Ôn Trần Bảo Minh, phó chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Nutifood, đặt vấn đề tại tọa đàm "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt" do báo Thanh Niên tổ chức ngày 6-4.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Minh cho rằng thương hiệu nông sản Việt muốn cạnh tranh được phải bắt đầu từ phân tích lợi thế, đầu tư hệ sinh thái. Ông Minh đưa ra ví dụ, một củ sâm Hàn Quốc có giá rất rẻ, chỉ vài USD nhưng họ không chỉ bán củ sâm đó.
"Hàn Quốc tạo ra cả hệ sinh thái quảng bá. Họ có các trường đại học, viện nghiên cứu liên tục ứng dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm sâm dùng cho trẻ em, người già, cho làm đẹp...
Nhà nước bảo trợ cho những showroom sâm mà bất cứ đoàn du khách nào đến Hàn Quốc cũng quan tâm. Với cả hệ sinh thái như thế, liệu sâm Ngọc Linh có cạnh tranh được không?", ông Minh đặt câu hỏi.
Cũng theo ông Minh, việc xác định sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cũng quan trọng. Cụ thể, nếu đem táo, lê của Việt Nam cạnh tranh với Úc thì thua chắc nhưng chôm chôm, sầu riêng thì chúng ta có nhiều cơ hội.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng - phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho rằng cần có sự đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp, người dân để xây dựng thương hiệu.
Đưa câu chuyện mang gạo ST25 đi chào hàng tại Mỹ, ông Tùng cho biết sau container đầu tiên được quảng bá, khách hỏi mua nhiều. Nhưng đến container thứ 2, 3, nhiều thông tin cho rằng gạo ST25 không đủ sản lượng, gạo xuất đi là gạo giả…
"Doanh nghiệp trong nước còn cạnh tranh theo kiểu dìm hàng, mạnh ai nấy làm. Điều này hoàn toàn khác so với Thái Lan. Khi gạo Thái Lan đoạt giải ngon nhất thế giới, vua nước này đã đích thân quảng bá, kêu gọi sử dụng", ông Tùng khẳng định.
Ông Đặng Văn Thành - chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công - cho rằng muốn xây dựng được thương hiệu thì không thể "ăn xổi", nóng vội.
"Mác 5 năm lại dán 15 năm là không thể tồn tại nổi với nền kinh tế tri thức, toàn cầu. Thương hiệu không chỉ là dán nhãn rồi bán, mà đó là cả một quá trình, từ sản phẩm, công nghệ, bao bì đến khí hậu, thổ nhưỡng... và đặc biệt là con người", ông Thành nhận định.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho rằng để xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế nên bắt đầu ở thị trường nội địa. Cũng theo ông Cường, Nhà nước sẽ chung tay xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt.
"Tôi sẽ tập hợp ý kiến các diễn giả để báo cáo bộ trưởng. Đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong bộ và giữa các bộ với nhau, cũng như giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp", ông Cường nhấn mạnh.
"Làm giàu" cho đối tác nước ngoài vì xuất thô
Bà Võ Thị Tam Dân - chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty CP Trà Rồng Vàng - cho biết Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu và đứng thứ 7 về sản xuất trà.
Tuy nhiên, bà Dân cho biết khoảng 90% sản lượng trà xuất khẩu vẫn ở dạng thô, giá bán thấp dẫn đến giá trị mang lại chưa cao.
"Trà ô long hái tay một tôm 2-3 lá, chất lượng cao, giá xuất khẩu thô chỉ dao động ở 10-12 USD/kg. Tuy nhiên, sau khi các nước nhập khẩu sơ chế, đấu trộn, đóng gói dưới thương hiệu của họ thì lại được bán ra thị trường với giá cao gấp hàng chục lần", bà Dân thông tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận