13/10/2019 11:05 GMT+7

Làm sao để có văn hóa chất lượng?

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Dù việc kiểm định đại học (ĐH) hiện nay có nhiều méo mó nhưng theo các chuyên gia, đã có một số trường xây dựng mô hình hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong và có bước tiến đáng kể về chất lượng.

Làm sao để có văn hóa chất lượng? - Ảnh 1.

GS.TS Nantana Gajaseni - quyền chủ tịch Hội đồng AUN-QA (trái) trao chứng nhận đạt chuẩn AUN-QA cấp cơ sở giáo dục cho lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2018 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

TS Vũ Thế Dũng - nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nhận định nếu nhìn trên phương diện lịch sử và hệ thống giáo dục ĐH VN trong 5 năm trở lại đây, những khái niệm như đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng đã có sự thay đổi khá rõ rệt, một số ĐH của VN đã có tên trong bảng xếp hạng quốc tế. 

"Với việc tham gia kiểm định, các trường dần chuẩn hóa theo hệ thống thế giới và thay đổi hệ thống quản trị bên trong theo thông lệ quốc tế" - ông Dũng nói.

So sánh với các trường quốc tế

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) là đơn vị có nhiều chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn khu vực và quốc tế. PGS.TS Mai Thanh Phong - hiệu trưởng nhà trường - cho biết nhằm đảm bảo và cải tiến liên tục chất lượng đào tạo và dịch vụ, trường đã xây dựng mô hình hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong. 

Ngoài việc đảm bảo mô hình trên được vận hành xuyên suốt, trường còn quan tâm đến vị thế chất lượng so với các trường trong nước và quốc tế.

"Từ năm 2005, ban đảm bảo chất lượng của trường được thành lập với vai trò tham mưu, phối hợp với các đoàn đánh giá ngoài thực hiện kiểm định chất lượng đào tạo của trường. Đến nay, trường đã đạt chuẩn kiểm định cấp trường của Bộ GD-ĐT, HCERES (Pháp) và AUN-QA. Ở cấp chương trình với hai chương trình đạt chuẩn ABET (Mỹ), 13 chương trình đạt chuẩn AUN và 7 chương trình đạt chuẩn CTI (Pháp). Bên cạnh đó trường còn có 4 chương trình thạc sĩ đạt các chuẩn quốc tế" - ông Phong chia sẻ.

Theo TS Trần Tiến Khoa - hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), hiện trường này đã có 10/20 chương trình đào tạo ĐH đạt chuẩn quốc tế (8 AUN, 2 ABET). Riêng đối với chuẩn kiểm định chất lượng Mỹ, trường theo hai hướng ABET (chương trình kỹ thuật) và AACSB (chương trình kinh tế). 

"Giáo dục ĐH VN hiện nay bắt buộc phải hội nhập, muốn "chơi" được với các trường nước ngoài phải nâng chuẩn chất lượng. Nếu không có giấy xác nhận trường theo tiêu chuẩn nào sẽ khó "nói chuyện" với bạn bè quốc tế" - ông Khoa nhận định.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng cho rằng văn hóa chất lượng là điều khá mới mẻ ở VN và hiện đã có chuyển biến đáng ghi nhận. "Mục đích kiểm định theo thông lệ quốc tế để có thể làm việc với các đối tác nước ngoài, trường phải được kiểm định thì họ mới "chơi". 

Do đó, việc kiểm định phải làm thực sự để đạt được nhiều mục đích vừa là quyền lợi trường và của người học. Hiện trường chúng tôi có 3 chương trình đạt chuẩn FIBAA (châu Âu) và 4 chương trình đạt chuẩn AUN. 

"Nhà trường bổ nhiệm giám đốc học thuật chương trình đào tạo chịu trách nhiệm xây dựng chương trình đào tạo để sinh viên đạt chuẩn đầu ra, kết nối giảng viên, kết nối doanh nghiệp" - ông Hoài cho biết thêm.

Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong phải có hiệu lực

TS Vũ Thị Phương Anh - giám đốc chất lượng Tập đoàn Nguyễn Hoàng - nhận định từ khi triển khai công tác kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục ĐH tại VN, các trường đã nhận thức được những chuẩn mực chất lượng. 

Các nhà quản lý trường ĐH cũng đã bắt đầu có ý thức tốt trong việc xây dựng văn hóa chất lượng. Các giảng viên ý thức rõ hơn được vai trò của mình trong việc tham gia thiết kế chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra theo chuẩn khu vực và quốc tế. 

"Tuy nhiên, thực tế vẫn còn là thiểu số, phần lớn còn lại vẫn chưa ý thức được việc này. Trong khi Nhà nước vội đưa ra các quy định như trường chưa kiểm định sẽ không được tiếp tục tuyển sinh dẫn đến việc các trường phải đối phó để tồn tại. Khi thay đổi chính sách phải có quản lý thay đổi và quản lý rủi ro" - bà Phương Anh nói.

Theo TS Vũ Thế Dũng, để xây dựng văn hóa chất lượng cần có sự cam kết từ lãnh đạo cao nhất của nhà trường, thể hiện qua cấu trúc tổ chức phải có một phó hiệu trưởng phụ trách công tác đảm bảo chất lượng và có hệ thống nhân sự phụ trách công tác này xuống tận cấp khoa; dành nhiều ngân sách cho đảm bảo chất lượng; trong chiến lược trường cần ghi rõ hoạt động này được triển khai đồng bộ và trong hoạt động hằng ngày với việc thông tin cho giảng viên, sinh viên hiểu rõ về quy trình đảm bảo chất lượng...

"Kiểm định chất lượng là việc học theo chuẩn mực quản trị của thế giới (các tiêu chuẩn, tiêu chí). Để đạt được những điều này không phải chỉ mua máy móc đặt vào, mà là con người vận hành nó. Ví dụ, trước đây ông thầy tự thiết kế chương trình đào tạo nhưng giờ phải hỏi doanh nghiệp, xác định chuẩn đầu ra, quy trình kiểm tra đánh giá... 

Đây là điều khó đối với các trường khi từ một hệ thống cũ sang hệ thống mới không khớp nhau được nên nảy sinh gian dối" - ông Dũng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, GS Nguyễn Trọng Hoài cũng cho rằng lãnh đạo nhà trường phải chuyển tải được thông tin đó tới tất cả phòng ban, các khoa, đến từng giảng viên và muốn làm được điều này thì hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của trường phải có hiệu lực. 

Theo đó, nhà trường phải có hội đồng đảm bảo chất lượng với sự tham gia của các phòng, khoa. Nếu trường nào làm tốt đảm bảo chất lượng bên trong thì không cần phải đối phó với các đoàn kiểm định.

Phải có nguồn tài chính mạnh từ việc tự chủ

TS Trần Tiến Khoa cho rằng để đảm bảo chất lượng, các trường ĐH VN cần phải quan tâm xây dựng hệ thống tự đảm bảo chất lượng, đồng thời phải có nguồn lực tài chính mạnh (kiểm định AUN 300-600 triệu đồng/chương trình, ABET 3-4 tỉ đồng/chương trình). "Như vậy, chỉ theo hướng tự chủ các trường mới có thể làm được" - ông Khoa khẳng định.

Các trường phải tự cạnh tranh

Trong bối cảnh giáo dục ĐH VN hiện nay đang được Nhà nước làm thay và bao cấp quá nhiều, các chuyên gia đề nghị phải nhanh chóng thay đổi cơ chế.

"Nhà nước nên để cho các trường phải tự sống, tự cạnh tranh một cách bình đẳng trên thị trường và sắp tới phải cạnh tranh với quốc tế. Tại sao mãi thí điểm tự chủ mà không bắt buộc các trường phải tự chủ?" - TS Vũ Thế Dũng đặt vấn đề.

Trong khi, theo TS Phương Anh, giáo dục cũng là một dịch vụ, người học là khách hàng. "Như vậy yếu tố kiểm soát của thị trường là rất quan trọng để đem lại chất lượng, người tiêu dùng hiểu được họ sẽ tự bảo vệ mình. Kiểm định của VN còn thiếu yếu tố các nhà chuyên môn đặt ra luật và cam kết với nhau nên không thể tốt được".

Tấm bằng đại học "ngủ đông" của tôi Tấm bằng đại học 'ngủ đông' của tôi

TTO - Tốt nghiệp loại khá tại một trường đại học được cho cây đa cây đề, ai cũng nghĩ tôi sẽ trở thành nhà báo, nhà quay phim tài ba sau khi ra trường nhưng mọi chuyện nhanh chóng… treo ngược cành cây.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp