Trao đổi với Tuổi Trẻ hôm 27-1, giám đốc Sở VH-TT TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết đang chỉ đạo làm rõ chuyện taekwondo TP.HCM cho địa phương khác mượn VĐV thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần VII-2014 và có hay không chuyện mua bán huy chương?
Ông Khuê nói: “Tôi đang chỉ đạo làm rõ nhiều việc ở bộ môn taekwondo như xây dựng các tuyến, công tác đào tạo, tập huấn. Trong đó có việc xử lý những thông tin và trả lời rõ về việc có cung cấp VĐV cho các địa phương thi đấu hay không dẫn đến chuyện taekwondo TP.HCM trắng tay.
Tôi yêu cầu cuối tháng 1 sẽ báo cáo chi tiết về chuyện này. Nêu rõ VĐV nào cho mượn và ai chỉ đạo. Không thể có chuyện lấy ngân sách nhà nước ra mà làm chuyện như vậy được. Thể thao luôn cao thượng, trung thực mà chúng ta lại thỏa hiệp, bạc nhược để ngấm ngầm mua bán thành tích thì đâu có được. Không chỉ taekwondo, tôi cũng yêu cầu tất cả bộ môn tham dự thi đấu đều phải báo cáo hết về chuyện có cho mượn VĐV hay không”.
Tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014, TP.HCM chỉ giành được một HCV biểu diễn quyền và xếp thứ 5 chung cuộc. Đây là điều khó chấp nhận bởi biểu diễn quyền là thế mạnh của taekwondo TP.HCM khi có nhiều nhà vô địch thế giới. Đáng nói hơn, những VĐV mà TP.HCM cho đơn vị khác mượn lại giành hai HCV. Cụ thể, bộ ba VĐV TP.HCM gồm Phước Đại - Nguyên Bảo - Chí Khanh giành HCV quyền đồng đội nam trong màu áo Cà Mau, VĐV Nguyễn Quốc Minh mang HCV quyền cá nhân nam về cho Bình Phước.
Không chỉ ồn ào chuyện tốn hàng tỉ đồng/năm để đào tạo nhưng lại cho mượn VĐV, nội bộ taekwondo TP.HCM còn râm ran có chuyện mua bán huy chương khi bộ ba Thanh Trung - Thiên Phụng - Hiếu Nghĩa (TP.HCM) đều là những nhà vô địch thế giới đã bỏ cuộc trong trận chung kết quyền đồng đội nam.
Hôm 12-1, vấn đề này được nêu ra một cách khá gay gắt trong cuộc họp giữa ban lãnh đạo Sở VH-TT TP.HCM, phòng thành tích cao với bộ môn và ban huấn luyện đội tuyển taekwondo TP.HCM. Khi đó, phó giám đốc sở Nguyễn Hùng thẳng thắn chất vấn: “VĐV ăn lương TP.HCM lại đi đánh cho tỉnh khác là chủ trương của ai? Và liệu có mua bán huy chương gì không khi TP.HCM lại bỏ cuộc trong trận chung kết quyền đồng đội nam?”.
Tuy nhiên, phó giám đốc sở phụ trách thể thao Mai Bá Hùng lẫn bộ môn và ban huấn luyện đội tuyển taekwondo TP.HCM chỉ nói rằng việc cho mượn VĐV là hợp tác có từ lâu nhằm giúp đỡ phong trào của các địa phương và phủ nhận chuyện mua bán huy chương. Tuy nhiên, giải đáp này cũng không nhận được sự đồng tình trong cuộc họp. Ông Nguyễn Hùng chất vấn tiếp: “Giúp đỡ thì chúng ta chỉ nên giúp các tỉnh đào tạo VĐV chứ đâu thể đưa VĐV giỏi của mình đi thi đấu để lấy thành tích. Hơn nữa, ngân sách cả năm để nuôi các VĐV này tốn tiền không phải là ít”.
Theo tài liệu chúng tôi có được, có đến 17 VĐV (9 VĐV biểu diễn quyền) được taekwondo TP.HCM cho mượn để thi đấu cho ba đoàn Cà Mau, Bình Phước, Quân Đội tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014. Tính sơ sơ tiền ăn và tiền công tập luyện trong năm 2014, TP.HCM phải bỏ ra gần 1 tỉ đồng để nuôi 17 VĐV này. Đó là chưa kể nhiều VĐV trong số này còn nhận thêm hơn chục triệu/tháng/người từ tiền hỗ trợ tài năng (giành huy chương ở giải thế giới, châu Á, Đông Nam Á...) và tiền đẳng cấp. Nghĩa là TP.HCM bỏ ra gần 2 tỉ đồng/năm để nuôi các VĐV này đi thi đấu cho... đơn vị khác.
Nói về chuyện này, trưởng bộ môn taekwondo và là HLV trưởng đội tuyển quyền TP.HCM Nguyễn Thanh Huy nói: “Chúng tôi phải đầu tư tất cả nội dung để thi đấu tại giải vô địch thế giới. Mục tiêu của chúng tôi là thành tích quốc tế chứ không phải quốc gia. Điều này khiến chúng tôi tập trung đào tạo rất nhiều VĐV.
Vì thế, việc cho các em đi thi đấu ở đội khác cũng là nhằm giúp chính mình khi các em có điều kiện thi đấu cọ xát để tiến bộ thay vì chỉ tập chay. Hơn nữa, điều lệ Đại hội TDTT toàn quốc 2014 cũng quy định mỗi đoàn chỉ được đăng ký thi đấu 3/5 nội dung và VĐV chỉ được thi đấu 2/3 nội dung nên chúng tôi dư quá nhiều VĐV giỏi. Do đó tôi đã xin ý kiến lên trên và được chấp nhận. Các VĐV này chỉ thi đấu cho địa phương ở giải trong nước thôi, còn tại giải quốc tế họ vẫn là VĐV của TP.HCM”.
Nói về chuyện dư luận nghi ngờ mua bán huy chương, ông Huy nói: “Trước trận chung kết quyền đồng đội nam, Thanh Trung bị chấn thương trong lúc tập luyện. Nếu cố gắng thi đấu, chúng tôi vẫn có thể giành HCV. Nhưng giành thêm một HCV quyền thì taekwondo TP.HCM cũng không mạnh hơn lên, nên chúng tôi quyết định bỏ cuộc cho Cà Mau giành HCV để phát triển phong trào”.
Nghe phát biểu này, một cựu HLV không khỏi bức xúc. Ông nói: “Trước giờ, taekwondo TP.HCM có hỗ trợ các tỉnh thì cũng hỗ trợ cách khác. Nhưng ưu tiên của mình vẫn là số một. Cụ thể là ngày xưa, TP.HCM hỗ trợ các tỉnh ở những nội dung không cùng hạng cân hay nội dung với mình. Còn bây giờ mình lại lấy luôn cả HCV của mình cho người ta là tiêu cực rồi”.
Trước câu hỏi liệu thể thao TP.HCM có lãng phí hay không khi đào tạo nhiều VĐV rồi lại cho mượn, ông Mai Bá Hùng cho biết ông không có quyền phát ngôn và phải xin ý kiến của giám đốc sở. Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ: “Việc cho mượn VĐV là điều cần thiết nhằm giúp các em trẻ có thể thi đấu và tiến bộ, tạo lứa kế thừa cho TP”.
[box]Kết quả không xứng với đầu tư
Đại hội TDTT toàn quốc lần VI-2010, taekwondo TP.HCM xếp thứ nhì toàn đoàn với ba HCV đối kháng. Còn ở Đại hội TDTT toàn quốc 2014, taekwondo TP.HCM chỉ giành một HCV biểu diễn (thua cả Vĩnh Long đứng hạng ba toàn đoàn với ba HCV đối kháng).
Thất bại của đội đối kháng còn đáng nói hơn khi TP.HCM mất gần 900 triệu đồng trong năm 2014 để thuê chuyên gia Jeon Jeong Bae (Hàn Quốc) huấn luyện. Trong khi đó, Hà Nội trong những năm qua không hề thuê chuyên gia nước ngoài nhưng vẫn là lá cờ đầu của taekwondo VN với năm HCV tại đại hội.[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận