315.000 đồng/bình. Mới đây người phát tờ rơi đến nhà nói giá chỉ 300.000 đồng còn tặng kèm rất nhiều quà. Tôi phân vân không biết gas đó có chất lượng không? Có bị lừa không? Tôi phải làm sao để kiểm chứng lại? (Hoàng Hoa, 33 tuổi, Hoangthihoa78@...)

- Ông Trần Minh Loan- Phó chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam: Chị gọi về số 1900.545479- tổng đài tư vấn và chăm sóc khách hàng của gas Bình Minh để kiểm tra. Yêu cầu của chị sẽ được giải quyết ngay lập tức.

* Kính chào quý Hiệp hội Gas. Cháu xin hỏi: sử dụng bình gas và bếp gas như thế nào cho an toàn khi gia đình cháu phải đặt bếp gas trong phòng trọ với diện tích chật hẹp, kín? Cháu xin trân trọng cảm ơn!(BÙI TRUNG KIÊN, 30 tuổi, kienspm@....)

- Nguyễn Bảo Trung - Phó Chủ tịch Chi hội gas Miền Nam: Người tiêu dùng nên đặt chai gas đứng và ở nơi thông thoáng. Nên mua gas chính hãng, thường xuyên kiểm tra van dây và thay thế định kỳ. Nên khóa van chai gas sau khi sử dụng và tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

* Nếu phát hiện một bình gas kém chất lượng của Bình Minh, liệu chúng tôi đòi đổi 500 triệu đồng thì Bình Minh xử lý ra sao?(hoàng lân, 35 tuổi, hoanglan@...)

- Luật gia Phan Thị Việt Thu, phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM:

Nếu phát hiện một bình gas kèm chất lượng của bất cứ một thương hiệu nào thì người tiêu dùng theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có nghĩa vụ phải thông báo cho nhà sản xuất và cả cơ quan chức năng để có biện pháp khắc phục hoặc xử lý.

Người tiêu dùng không thể thỏa hiệp với nhà sản xuất để che giấu sự kém chất lượng của sản phẩm vì điều đó có thể gây hậu quả đối với những người tiêu dùng khác.  

* Muốn làm gas giả phải có bình gas của thương hiệu đó chứ không dễ như làm giả quần, áo. Việc làm giả, lậu cũng rất nguy hiểm. Phải chăng lợi nhuận này là quá lớn? (Dẹp Gas Lậu, 32 tuổi, minhchienbt@...)

- Nguyễn Bảo Trung - Phó Chủ tịch Chi hội gas Miền Nam: Một chai gas sản xuất ra để đạt tiêu chuẩn an toàn chất lượng thì hiện nay đang có giá mua trên 420.000 đồng/chai. Trong khi đơn giá thế chân đến tay người tiêu dùng chỉ hơn 200.000 đồng. Do đó nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng chênh lệch này để thu lợi bất chính thông qua chiếm dụng vỏ chai gas của các thương hiệu lớn và có uy tín trên thị trường để san chiết nạp lậu.

Lợi nhuận là vô cùng lớn do không phải bỏ tiền đầu tư vỏ chai gas, không chịu trách nhiệm về kiểm định và sơn bảo dưỡng vỏ chai định kỳ.

Hành vi này gây nguy hiểm đến an toàn của người tiêu dùng do vỏ chai không được bảo dưỡng, kiểm định thường xuyên. Gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Thiệt hại về kinh tế và uy tín thương hiệu cho các doanh nghiệp kinh doanh gas chân chính.

* Dấu hiệu nhận biết bình gas thật và giả. Cách xử lý khi có sự cố rò rỉ gas?(Nguyễn Thị Thanh Giang, 34 tuổi, thiennga0582@...)

- Ông Hirohisa Ikeno - chuyên gia an toàn gas từ Nhật Bản: Khí gas nặng hơn không khí, nên sẽ nằm sát dưới mặt đất. Do vậy khi ngửi thấy mùi gas bạn có thể dùng chổi quét gas ra ngoài. Tuyệt đối không mở quạt vì tia lửa điện sẽ kích nổ. Máy hút mùi cũng không có tác dụng vì gas nằm sát nền nhà chứ không bay lên trên, dù ngửi mùi tưởng là ở trên.

* Sao các doanh nghiệp gas không chịu đầu tư phát triển hệ thống bán lẻ. Mua đứt bán đoạn không ai chịu trách nhiệm cả. Phải chăng đầu tư quá khó. Đã từng có thương hiệu gas nước ngoài phải rút lui. Lý do ở đâu?(Đình Quân, 44 tuổi, Dinhquan2478@...)

- Nguyễn Bảo Trung - Phó Chủ tịch Chi hội gas Miền Nam: Trước nay các doanh nghiệp gas luôn chú trọng vào đầu tư phát triển hê thống bán lẻ, giúp rút ngắn hệ thống kênh phân phối và giúp kiểm soát chất lượng gas đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên việc lựa chọn hình thức đầu tư vào hệ thống bán lẻ hay mua đứt bán đoạn thông qua hệ thống Tổng đại lý và đại lý tùy thuộc vào cách quản lý và địn hướng chiến lược của từng doanh nghiệp. Hình thức nào cũng có ưu và nhược điểm của riêng nó.

Theo quy định pháp luật hiện nay thì cho dù là đã mua đứt bán đoạn nhưng Thương nhân phân phối đầu mối đều phải có trách nhiệm với các vỏ chai gas thuộc sở hữu của họ. Họ đều phải chịu trách nhiệm về chất lượng nước gas và vỏ chai gas cũng như họ đều phải quản lý chặt chẽ giá bán khi đến tay người tiêu dùng.

* Làm sao biết bình gas nào nạp gas đủ hay thiếu ?(võ tiến dũng, 36 tuổi, votiendung9999@....)

- Ông Hirohisa Ikeno - chuyên gia an toàn gas từ Nhật Bản: Nếu cảm thấy bình không đủ, hoặc nghi ngờ thì có thể cân bình đầy khi nhận và trừ đi trọng lượng vỏ bình, thiếu là biết ngay.

Riêng ở Nhật thì không bao giờ có chuyện gas thiếu cho người tiêu dùng. 

* Vấn đề bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố rất khó khăn. Thậm chí có những chủ thương hiệu từ chối với lý do không phải hàng của mình. Gas hiện nay giả rất nhiều, chúng tôi phải làm sao để được bảo vệ. Khi ra tòa, thủ tục rất phiền phức, làm sao để nhanh chóng hơn. Luật BVNTD đã có sao không đi vào hiệu lưc. xin cảm ơn chi Thu(Mi Mi, 20 tuổi, midethuong20@...)

- Luật gia Phan Thị Việt Thu, phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM: Đúng là vấn đề bồi thường thiệt hại khi sự cố xảy ra có gặp khó khăn do trước hết là cửa hàng cung cấp gas có thể đổ lỗi cho khách hàng sử dụng không đúng cách.

Vì vậy, người tiêu dùng khi quyết định chọn lựa mua gas tại một cửa hàng thì phải tìm hiểu kỹ về xuất xứ của sản phẩm, nhất là bình gas. Điều này có thể phối kiểm với nhà sản xuất thương hiệu ghi trên bình gas và phải yêu cầu nơi bán gas cung cấp, hướng dẫn cách sử dụng cụ thể, rõ ràng và người tiêu dùng phải thực hiện đúng theo các hướng dẫn này.

Trong trường hợp chủ thương hiệu từ chối không phải hàng của mình thì cửa hàng bán gas phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với khách hàng nếu xảy ra sự cố. Nghĩa là nơi đây phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng.

Khi bắt buộc phải ra tòa thì người tiêu dùng phải chuẩn bị đầy đủ chứng từ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc, nơi bán sản phẩm, cũng như chứng từ chứng minh thiệt hại do các cơ quan quản lý Nhà nước xác nhận. 

* Sao không dán tem niêm phong trên bình gas Bình Minh (Lê Tuấn, 45 tuổi, letuan@...)

- Ông Trần Minh Loan- Phó chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam: Tất cả gas Bình Minh đều có dán tem niêm phong. Vậy nên vấn đề anh đề cập cần được kiểm tra lại tại cửa hàng anh mua hoặc gọi về số tổng đài tư vấn và chăm sóc khách hàng (1900.545479) để phản ánh.

*Làm sao để nhận biết được đâu là gas giả và gas thật , có nhận biết được gas giả qua vỏ bình không , nếu ga giả khi xử dụng nó có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người dùng không (Võ thành Quốc, 53 tuổi, voquochdnd@...)

- Nguyễn Bảo Trung - Phó Chủ tịch Chi hội gas Miền Nam: Nước gas trong bình không có thật hay giả, chỉ có nước gas chất lượng cao thì lửa cháy màu xanh, nhiệt trị sinh ra cao, không bị đen nồi nhiều và sử dụng tiết kiệm hơn. Nước gas chất lượng thấp thì có lửa màu đỏ hơn, nhiệt trị thấp, nấu bếp bị đen nồi nhiều hơn và trong thành phần nước gas này thường có tỉ lệ hidro carbon không bảo hòa cao có thể gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng hơn.

Gas thật hay giả ở đây liên quan đến vỏ chai gas là chính. Khi vỏ chai gas bị chiếm dụng hoặc cải tạo để san chiết trái phép, thiếu công tác bảo dưỡng và kiểm định chai gas là hành vi gây nguy hiểm đến an toàn cháy nổ, thiệt hại về kinh tế và uy tín của các doanh nghiệp kinh doanh gas chân chính.

* Gas được dùng trong hầu hết các gia đình, nên xác suất cháy nổ và hậu quả là rất lớn. Tuy nhiên tôi thấy nhà nước đang bỏ ngỏ vấn đề an toàn cho người dùng trong lĩnh vực này, thể hiện ở chỗ: gas giả, kém chất lượng, bình giả, bình cũ nhiều trong khi không có cơ quan nào hướng dẫn người sử dụng về công tác ATCN. Đề nghị quý vị cho biết Hiệp hội gas và Hội bảo vệ người tiêu dùng có vai trò gì và có kiến nghị hoặc giải pháp gì cho vấn đề trên. Xin cảm ơn!(Hồ Quang Huy, 55 tuổi, qtran8421@...)

- Luật gia Phan Thị Việt Thu, phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM: Gas giả, kém chất lượng, bình giả, bình cũ cũng nằm trong lĩnh vực hàng gian, hàng giả mà Nhà nước luôn quan tâm và việc phòng chống cũng là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có người tiêu dùng.

Tuy nhiên, do thị trường quá rộng nên sự kiểm soát của các cơ quan quản lý đôi khi còn thiếu sót.

Hơn ai hết, người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình trước nhất. Luật cũng đã có quy định người tiêu dùng ngoài những quyền lợi được bảo vệ thì còn có nghĩa vụ hợp tác bằng cách phát hiện, tố giác, không sử dụng hàng gian, hàng giả. Nhất là đối với mặt hàng gas thì người tiêu dùng càng phải quan tâm.

Khi phát hiện cửa hàng sang chiết gas trái phép hoặc sử dụng bình cũ, bình không đảm bảo thì có thể báo với chính quyền địa phương hoặc Hiệp hội gas và Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý. 

*Gas giả hay gas thật là do nhà nước quản lý chứ người dân mua dùng làm gì biết. Đội ngũ quản lý thị trường ở đâu, kiểm tra gas giả, gas kém an toàn xử phạt thế nào? (levantrung, 60 tuổi, levantrung970@...)

- Ông Phan Anh Thắng, phó đội trưởng Đội QLTT4A - Chi cục Quản lý Thị trường TP.HCM:

Như đã trả lời bạn đọc trước thì từ trước đến hiện nay Cơ quan Quản lý thị trường thường xuyên chú trọng trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với mặt hàng gas. Các vụ việc kiểm tra khi phát hiện vi phạm đều được xử lý triệt để.

Việc xử lý vi phạm theo quy định tại các Nghị định 97/2013/NĐ-CP ngày 27/08/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng; Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 cảu Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Trong các năm qua chúng tôi xử lý rất nhiều vụ việc vi phạm trong đó hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh gas giả mạo nhãn hiệu hoặc vận chuyển gas giả mạo nhãn hiệu từ các tỉnh thành lân cận đưa vào thành phố tiêu thụ.

* Gas Bình Minh có giá cao hơn gas khác. Xin hỏi lý do vì sao? Chúng tôi được hưởng giá trị gì thêm không?(Minh tú, 34 tuổi, Minhtu89@...)

- Ông Trần Minh Loan- Phó chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam: Giá trị thật của một sản phẩm gas bình mà người tiêu dùng đang trả bao gồm phần giá trị của 12kg gas và giá trị của phần dịch vụ kèm theo, bao gồm các chi phí cho việc giao nhận và tiêu dùng gas một cách an toàn.

Nếu chúng ta nói giá một bình gas mà người tiêu dùng sử dụng trong vòng 2 tháng là 300 nghìn đồng thì phần giá trị của 12kg gas chỉ khoảng 200 nghìn đồng, còn lại rất nhiều các chi phí khác, trong đó có những chi phí rất lớn cho hệ thống bán lẻ đến trực tiếp người tiêu thụ để đảm bảo cho việc sử dụng gas tiện lợi và an toàn hơn.

Tôi nghĩ, nếu một bình gas giá 300 nghìn đồng, người tiêu dùng sử dụng bình quân trong 2 tháng, chi phí sử dụng cho 1 ngày không đáng là bao nên nhu cầu thực sự của người tiêu dùng là được tiêu dùng một cách an toàn và tiện lợi, không phải một bình gas đắt hay rẻ hơn 5-10 nghìn đồng.

Nên người kinh doanh, người bán hàng phải đầu tư vào dịch vụ để đáp ứng nhu cầu đích thực của người tiêu dùng. Không nên tập trung vào việc hạ giá cả khuyến mãi mà bỏ qua rất nhiều khâu dịch vụ. Tôi nghĩ người tiêu dùng thông minh hiểu và hoan nghênh việc này.

* Trước đây tôi sử dụng bình gas Saigon Petro, sau đó tôi đi công tác, mẹ tôi thấy hết gas có gọi gas Bình Minh và từ đó nhà tôi sử dụng bình gas Bình Minh. Hiện nay tôi muốn sử dụng lại bình gas Saigon Petro, đã liên hệ với Bình Minh thì họ không đồng ý đổi và yêu cầu tôi cược bình mới. Vậy bình gas Bình Minh và Saigon Petro khác nhau như thế nào? Sao Bình Minh thu vỏ của hãng gas khác nhưng khi đổi lại thì yêu cầu phải cược vỏ bình mới(vũ minh nhật, 38 tuổi, nhatlam0809@...)

- Ông Trần Minh Loan- Phó chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam: Trong trường hợp này chị nên liên hệ với các cửa hàng gas có bán bình gas thương hiệu Saigon Petro chắc chắn sẽ được giải quyết.

* Cơ quan quản lý có những biện pháp thiết thực nào để giảm thiểu gas sang chiết lậu, kém chất lượng hay chưa? Nhà tôi là một trong những hộ kinh doanh gas đang phải chật vật với các cửa gas "giá rẻ" (chênh lệch tận vài chục nghìn), gas kém chất lượng đang mọc lên như nấm.(Người bán ga, X tuổi, nguoibangaX@...)

- Ông Phan Anh Thắng: Để xử lý triệt để cần phải có sự tham gia của nhiều cơ quan ban ngành liên quan, trong đó mấu chốt quan trọng nhất là công ty cung cấp gas có sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý và có thông tin chi tiết hướng dẫn đến khách hàng; cơ quan quản lý tích cực kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm; người tiêu dùng cần có sự hiểu biết về hàng hóa mình sử dụng. Một trong những dấu hiệu để nhận biết gas giả, gas kém chất lượng là giá gas thường rẻ hơn so với thị trường chung.

* Tôi phát hiện trong nhà có bình gas giả trong nhà thì phải làm sao. Công ty có bình gas này có thu lại không? Vì đối tượng làm giả đã chạy mất rồi. Hội bảo vệ người tiêu dùng giúp tôi với.(Hải triều, 45 tuổi, trieuhotmit35@...)

- Luật gia Phan Thị Việt Thu, phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM:

Nếu phát hiện trong nhà có bình gas giả và cửa hàng cung cấp gas vẫn còn đang hoạt động thì yêu cầu nơi đây phải đổi bình gas khác trong trường hợp cửa hàng ngay tình.

Nếu cửa hàng này là nơi cung cấp gas giả thì phải tố giác với chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh gây hậu quả đáng tiếc về lâu dài.

Nếu người bán đã "chạy mất" thì người tiêu dùng phải chịu thiệt trong trường hợp này vì không có đối tượng để có thể truy trách nhiệm.

Điều này cũng là một nhắc nhở với người tiêu dùng, nên xem xét, tìm hiểu kỹ càng cửa hàng kinh doanh gas uy tín và sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì mới mua gas về sử dụng.

Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo luật quy định chỉ có chức năng giúp người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi bằng cách đứng ra làm trung gian hòa giải giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp. Do đó, Hội chỉ có thể tham gia đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Còn đối với thành phần kinh doanh mang tính lừa đảo, chụp giật thì Hội cũng không can thiệp được do những đối tượng này khi được mời không đến Hội để tham gia hòa giải.

* Tôi rất quan tâm đến gas bọc bình nhựa màu vàng của Thành Tài, nhìn đẹp, bắt mắt nhưng vấn đề an toàn thì có đảm bảo không? Tôi không thể nhìn bên trong được nên khá lo lắng. Chi hội gas cho tôi rõ với(Minh Diệu, 29 tuổi, minhdieuxinhtuoi@....)

- Nguyễn Bảo Trung - Phó Chủ tịch Chi hội gas Miền Nam: Về nguyên tắc, đảm bảo an toàn hay không tùy thuộc vào quy trình quản lý kỹ thuật và công tác bảo dưỡng kiểm định vỏ chai của các công ty gas.

Tuy nhiên, cá nhân tôi không khuyến khích chai gas bằng thép mà bọc nhựa vào bởi vì khi chai gas chưa đến hạn kiểm định nhưng nếu bị rỉ sét hoặc xuất hiện lỗ mọt nơi phần đường hàn ghép nối thì vỏ nhựa bọc ngoài sẽ che mất và không thể kiểm tra được khuyết tật bằng mắt thường. 

*Xin cho hỏi, bình gas xài hết rồi bơm lại sử dụng tiếp. Thời gian sử dụng là bao nhiêu năm hay sử dụng mãi? Làm sao phân biệt được bình gas chất lượng và bình gas làm lậu?(Võ Hoàng Nam, 35 tuổi, namttytbm@...)

- Ông Hirohisa Ikeno - chuyên gia an toàn gas từ Nhật Bản: Chất lượng bình gas bên Nhật được kiểm định theo kỳ hạn 5 năm một lần. Sau 15 năm thì bình gas đó sẽ được kiểm định mỗi năm 1 lần.

Mỗi bình gas đều có phiếu kiểm định và ghi rõ ngày tháng kiểm định. Những bình gas như vậy được coi là bình gas chất lượng. Thiếu phiếu này có thể coi là bình gas làm lậu. Ngoài ra thấy có gì bất thường trên bình gas, người tiêu dùng có thể gọi tới hãng hoặc cơ quan quản lý ngay để tránh hậu quả nghiêm trọng về sau.

* Sao Bình Minh không có biện pháp khóa bình gas cấm sang chiết (lê tuasn, 45 tuổi, letuan@....)

- Ông Trần Minh Loan- Phó chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam: Chúng tôi sẽ nghiên cứu cùng với các chuyên gia để sớm đưa ra giải pháp. Hiện tại, ngay cả tại Nhật Bản cũng chưa ra được giải pháp làm thế nào chống được sang chiết lậu từ cấu trúc bình gas.

* Xin chào, gia đình tôi thường mang bình gas mini ra chợ để sang chiết. Chủ tiệm vào bên trong nhà sang chiết liền và mang ra ngoài 1 bình đầy gas. Vậy có cách nào phân biệt gas thật, gas giả, hay đến nơi nào để nạp gas vào bình mini dễ dàng không? Cảm ơn.(Tuấn Anh, 35 tuổi, tuananh0902@...)

- Ông Trần Minh Loan- Phó chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam:

Bình gas minni là loại bình gas sử dụng một lần, bạn chỉ có thể mua để sử dụng một lần tại các cửa hàng chuyên doanh có uy tín. Việc mang đi chiết nạp, mua lại, sử dụng lại bình đã sử dụng là không nên.

*Giá gas bên Nhật được điều chỉnh như thế nào? Có giống như VN là một tháng 1 lần hay không? Xin chuyên gia Nhật cho biết cụ thế.(KimTu, 25 tuổi, khanhhoatinhyeu@...)

- Ông Hirohisa Ikeno - chuyên gia an toàn gas từ Nhật Bản: Ở bên Nhật giá gas cũng thay đổi thường xuyên, có thể hàng tháng hoặc ngắn hơn và cũng có thể không thay đổi trong một quý hoặc dài hơn, tùy theo chính sách của công ty cung cấp.

Do cạnh tranh nên giá gas mỗi hãng mỗi khác nhau. Tuy vậy, do phải nhập khẩu nên giá gas Nhật cũng phụ thuộc và thị trường thế giới, vì vậy cũng có lúc gas của các hãng đồng loạt tăng hoặc giảm.

Bên Nhật, trước khi tăng giá, hãng đều gửi thư tới người tiêu dùng hoặc gặp trực tiếp để giải thích lý do tăng hay giảm giá bất ngờ một cách chân thành và có cơ sở chứng minh. Do vậy thường thì người tiêu dùng không có phàn nàn gì trong mỗi lần gas biến động lên xuống.

* Thưa bà Thu, mua gas là giao dịch tại nhà phải không cô? Như vậy trong luật mình có điều khoản nào cụ thể để bảo vệ người tiêu dùng chúng tôi không?(Minh Diệu, 29 tuổi, Minhhieu390@...)

- Luật gia Phan Thị Việt Thu, phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM:

Mua gas là giao dịch tại nhà do người bán phải giao hàng tại nhà và hướng dẫn sử dụng. Nhưng thực chất đây cũng là giao dịch mua bán đòi hỏi hai bên phải tuân theo quy định giữa người bán và người mua.

Do đó, để đảm bảo quyền lợi của mình, khi giao dịch mua gas, người tiêu dùng cần phải yêu cầu cửa hàng bán gas phải cung cấp chứng từ, xuất xứ sản phẩm và hóa đơn đầy đủ. Nếu là lần đầu giao dịch đầu tiên thì đề nghị cửa hàng cung cấp giấy bảo hành đối với bình gas .

Đồng thời yêu cầu nơi bán gas phải hướng dẫn cụ thể cách sử dụng để tránh trường hợp người bán đổ lỗi cho khách hàng sử dụng không đúng cách nên gây ra sự cố. 

*Ở VN hiện nay có quá nhiều thương hiệu gas nhưng người tiêu dùng không biết lựa mặt hàng nào. Bên Nhật có bao nhiêu thương hiệu gas và quản lý nhà nước vấn đề gas như thế nào? (Hồng Anh, 36 tuổi, hoanghoahoa@....)

- Ông Hirohisa Ikeno - chuyên gia an toàn gas từ Nhật Bản: Các công ty gas ở Nhật phải đăng ký và chính quyền thành phố là nơi quản lý trực tiếp các công ty này. 50 năm qua các hãng gas mở rồi đóng cửa, giờ còn lại cũng không quá nhiều.

Chẳng hạn ở thành phố Saitama gần Tokyo, chỉ có 2-3 hãng gas thôi, không nhiều. Khi xây nhà, thường các nhà thầu sẽ tư vấn cho chủ nhà biết về các hãng gas đáng tin cậy trong vùng để dùng.

Người Nhật chọn gas dựa trên cả 3 yếu tố: giá cả - chất lượng - dịch vụ. Trong đó dịch vụ được quan tâm hàng đầu: chẳng hạn khi có sự cố nhỏ mà dân báo lên, anh có tới nhanh để xử lý, xử lý ra sao và thái độ phục vụ thế nào sẽ quyết định lần sau gas của anh có được mua nữa hay không.

* Mỗi ngày, trước khi nấu ăn, tôi mở ngăn tủ bếp có để bình gas ra thì ngửi thấy mùi gas nồng, mở tủ một lúc thì hết mùi gas. Vậy bình gas nhà tôi có bị rò rỉ không ? Xin hỏi biện pháp khắc phục ? Sau khi sử dụng bếp xong, có cần phải vặn khoá gas không? Xin các chuyên gia tư vấn giúp. Cảm ơn. (Ngô thị Hoàng Oanh, 53 tuổi, Ngo.thihoangoanh@...)

- Ông Hirohisa Ikeno - chuyên gia an toàn gas từ Nhật Bản: Nếu có mùi dù nhẹ, nên kiểm tra lại chứ không để vậy lâu. Có mùi gas dù nhẹ chứng tỏ có rò rỉ nhỏ ở đâu đó. Nhắc lại, khi chưa bật bếp, chưa sử dụng gì mà có mùi là bình gas có vấn đề.

Khi sử dụng xong phải vặn khóa gas lại mới đảm bảo an toàn. Nếu khóa chặt rồi mà vẫn ngửi thấy mùi gas thì phải liên hệ để thay đổi bình ngay.

Ở Nhật, chuyện trong nhà có mùi gas rất hiếm khi xảy ra, nhất là khi bạn đã mua gas từ các hãng có tên tuổi địa chỉ rõ ràng trên bình.

* Em ở Phường Vĩnh Phú, Thị xã Thuận An, Tỉnh Bình Dương. Cho em hỏi, ở gần chỗ em có đại lý gas uy tín nào không vậy? Có thể cho em trang web của mấy hãng gas có các đại lý uy tín không?(ngoc, 29 tuổi, ngongoc299@...)

- Ông Trần Minh Loan- Phó chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam: Bạn có thể gọi về cho số tổng đài tư vấn và chăm sóc khách hàng của gas Bình Minh (1900.545479) để được cung cấp thông tin.

* Công ty có chính sách nào để đảm bảo gas của mình đến tay người tiêu dùng chính xác là gas chính hãng?(lê tư, 33 tuổi, letu@)

- Ông Trần Minh Loan- Phó chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam: Theo tôi, quản lý thật tốt hệ thống bán gas của mình từng bước hợp tác với các tổng đại lý và các đại lý xây dựng hệ thống bán hàng trực tiếp chỉ một thương hiệu tới người tiêu dùng.

Ngay từ bây giờ, các công ty phải có đội ngũ chuyên nghiệp về chăm sóc khách hàng, làm dịch vụ phục vụ khách hàng, không đơn thuần là tiếp thị bán gas.

Chương trình giao lưu đã kết thúc, TTO  cám ơn bạn đọc đã quan tâm theo dõi và đặt câu hỏi. 

TTO thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp