Thế nhưng, không phải phụ huynh nào cũng biết tẩm bổ đúng cách, đôi khi việc tẩm bổ của phụ huynh còn đem lại những tác dụng phụ.
Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý
Trong mùa thi, phụ huynh thường tẩm bổ cho con em mình rất nhiều loại thức ăn như óc heo, giò hầm, thịt bò... Bản thân các em có thói quen uống cà phê, trà, hoạt huyết dưỡng não để tỉnh táo, và các loại thuốc bổ não khác. Thế nhưng, các bác sĩ dinh dưỡng cho rằng, việc tẩm bổ theo cách này không có lợi cho sức khỏe của các sĩ tử.
Theo các bác sĩ phụ huynh quan tâm đến ăn uống, tẩm bổ để con em có sức khỏe cho kỳ thi là việc làm rất đúng. Tuy nhiên, không nên cho các em ăn các loại thức ăn giàu mỡ động vật, nhất là cholesterol thường xuyên vì không có lợi cho sức khỏe.
Để có sức khỏe tốt, các thí sinh nên ăn các thực phẩm tốt cho não như các loại cá ngừ, cá hồi, cá thu, cá mòi, cá basa. Cá là thực phẩm giàu chất đạm và omega 3 chất béo không no, rất cần cho hoạt động não, võng mạc; trứng cũng là thực phẩm giàu dinh dưỡng, vitamin, chất chống oxy hóa, can xi và đạm.
Còn theo Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, để học tập tốt, về khía cạnh dinh dưỡng thí sinh cần ăn đủ 3 bữa chính kèm 2 -3 bữa phụ. Ăn đa dạng các loại thực phẩm: ngũ cốc nguyên hạt, ăn đủ chất đạm ít nhất 3 bữa cá trong tuần, ăn thêm các loại hạt nhiều dầu, ăn đủ rau và trái cây. Sử dụng muối íôt thay muối thường để chế biến thức ăn. Hạn chế các thức ăn ngọt từ đường tinh như nước ngọt, kẹo, thức uống có đường… Chú ý vệ sinh ăn uống để không bị bệnh đường tiêu hóa.
Đối với thức uống cà phê có chứa cafein, được xem là chất khởi động não do tác dụng kích thích thần kinh giao cảm phóng thích adrenalin làm tăng nhịp tim, tạo cảm giác hưng phấn cho học sinh. Nếu dùng cà phê ở người có vấn đề dạ dày sẽ gây tăng tiết dịch dạ dày làm cơn đau dạ dày tăng. Ngoài ra, lạm dụng cà phê còn khiến tình trạng căng thẳng, kích thích, lo âu nặng hơn.
Các thí sinh cũng không nên dùng các thuốc hoạt huyết dưỡng não một cách tùy tiện. Thuốc chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ, hơn nữa các thuốc này thường dùng điều trị trong các trường hợp rối loạn tuần hoàn não thật sự.
Làm gì để giảm căng thẳng trong mùa thi
Vào mùa thi với khối lượng kiến thức bài vở phải tập trung ôn luyện rất nhiều khiến hầu hết các sĩ tử lo lắng quên ăn quên ngủ làm ảnh hưởng không ít đến sức khỏe và kết quả học tập.
Ăn đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc sẽ giúp các thí sinh có một trí nhớ lâu và một sức khỏe tốt để "chiến đấu" với các môn thi.
Theo các bác sĩ dinh dưỡng, lo lắng trước kỳ thi là một hiện tượng tâm lý bình thường và phổ biến ở hầu hết sĩ tử. Tuy nhiên, nếu để dồn nén làm mất ăn mất ngủ, ảnh hưởng đến chất lượng bài thi đó lại là dấu hiệu áp lực thi cử. Những áp lực trong thi cử còn khiến các em phải sử dụng đến chất kích thích như hút thuốc, uống bia, rượu thậm chí các em còn thử dùng các chất kích thích gây ảo giác nhằm làm giảm căng thẳng.
Việc thường xuyên căng thẳng sẽ có những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và còn còn khiến thí sinh mất tập trung, phán đoán kém, thường xuyên đau đầu. Căng thẳng trong thi cử còn khiến các sĩ tử bị rối loạn cảm xúc, hay kích động, lo âu. Mặt khác, do thiếu ăn và thiếu ngủ làm cho hệ miễn dịch của các sĩ tử cũng dễ bị suy giảm dẫn đến mắc các bệnh cảm cúm, nhiễm siêu vi, đau dạ dày...
Theo các bác sĩ, để tránh căng thẳng áp lực trong các kỳ thi, các thí sinh cần phải chú ý đến phương pháp học tập và giữ gìn sức khỏe. Đặc biệt, trong khi học các thí sinh không làm việc khác, chỉ thỉnh thoảng đứng dậy thư giãn bằng vài động tác thể dục.
Việc học gấp rút trong thời gian ngắn thường không thu hoạch tốt, vì thế thí sinh nên học chăm chỉ từ đầu năm. Tuy là đến kỳ ôn thi cần tăng cường học nhiều hơn nhưng giấc ngủ rất quan trọng, thí sinh không thức khuya quá 12 giờ đêm vì sau thời gian này, cơ thể giảm sản xuất hoc môn tăng trưởng, hồng cầu dễ vỡ gây thiếu máu; thí sinh phải ngủ ít nhất 5 - 6 giờ mỗi tối.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận