21/09/2013 08:39 GMT+7

Làm rõ 30% công chức không làm được việc

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu làm rõ con số 30% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ như Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng ước đoán. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị đánh giá về một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái.

JV8F2uAS.jpgPhóng to

Rất nhiều vấn đề bức xúc về tiêu chuẩn, điều kiện và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20-9 nghe đoàn giám sát báo cáo về “việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (từ ngày 1-1-2010 đến 31-12-2012)”.

Tuyển dụng, bổ nhiệm theo chuẩn 20 năm trước

Trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết: “Nghị định về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức đến tháng 4-2013 mới ban hành, vì vậy mặc dù Luật cán bộ, công chức có hiệu lực từ ngày 1-1-2010 nhưng trong một thời gian dài vẫn áp dụng văn bản quy định về tiêu chuẩn các ngạch công chức hành chính đã ban hành từ năm 1993, không phù hợp với công tác tuyển dụng, nâng ngạch”.

Vẫn theo ông Lý, đối với nội dung đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm vào các ngạch được xây dựng theo tiêu chuẩn ban hành từ năm 1993 nên nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng không sát với yêu cầu công việc trong tình hình mới. Chất lượng cán bộ, công chức giữa các vùng, miền không đồng đều. Ở cấp xã, có nơi phải bố trí cả người không đủ năng lực, đông về số lượng nhưng không đảm bảo chất lượng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lên tiếng: “Vậy là tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức vẫn theo chuẩn 1993, tức là vẫn quản lý cán bộ theo chuẩn của 20 năm trước. Trách nhiệm thuộc về ai? Lấy năm 1993 để áp dụng cho năm 2010 đã kinh khủng lắm rồi. Đây là điều đáng buồn lắm các đồng chí ạ. Nói như vậy thì không thể nói chất lượng lên được”. Ông Hùng yêu cầu đánh giá rõ với tình trạng như vậy thì việc tổ chức thực hiện Luật cán bộ, công chức có giá trị gì chưa? “Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói đến con số 30% cán bộ, công chức không làm được việc, vậy thực hư con số này thế nào?” - Chủ tịch Quốc hội hỏi. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị đánh giá về một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái như nhận định trong văn kiện của Đảng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đáp: “Bao nhiêu phần trăm chất lượng, năng lực yếu kém, đây là nội dung xã hội đang quan tâm, nghị quyết trung ương 4 cũng đề cập, một số đồng chí lãnh đạo cũng nói về tỉ lệ. Gần đây chúng tôi có đề nghị các bộ, ngành phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ, kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy tỉ lệ không hoàn thành nhiệm vụ trên dưới 1%. Tới đây sẽ có tổng kết rõ hơn”.

mWAUrKWi.jpgPhóng to
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: “Ở cấp xã, có nơi phải bố trí cả người không đủ năng lực” - Ảnh: Phương Hoa
JqFzr4bl.jpgPhóng to
Ông Phùng Quốc Hiển

Tại sao có chuyện bộ 11 thứ trưởng?

"Có người nói với những cán bộ, công chức mà 8g sáng đến uống cà phê, 10g vào làm việc, chiều vác vợt đi chơi thể thao thì lương như vậy là cao rồi"

Ông Phùng Quốc Hiển (chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách)

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước hỏi: “Quy định là bộ không quá bốn thứ trưởng, nhưng tôi đếm qua danh bạ điện thoại thì thấy có bộ 11 thứ trưởng. Cấp tổng cục cũng quy định không quá bốn, nhưng có những tổng cục tôi được biết có chục anh phó. Trách nhiệm này Bộ Nội vụ gác cổng cho Chính phủ như thế nào?”. Ông kể: “Tôi làm giám đốc công an tỉnh từ năm 1992, tức từ khi có quyền tuyển dụng, bổ nhiệm thì cho đến nay tôi thấy cách làm của ta không có gì khác”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng “cần phải thay đổi cách tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, giao trách nhiệm cho người đứng đầu để họ có toàn quyền tuyển dụng, bổ nhiệm để có một êkip làm việc hợp lý và chịu trách nhiệm với quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm của mình”.

Theo báo cáo giám sát, “cho đến nay vẫn chưa xây dựng được ngân hàng câu hỏi và ngân hàng đề thi môn nghiệp vụ dẫn đến đề thi tuyển dụng công chức thường không sát với yêu cầu vị trí cần tuyển dụng. Việc đào tạo cán bộ, công chức, viên chức ở nhiều nơi chưa gắn với quy hoạch và yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Cán bộ, công chức, viên chức tham gia bồi dưỡng ngắn ngày chủ yếu là do yêu cầu đủ các chứng chỉ để thi nâng ngạch, chuyển ngạch chứ chưa thật sự xuất phát từ nhu cầu nâng cao năng lực làm việc”.

Về số lượng cán bộ, công chức và kiểm soát đội ngũ này, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị phải tính toán cơ cấu thế nào là hợp lý. “Với số lượng hiện nay thì không thể cải cách tiền lương được. Có người nói với những cán bộ, công chức mà 8g sáng đến uống cà phê, 10g vào làm việc, chiều vác vợt đi chơi thể thao thì lương như vậy là cao rồi. Vừa rồi có một số đồng chí bí thư, chủ tịch tỉnh “vi hành” để bắt cán bộ, công chức ăn cắp giờ, nhưng việc này chẳng khác nào bắt cóc bỏ đĩa” - ông Hiển nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói thêm: “Tôi đề nghị đánh giá đội ngũ cán bộ phải làm rõ được hai vấn đề tài và đức, xem tình trạng hiện nay thế nào. Cái ông công chức như anh Hiển nói là ông tham nhũng rồi đấy, lương như vậy thì tiền đâu mà cuối giờ vác vợt đi chơi, mỗi cái vợt mấy triệu đấy... Nếu không có đội ngũ cán bộ, công chức có đủ tài và đủ đức thì sự nghiệp đổi mới của Đảng ta không thành công. Đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm chính là những khâu then chốt”.

Văn bản hướng dẫn luật ban hành chậm quá nhiều

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kết quả triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến hết tháng 7-2013.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong số 46 luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định chi tiết 363 nội dung, phải ban hành 273 văn bản. Trong đó có 275 nội dung quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành 35 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thi hành (tính đến hết tháng 7-2013) và 88 nội dung quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành 11 luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, đến nay đối với 35 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, nhưng mới ban hành được 76/228 văn bản quy định chi tiết, còn 152/228 văn bản chưa được ban hành; đối với 11 luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực mà trong đó có những văn bản sẽ có hiệu lực từ ngày 1-10-2013 thì mới có 1/45 văn bản quy định chi tiết đã được ban hành.

“Số lượng thống kê cho thấy thực tế tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành quá lớn, làm cho nhiều quy định của luật, pháp lệnh chưa được thực thi” - báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật nhận xét.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp