12/11/2024 15:55 GMT+7

Làm sao có thể thoát ra khi lướt mạng trở thành 'cuộc sống thứ hai' của nhiều người?

Thói quen lướt mạng dần trở thành phản xạ tự nhiên, đến nỗi không có nó, tôi thấy mình như mất phương hướng giữa cuộc sống đời thực.

Khi mạng xã hội trở thành cuộc sống thứ hai của tôi, bạn có vậy không? - Ảnh 1.

Như phản ánh, trong phiên thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Bùi Hoài Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - nhận định Việt Nam đang chứng kiến "hiện tượng nhập siêu văn hóa".

"Nhiều người cay đắng nói rằng người Việt đang ở đây nhưng tâm hồn, tinh thần đã vượt biên, bị thao túng bởi Facebook, YouTube, TikTok hết rồi", ông Sơn nói.

Dưới đây là chia sẻ của một bạn trẻ gửi đến Tuổi Trẻ Online, nhằm góp thêm một góc nhìn về ý kiến này.

Lướt mạng để không thành "người tối cổ"

Thời gian gần đây, thông tin về lối sống phông bạt trên mạng xã hội đã trở thành "cơn sốt" trong cộng đồng, từ việc đăng ảnh đồ hiệu, khoe thông tin chuyển khoản chỉnh sửa con số thật - giả, đến phóng đại những chuyến du lịch xa hoa, gây bao phen tranh cãi.

Không nhớ rõ từ bao giờ, mọi thói quen trong đời sống của tôi bắt đầu gắn liền với điện thoại và mạng xã hội, Internet. Từ chuyện cuộc sống, ăn uống, giải trí, cho đến mua sắm hằng ngày, dường như tôi không thể đưa ra quyết định khi chưa tra thông tin trên mạng.

Không riêng tôi, mà chỉ cần ngồi ở quán cà phê, nhà sách hay nơi công cộng là mọi người đều có thể nghe được các cuộc bàn luận đang nổi trên mạng.

Bất cứ chủ đề nào, từ bạo lực học đường học sinh lớp 8, bóc phốt chị chủ thẩm mỹ viện, bói bài cuộc sống sắp tới, ca sĩ mới bị bắt vì chất cấm, hay những cơn la ó, chỉ trỏ khi có "nhà sáng tạo nội dung" trên mạng đi qua...

Những thông tin rời rạc, tôi cần hoặc không cần cũng đều buộc phải tiếp nhận để không thành "người tối cổ".

Và mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên tôi làm không phải là nhìn ra ngoài cửa sổ hay bắt đầu một ngày mới với những suy nghĩ tích cực, mà là với tay lấy điện thoại lướt mạng.

Dù có ngày chẳng có gì đặc biệt để đọc, tôi vẫn phải lướt qua mạng xã hội, kiểm tra xem có tin tức gì mới, bạn bè mình đang làm gì, hay chỉ để "điểm danh" trong thế giới ảo.

Rất nhiều lần tôi ngồi ăn cùng bạn bè nhưng lại chẳng trò chuyện hay nhìn nhau. Thay vào đó là nhìn điện thoại, đọc tin tức, xem đoạn video hài hước.

Ngay cả khi chuẩn bị ăn món gì ngon, tôi cũng không thể "ra tay" ngay, mà phải chụp ảnh, chỉnh sửa một chút rồi đăng lên trang cá nhân.

Chỉ cần một vài nút bấm, là có thể cho cả thế giới thấy hôm nay mình ăn món gì, ở đâu, thậm chí có chút mong chờ vài lượt thích, vài bình luận từ người thân hay bạn bè.

Và thế là món ăn nguội dần trong khi tôi vẫn mải chỉnh sửa ánh sáng, góc chụp sao cho thật hoàn hảo.

Mua sắm nếu thiếu Internet là không yên tâm

Thói quen "nghiện xem review" của tôi không chỉ để giải trí, mà ảnh hưởng đến cả chuyện mua sắm. Dù đứng trước quầy hàng trong siêu thị, thay vì trực tiếp xem xét hay cảm nhận sản phẩm, tôi lại mở điện thoại, tìm kiếm thông tin, và đọc những đánh giá về món đồ trước mặt.

Phải có đủ bình luận tích cực, đánh giá từ những người dùng trước, tôi mới cảm thấy an tâm mà đưa ra quyết định, vô tình lại làm mất đi niềm vui khi mua sắm.

Sự phụ thuộc này có khi trở thành gánh nặng vì càng đọc, tôi càng bị cuốn vào một vòng lặp lại của hàng trăm ý kiến trái chiều, rồi cuối cùng lại chẳng biết nên mua gì.

Có lần tôi đang đứng trước quầy mỹ phẩm và muốn mua lọ kem dưỡng da mới. Sau hơn 20 phút vừa đứng vừa đọc từng dòng đánh giá trên mạng, vừa xem "video review" từ các "beauty blogger", tôi vẫn bối rối, không thể lựa chọn được sản phẩm phù hợp.

Thậm chí tôi còn mất thời gian cho những sản phẩm không có ở siêu thị, thế là lại ngẩn ngơ tìm kiếm thêm các cửa hàng trực tuyến.

Thời gian để mua một món hàng có khi kéo dài cả tiếng đồng hồ, và thường thì kết quả chẳng được như mong đợi. Nhưng dù vậy, tôi vẫn tiếp tục quay về với thói quen cũ.

Để thoát khỏi vòng xoáy này, tôi tập thói quen không để bản thân đắm chìm trong dòng chảy vô tận của thông tin, rồi dần đánh mất khả năng tiếp thu có chọn lọc, theo lối sống vội vàng, chỉ biết lướt qua mà không dừng lại suy ngẫm.

Những khối thông tin hỗn loạn, rời rạc, lẫn lộn của sự thật và dối trá, đúng sai cùng tồn tại, thì chúng ta như những áng mây trên bầu trời, cứ thế trôi đi, bất chợt và có thể lạc lối.

Đôi khi cần kiểm soát lại bản thân, cần tìm lại những giá trị thực sự ngoài đời sống. Việc sống dựa vào Internet là "vòng tròn nghiện" rất khó thoát ra, nhưng không phải là không thể.

Chứng "nghiện mạng xã hội" và những thay đổi

Internet không ngừng mở rộng, từ những trang web cung cấp thông tin ban đầu, chuyển sang công cụ tìm kiếm, đến thời kỳ mạng xã hội, khi chúng ta không còn là khán giả thụ động mà dần trở thành những người trực tiếp sáng tạo, sản xuất, chia sẻ, và tác động đến dòng chảy thông tin.

Chính việc tạo và chia sẻ thông tin dễ dàng đã vô tình đưa mọi người cuốn vào vòng xoáy. Ai nấy cũng cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng, lôi kéo người theo dõi, hay tích cực tương tác để thể hiện giá trị cá nhân.

Chứng nghiện mạng xã hội còn dẫn đến những thay đổi trong cách sống, giao tiếp và nhìn nhận về cuộc sống. Nhiều lúc tôi bỗng sợ hãi khi không có điện thoại bên cạnh, luôn cảm thấy bất an khi không thể kết nối mạng.

Làm sao có thể thoát ra khi 'lướt mạng' trở thành cuộc sống thứ hai của không ít người? - Ảnh 3.Xé túi mù: Phung phí theo trò chơi may rủi

Gần đây, trào lưu "xé túi mù" trên mạng xã hội đang thu hút sự chú ý của đông đảo bạn trẻ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp