Những chuyện lùm xùm giữa phụ huynh - thầy cô giáo thời nào cũng có - Tranh: NGỌC NHI
Những chuyện lùm xùm giữa thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh thời nào cũng có. Tuy nhiên ở mỗi thời đại, tùy theo góc nhìn đạo đức gia đình - xã hội và sự phát triển kinh tế mà nó diễn ra với nhiều hình thức khác nhau và sự ứng xử của xã hội cũng khác nhau.
Nhìn lại những sự việc xảy ra vừa qua trong ngành giáo dục nước nhà, nếu chúng ta cứ loay hoay, nay quy trách nhiệm cho thầy cô giáo, mai lại chuyển sang cho học sinh, ngày kia lại là phụ huynh... thì không thể giải quyết được "bài toán tay 3" này.
Khôi phục sự tôn kính thầy cô giáo
Thời tôi đi học, vừa vào lớp đã gặp ngay cảnh cả lớp im phăng phắc với ông giáo già khắc khổ, đôi tròng kính xề xệ trên sóng mũi, trong tay lúc nào cũng lăm lăm cây roi mây đi tới đi lui sẵn sàng quất mông học sinh. Càng nghĩ tôi càng sợ và tự hứa với bản thân sẽ cố gắng học hành mà không cần mẹ cha thúc giục.
Thời đó, chỉ cần là học sinh, cho dù trong lớp hay bất cứ nơi nào ngoài xã hội, việc khoanh tay cúi đầu chào thầy là đương nhiên. Nó không còn là nề nếp mà là một thói quen không thể thiếu. Đó là biểu hiện của sự kính và sợ giáo viên của học sinh ngày xưa.
Tôi nghĩ dưới mái trường hôm nay, người thầy cần được cả phụ huynh lẫn học sinh kính mà không sợ.
Xử lý hành chính chỉ là biện pháp tức thời
Vừa qua Bộ GD-ĐT đưa dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục ra lấy ý kiến, trong đó có điều khoản phạt tiền giáo viên đến 10-30 triệu nếu xúc phạm danh dự nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học.
Theo tôi việc xử phạt này chỉ là giải pháp tức thời để giải quyết những hiện tượng, chưa thể giải quyết được căn cơ vấn đề.
Cái chính là phải thay đổi tận gốc rễ hình ảnh người thầy. Chính hình ảnh tỏa sáng của họ mới có thể làm thay đổi cái nhìn và nếp nghĩ tiêu cực của cả phụ huynh lẫn học sinh về nhà giáo.
Rèn đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng sư phạm cho nhà giáo
Qua những vụ giáo viên phạt học sinh phản giáo dục vừa qua, có thể thấy rõ ràng họ đã thiếu một điều kiện vô cùng cơ bản của một nhà giáo: đạo đức nghề nghiệp, bên cạnh đó là yếu kỹ năng sư phạm.
Cho dù viện dẫn lý do vô cùng chính đáng và đầy trách nhiệm: chỉ vì mong các em tiến bộ hay để "vực dậy" một tập thể có nhiều học sinh cá biệt hay vì thành tích thi đua, những hình phạt vừa qua là không thể được và không thể chấp nhận. Những trường hợp này tôi tự hỏi: đạo đức nghề nghiệp các thầy cô đang ở đâu?
Riêng trường hợp thầy giáo K. ở Bạc Liêu bị phụ huynh "ăn thua đủ", tuy hành động của thầy không sai, nhưng thầy đã quên một trong nhiều kỹ năng sư phạm mà nhà trường đã dạy cho sinh viên sư phạm: luôn bình tĩnh trong mọi tình huống, dẫn đến rơi vào "bẫy" của học trò.
Trách nhiệm đầu vào
Nghề giáo là một nghề đặc thù so với nhiều nghề khác nên đòi hỏi cần có những phẩm chất cao đẹp mà đôi khi những nghề khác chưa cần đến. Tuy nhiên một số trường sư phạm tuyển đã ít chú trọng điều này khi tuyển thí sinh.
Trong quá trình đào tạo, trường cũng chưa thường xuyên nhắc nhở sinh viên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, kỹ năng nhà giáo...
Bao giờ nghề giáo còn mang lại nhiều đam mê cho nhiều người, bao giờ các trường đào tạo giáo viên là một "cửa ải" khó vượt qua, và bao giờ khi nói đến người thầy cô giáo là mọi người "ngả mũ" thán phục, ngày ấy giáo dục nước ta mới không còn những cảnh trái khoáy như vừa qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận