21/11/2023 10:43 GMT+7

Làm rõ vì sao hầu hết các loại tội phạm đều tăng?

Ủy ban Tư pháp thẩm tra các báo cáo trình bày tại Quốc hội, đề nghị đánh giá công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực chưa đạt yêu cầu, hầu hết các loại tội phạm đều tăng như tội phạm giết người, cướp, cho vay lãi nặng…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng nhiều loại tội phạm tăng gây tâm lý bất an trong nhân dân  - Ảnh: GIA HÂN

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng nhiều loại tội phạm tăng gây tâm lý bất an trong nhân dân - Ảnh: GIA HÂN

Ngày 21-11, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày tại Quốc hội báo cáo thẩm tra về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án...

Phòng ngừa tội phạm một số lĩnh vực chưa đạt

Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng tổng thể tội phạm gia tăng về số vụ, số người chết và thiệt hại về tài sản. Chứng tỏ công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực chưa đạt yêu cầu.

Bà Nga dẫn số liệu các loại tội phạm đều tăng, trong đó một số tội phạm tăng mạnh. Tiêu biểu như: số vụ giết người tăng 12,6%, cướp tăng 44,4%, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng hơn 61%, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng hơn 67%, gây rối trật tự công cộng tăng hơn 80%...

"Nhiều loại tội phạm tăng không chỉ gây bất an trong nhân dân mà còn thể hiện sự hạn chế nhất định trong công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực" - bà Nga cho biết.

Ủy ban Tư pháp chỉ ra một số hạn chế như: số vụ vi phạm pháp luật và tội phạm trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông và Internet được phát hiện tăng và vẫn diễn biến ngày càng phức tạp. Nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi hơn.

Xuất hiện tình trạng lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp, công ty luật dưới hình thức mua bán nợ để đe dọa, khủng bố bằng tin nhắn, điện thoại. Số vụ cháy, số người chết và bị thương do cháy tăng mạnh, trong đó xảy ra các vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng…

Số vụ việc, vụ án tạm đình chỉ tuy đã có nhiều cố gắng giải quyết nhưng đến nay vẫn còn tồn đọng nhiều. Còn xảy ra một số trường hợp phải đình chỉ điều tra bị can do không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can phạm tội…

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo tại Quốc hội ngày 21-11 - Ảnh: GIA HÂN

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo tại Quốc hội ngày 21-11 - Ảnh: GIA HÂN

Tòa án sử dụng "trợ lý ảo", công bố lên mạng hàng triệu bản án

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo tại Quốc hội cho biết các cấp tòa đã đẩy mạnh áp dụng các phần mềm dùng chung, triển khai phần mềm "trợ lý ảo". Đến nay đã có hơn 11.000 thẩm phán, thư ký được cung cấp tài khoản, sử dụng trợ lý ảo.

"Đã có hơn 13.600 vụ án được xét xử trực tuyến, qua đó đảm bảo đúng thời hạn, giảm chi phí và thời gian. Việc công bố bản án cũng được thực hiện nghiêm túc, đã có hơn 1,2 triệu bản án được công bố" - ông Bình cho biết.

Trong năm 2023, các tòa án đã thụ lý hơn 606.000 vụ việc, giải quyết được 540.000 vụ. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn được xét xử như vụ án vi phạm đấu thầu tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao…

Với những người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước bị tòa áp dụng hình phạt nghiêm khắc. Các cấp tòa đã tuyên thu hồi tiền và tài sản trị giá hơn 1.850 tỉ đồng trong 216 vụ án kinh tế, tham nhũng…

Đối với việc thanh tra, xử lý các cán bộ vi phạm trong lĩnh vực tòa án, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết đã khiển trách 32 trường hợp, cảnh cáo 8 trường hợp, buộc thôi việc 4 trường hợp và cho thôi chức 2 trường hợp.

Hơn 180.000 tội phạm đang có án phạt tù

Theo báo cáo về công tác thi hành án, cả nước còn hơn 180.000 người có án phạt tù (đến ngày 30-9-2023). Số người chấp hành án hình sự tại cộng đồng đang quản lý là trên 65.000 người. Bên cạnh những mặt làm được, công tác thi hành án còn có hạn chế như số việc thi hành án phải chuyển sang kỳ sau còn nhiều, các khoản thu hồi nợ cho tổ chức tín dụng chưa cao…

Đã có hơn 28.000 trường hợp phải đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đáng chú ý, có nhiều trường hợp các em từ đủ 12 tuổi đến 18 tuổi nghiện ma túy được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với 256 trường hợp.

Bộ trưởng Tô Lâm: Số vụ tội phạm về trật tự xã hội có xu hướng tăng, phức tạpBộ trưởng Tô Lâm: Số vụ tội phạm về trật tự xã hội có xu hướng tăng, phức tạp

Ngày 21-11, tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, cho biết số vụ tội phạm về trật tự xã hội tăng 18%, nhiều loại tội phạm có xu hướng phức tạp trở lại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp