06/09/2010 07:11 GMT+7

Làm sao bảo vệ "hiệp sĩ đường phố"?

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG thực hiện
NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG thực hiện

TT - Câu chuyện về thân phận pháp lý của những “hiệp sĩ săn bắt cướp” đang thu hút sự quan tâm khá lớn của bạn đọc sau tai nạn chết người xảy ra với anh Nguyễn Xuân Chinh, thành viên CLB phòng chống tội phạm phường Phú Hòa ở Bình Dương. Với tư cách là một luật sư, TS Phan Trung Hoài chia sẻ với Tuổi Trẻ những ưu tư của ông.

5eWYBJK8.jpgPhóng to
Luật sư Phan Trung Hoài - Ảnh: Minh Đức

Ông cho rằng trong xã hội, mọi công dân đều phải hành xử dựa trên luật pháp và cần củng cố rõ cơ sở pháp lý để những người tham gia truy bắt tội phạm có thể được bảo vệ trong khuôn khổ pháp luật.

Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng hành động của các “hiệp sĩ” rất đáng biểu dương và trân trọng. Tuy nhiên, cần làm rõ thân phận pháp lý của họ để có cơ chế bảo vệ những người này khi xảy ra bất trắc...

Cần soi rõ thân phận pháp lý của người tham gia bắt cướp

* Vào tháng 6-2010 trên một tờ báo ông từng cảnh báo về những rủi ro về mặt pháp lý liên quan hiện tượng những “hiệp sĩ đường phố” khi họ ra tay nghĩa hiệp. Cảm giác của ông như thế nào khi biết câu chuyện đáng tiếc đó đã xảy ra?

- Điều lo lắng của tôi đã trở thành sự thật. Nhiều người bị sốc khi nghe tin về cái chết bi thảm của anh Nguyễn Xuân Chinh nhưng đó là một điều đã được dự báo. Có thể gọi tên chính xác hành động của anh Chinh cũng như của các “hiệp sĩ” thời nay là xả thân vì nghĩa hiệp. Trong khi xã hội đang đối diện và phải giải quyết nhiều vấn đề bức xúc trong quá trình phát triển, cùng với nỗ lực của các cơ quan pháp luật, hoạt động của câu lạc bộ đã trở thành điểm sáng trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.

Tuy nhiên, tôi nhìn nhận ở góc độ còn hạn hẹp về thông tin, đây là mô hình còn mang tính tự phát, chưa có địa vị pháp lý rõ ràng, chưa có cơ chế an toàn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ cùng gia đình nếu xảy ra tai nạn hoặc rủi ro trong hành động...

* Tất nhiên, hành động dũng cảm và sự hi sinh chống lại cái ác, cái xấu của anh Chinh là một điều đáng được xã hội tôn vinh và ghi nhận. Nhưng dư luận đặt vấn đề họ đang tham gia bắt cướp với vai trò nào: một công dân bình thường, một người thực hiện nghĩa vụ phải làm hay một người thực thi công vụ?

- Trước hết, hành động của các “hiệp sĩ” nói trên nhìn dưới góc độ trách nhiệm công dân bình thường rất đáng trân trọng và biểu dương về thực thi nghĩa vụ tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm như được quy định tại khoản 3, điều 4 Bộ luật hình sự năm 1999. Nhưng nếu coi họ đang là người thực thi công vụ thì chưa có cơ sở, bởi theo tìm hiểu của tôi, thực tế mỗi địa phương lại có mô hình câu lạc bộ khác nhau, tất cả đều không phải là chủ thể mang tính chất và trách nhiệm thực thi công vụ.

Theo thông tin trên báo chí, tiền thân của câu lạc bộ ở Bình Dương là đội dân quân tự vệ vây bắt đối tượng trộm cắp, cướp, cướp giật ban ngày được thành lập từ năm 1997. Đến năm 2006, ủy ban phường ban hành quy chế hoạt động và đổi thành câu lạc bộ phòng chống tội phạm, nhưng không rõ có được điều chỉnh theo mô hình lực lượng bảo vệ dân phố được quy định trong nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17-4-2006 của Chính phủ hay không.

* Ngoài tính pháp lý của những nhóm quần chúng như thế, cũng có ý kiến khác về cái nhìn xã hội: họ đang làm những công việc không phải của họ, đúng không?

- Theo Luật an ninh quốc gia năm 2004 và Luật công an nhân dân năm 2005, lực lượng công an nhân dân là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bản thân tội phạm là một hiện tượng xã hội và trách nhiệm chứng minh tội phạm trước hết thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Tôi nghĩ việc nở rộ phong trào hay ý nguyện nhân rộng điển hình hoạt động của các “hiệp sĩ đường phố” cho thấy nguy cơ xã hội đang phải trông cậy vào hành động tự phát của một số người chưa được rõ về thân phận pháp lý, trong khi tội phạm có tổ chức và cái ác trong một chừng mực nhất định vẫn còn lộng hành gây nhức nhối trong lòng người dân mỗi ngày.

Tránh tự phát

* Ở một số nước phát triển, chính quyền khuyến cáo người dân khi gặp đối tượng bất hảo hãy báo ngay cho nhà chức trách và đứng cách xa đối tượng, không được tự mình hành sự - bắt giữ hoặc khống chế - vì chúng có thể gây nguy hiểm. Trong khi đó, giá trị được xã hội Việt Nam và nhiều nước Á Đông khuyến khích từ xưa là “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”. Ông nghĩ sao về quan niệm này?

- Ở đây, tôi nghĩ sứ mệnh và cơ chế bảo vệ trật tự an toàn xã hội về cơ bản không có sự khác biệt lớn nếu bàn về chức năng của Nhà nước. Nhà nước được sinh ra ngoài chức năng tổ chức xây dựng xã hội còn thực hiện chức năng cưỡng chế với bộ máy quân đội, công an và các lực lượng bảo vệ chuyên trách khác, có trách nhiệm không chỉ bảo vệ sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia mà còn đối với trật tự xã hội, môi trường an toàn pháp lý cho người dân.

Mặc dù Bộ Công an, công an địa phương đã động viên, khen thưởng các thành viên câu lạc bộ, nhưng xây dựng và phát triển ý thức cộng đồng tham gia mạnh mẽ vào cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm không đồng nghĩa với việc khuyến khích các hành động tự phát đến lượt mình có nguy cơ gây bất ổn cho xã hội.

Tôi có đọc trên báo suy nghĩ và ứng xử của người thân các “hiệp sĩ đường phố”, mặc dù thấu hiểu và động viên nhưng họ luôn sống trong tâm trạng bất an như có người vợ không chịu đi cùng xe của chồng, hoặc sợ bị trả thù... Sự xả thân và xác định chuẩn xác ranh giới giữa sự nghi vấn tội phạm và người ngay, giới hạn pháp lý trong chính hành động của họ khiến nhiều người băn khoăn.

Tinh thần “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” là một giá trị xã hội cần tôn vinh, nhưng không thể vượt qua khuôn khổ pháp luật quy định, nhất là trong điều kiện hướng đến xây dựng một nhà nước pháp quyền.

* Đâu là vấn đề phải lưu ý đối với lực lượng “hiệp sĩ đường phố”?

- Ngoài việc chưa có một quy chế hoạt động và trách nhiệm, chế độ rõ ràng, hành động của các “hiệp sĩ đường phố” còn mang tính tự phát và thiếu hẳn cơ chế pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Trong một số trường hợp, hành động của họ chủ yếu dựa vào suy đoán chủ quan, dựa trên sự nghi vấn, không chỉ có khả năng nhầm lẫn mà còn mang đến nguy hiểm cho những người lưu thông trên đường khi bọn cướp bị truy đuổi hoặc chính họ gặp phải tai nạn như thực tế đã xảy ra.

* Hiện tại trên toàn quốc có khoảng 700 mô hình tổ chức quần chúng phòng chống tội phạm, có người nói nên xây dựng thành một mô hình toàn dân chống tội phạm. Theo ông có nên không?

- Tôi được biết Chính phủ đã có đề án “xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng chống tội phạm, tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật và trách nhiệm của công dân về bảo vệ an ninh trật tự” thuộc chương trình quốc gia phòng chống tội phạm theo nghị quyết số 09 ngày 9-5-2000.

Tôi nghĩ hiện nay cần có đánh giá và tổng kết việc thực hiện đề án nói trên, khảo sát các mô hình đã triển khai trên thực tế, tham khảo lực lượng bảo vệ dân phố đã được quy định trong nghị định 38. Nhà nước và hệ thống pháp luật cần đảm bảo cơ chế và tính pháp lý cho hoạt động của các “hiệp sĩ đường phố”. Ngoài việc quy định về tổ chức, tiêu chuẩn, quyền hạn, trách nhiệm trong một văn bản mang tính pháp quy, cần tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo vệ an ninh, trật tự và kiến thức pháp luật, quy định chi tiết các quyền lợi tối thiểu và chế độ, chính sách khi họ gặp rủi ro, tai nạn trong hoạt động...

* Anh Nguyễn Thanh Hải (đội trưởng đội phòng chống tội phạm Phú Hòa, Bình Dương):

Chỉ mong xã hội được bình yên

DocCq98K.jpgPhóng to

Anh Nguyễn Thanh Hải - Ảnh: Anh Thoa

Tôi được người dân gọi là Hải SBC (săn bắt cướp) từ giữa năm 1996, khi đó tôi đi gom tiền bán hàng thì thấy một anh công an đang truy đuổi hai tên cướp. Tôi liền đuổi theo ép xe và đạp hai tên cướp té ngã.

Cách đây không lâu tôi chở vợ con đi công chuyện, phát hiện bọn cướp, tôi để vợ và con bên lề đường rồi đuổi theo bắt cho bằng được. Giao cướp cho công an xong tôi mới quay lại đón vợ con. Nhiều lần vợ cứ tiếng to tiếng nhỏ về cái tính lo chuyện bao đồng. Tôi từng hứa với vợ “từ nay trở đi không tham gia bắt cướp nữa...” nhưng nói thật lòng làm sao mà bỏ được. Lâu dần vợ cũng quen, xem đó như cái nghiệp của chồng.

Chuyện mê săn bắt cướp đâu chỉ có mình tôi, bao nhiêu anh em khác trong đội cùng có chung đam mê ấy. Tuy mỗi người một nghề, người chạy xe ôm, người buôn bán máy vi tính, làm nem nướng, kinh doanh vật liệu xây dựng... nhưng anh em đều tranh thủ thời gian tham gia và hỗ trợ khi có tin báo đuổi cướp. Tôi làm việc hoàn toàn không có thù lao, hằng ngày phải bỏ tiền túi đổ xăng cùng anh em đi tuần tra. Khi được chính quyền khen thì có thưởng một ít tiền. Ngoài ra, lâu lâu cũng có một số mạnh thường quân hỗ trợ tiền xăng cho anh em.

Tôi mừng vì ngày càng có nhiều người tham gia bắt cướp nhưng thành thật mà nói hằng ngày chúng tôi, những người dân tự đứng ra bắt cướp, vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, nguy hiểm. Thời gian qua, chúng tôi đã bắt hàng trăm vụ cướp giật, trộm cắp. Qua mỗi vụ, chúng tôi lại rút ra được kinh nghiệm, các anh công an cũng chỉ thêm cách làm sao bắt đúng, bắt trúng và không vi phạm luật. Trên thực tế cũng có người không đồng ý với công việc của chúng tôi. Nhưng chúng tôi làm những việc này không vì lợi ích riêng của mình mà chỉ mong muốn xã hội được bình yên.

* Trung tá Hà Văn Thanh (phó trưởng Công an phường Phú Hòa, phó chủ nhiệm CLB phòng chống tội phạm phường Phú Hòa):

Sẽ đưa các “hiệp sĩ” vào ban bảo vệ dân phố

PbdkDzPK.jpgPhóng to
Trung tá Hà Văn Thanh - Ảnh: H.A.

Đội phòng chống tội phạm đã được thành lập từ năm 1997. Trải qua một thời gian hoạt động, đội đã có nhiều đóng góp. Ban chủ nhiệm thường xuyên tập hợp các anh em trong đội để giáo dục về mặt tư tưởng, nghiệp vụ, nhất là kiến thức về pháp luật. Chúng tôi cũng nhiều lần khuyên anh em không chạy theo thành tích mà phải bắt tận tay, có bằng chứng. Đồng thời hướng dẫn cho các anh em trong đội dấu hiệu để nhận biết giấy tờ giả, xe giả, các đối tượng tội phạm... và khi bắt được quả tang thì phối hợp với ai để xử lý, tài sản của người bị hại thì phải trả theo đúng quy trình. Hầu hết các vụ cướp giật mà đội bắt được là bắt “tận tay, có bằng chứng” nên rất ít sai sót.

Thật tình mà nói cách phối hợp để phát huy hiệu quả cho đội vẫn còn đó một vài điều cần suy nghĩ. Cần phải tính toán để làm sao cho đội hoạt động chuyên nghiệp hơn, an toàn hơn.

Hiện anh em trong đội hoạt động bắt tội phạm nhưng không có công cụ hỗ trợ nào. Trong khi đó bọn cướp ngày càng tinh vi, chúng có dao phay, bình xịt hơi cay, vũ khí tự chế, thậm chí súng ngắn, anh em mình thì tay không bắt cướp nên rất lo. Chúng tôi đang xem xét để đưa các anh em vào ban bảo vệ dân phố. Khi vào đây các thành viên của đội sẽ được trang bị công cụ hỗ trợ, có chế độ và được cấp lương hằng tháng.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Bộ Công an tặng bằng khen cho “hiệp sĩ đất gốm” "Hiệp sĩ 365 lần bắt cướp: “Một mình tôi không làm nổi đâu”"Hiệp sĩ đất gốm" lại lập công

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp