22/11/2013 09:05 GMT+7

Làm sao bé hết mút tay?

BS NGUYỄN THÀNH ÚC
BS NGUYỄN THÀNH ÚC

TT - Bé Phạm Trường N., 3 tháng tuổi, nhà ở xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, được mẹ đưa vào phòng khám nhi Bệnh viện tỉnh Tiền Giang do bé mút ngón tay.

Bà mẹ rầu rĩ kể từ hồi mới sinh bé N. đã hay mút tay, mỗi lần bé mút tay người lớn kéo tay ra, nhưng được một chút bé lại ngậm ngón cái tiếp. Người lớn lấy dầu xanh bôi vào ngón tay, bé mút vào bị cay nên khóc dữ, ai dè chừng một lát lại mút tay tiếp. Nghe vậy, bác sĩ ôn tồn giải thích: “Mút tay là chuyện bình thường của trẻ con, từ từ trẻ sẽ bỏ khi lớn lên. Nếu người lớn nóng ruột quá lấy dầu xanh hay bất cứ thứ gì thoa vào ngón tay trẻ sẽ có hại nhiều hơn lợi”.

Lúc trẻ còn là bào thai, qua siêu âm người ta thấy trẻ mút tay từ lúc thai được 15 tuần, một phản xạ tự nhiên chuẩn bị cho việc bú mẹ sau khi ra đời. Sau khi sinh, phản xạ bú sẽ tiếp tục khi ta đưa bất kỳ thứ gì vào miệng bé. Phản xạ bú theo thời gian làm trẻ dễ chịu, thích thú ngay cả khi bé chỉ bú ngón tay. Đến 4 tháng tuổi thì phản xạ bú sẽ không còn. Tuy nhiên thói quen bú vẫn tiếp tục diễn ra, có khi kéo dài đến 4 tuổi và dừng hẳn khi trẻ 5 tuổi. Song nếu bé ngậm ngón tay quá sâu khiến dễ bị nôn trớ, nhất là sau khi ăn uống. Hoặc có thể gặp một số tổn thương ở da ngón tay, răng và hàm. Da ngón tay bị loét tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập dưới da gây viêm da mủ. Mút tay nhiều, lâu ngày còn gây biến dạng xương ngón tay, tạo nên hình dạng ngón tay bất thường. Thậm chí biến dạng răng và hàm, miệng trẻ hô hay móm, rối loạn phát âm... Trong mùa bệnh tay chân miệng hoặc tiêu chảy, cúm... trẻ rất dễ mắc bệnh. Về tâm lý, trẻ dễ tổn thương tâm lý khi bị chọc ghẹo.

Để giúp bé sớm ngừng mút tay, ngay lúc còn trong tháng người mẹ có thể nhẹ nhàng kéo tay trẻ ra, cho trẻ bú mẹ, tránh đánh thức trẻ vì nếu trẻ bị đánh thức thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần. Người lớn cũng cần chú ý khen ngợi khi trẻ không mút tay thay vì la mắng lúc trẻ có hành động này. Nếu một đứa trẻ mút tay khi cảm thấy không an toàn hoặc cần thoải mái, thư giãn thì người lớn giúp trẻ tự tin bằng sự vỗ về, quan tâm. Trẻ mút tay vì buồn thì người lớn tìm cách chơi với trẻ. Khi trẻ hiểu biết, cha mẹ cần giải thích những việc có hại xảy ra khi mút tay để trẻ từ bỏ thói quen này.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp