Phóng to |
Học giả Nguyễn Văn Vĩnh |
1. Bức họa độc đáo
Tại buổi lễ này, bức họa Cậu bé kéo quạt trường Yên Phụ Nguyễn Văn Vĩnh - 1890 của họa sĩ trẻ Duy Minh đã được công bố. Bức họa sẽ được sử dụng trong bộ phim tài liệu về cuộc đời Nguyễn Văn Vĩnh do đạo diễn Trần Văn Thủy thực hiện.
Cậu bé kéo quạt trường Yên Phụ Nguyễn Văn Vĩnh 1890 ghi dấu mốc quan trọng cuộc đời Nguyễn Văn Vĩnh. Đó là khởi đầu của cậu bé "học lỏm" trong lúc hầu quạt cho các tú tài, giáo viên trường thông ngôn tại đình làng Yên Phụ để một thời gian sau đấy, trở thành người từ chối nhận 3 "Bắc đẩu bội tinh" của chính quyền đương thời, từ bỏ quan trường để chuyên sâu vào sự nghiệp làm báo và truyền bá chữ quốc ngữ...
Cuối cùng là một kết cục bi hùng trên dòng Sêpôn nơi đất bạn (cuối đời, Nguyễn Văn Vĩnh lâm vào cảnh vỡ nợ, ông phải đi sang Lào đào vàng, và chết vì một cơn sốt rét ác tính ở tuổi 54 (1-5-1936). Ông chết khi đang ở trong chiếc thuyền độc mộc, trên dòng sông Sêpôn, với một chiếc quản bút trong tay, đang viết dở thiên ký sự bằng Pháp văn Một tháng với những người tìm vàng.
Trước Cậu bé kéo quạt..., cuộc đời của Nguyễn Văn Vĩnh cũng đã từng được "lên tranh"...
Phóng to |
Tranh Sự ra đời của chữ Quốc ngữ - Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng (sơn dầu trên vải, 65 x 80 cm, 2001) - Ảnh: Tia sáng |
Trong bức thư gửi ông Nguyễn Lân Bình (cháu nội của Nguyễn Văn Vĩnh), Nguyễn Đình Đăng tâm sự: "Tôi đã rất xúc động khi đọc về cái chết của cụ trong một con thuyền độc mộc trôi trên dòng sông tại Nam Lào, trong tay vẫn cầm cuốn sổ và một cây bút. Tôi cũng đã xúc động không kém khi đọc đến đoạn hàng ngàn người dân Hà Nội yên lặng đứng trước ga Hàng Cỏ khi xe lửa chở quan tài cụ từ Lào trở về. Ngay lúc đó, toàn bộ bố cục của bức tranh nói trên đã hiện lên khá rõ trong óc tôi. Phần còn lại là tìm mẫu vẽ. Theo hiểu biết của tôi, bức tranh nói trên hiện là bức tranh duy nhất trong hội họa Việt Nam ca ngợi cụ Nguyễn Văn Vĩnh...".
Điều đáng nói, Nguyễn Đình Đăng là một tiến sĩ vật lý nguyên tử, hiện đang sống và làm việc tại Saitama (Nhật Bản).
2. Làm phim về cuộc đời Nguyễn Văn Vĩnh
Tác giả của bộ phim tài liệu nổi tiếng Hà Nội trong mắt ai Trần Văn Thủy hết sức ngưỡng mộ học giả Nguyễn Văn Vĩnh, và ông đã đầu tư làm bộ phim tài liệu này trước hết là để thỏa mãn lòng người ngưỡng mộ của mình.
Trong suốt mấy tháng trời "vất vả" để tìm tư liệu cho bộ phim và cố gắng có được một tác phẩm "dày dặn" về cuộc đời Nguyễn Văn Vĩnh từ buổi ban đầu cho đến kết cục bi hùng, ông đã khá vất vả ra Nam vào Bắc, sang Nam Lào (nơi Nguyễn Văn Vĩnh sống những ngày cuối cùng của cuộc đời bi hùng với quá nhiều sự kiện chìm nổi của mình), ngược trở lại Pháp...
Việc gặp gỡ tất cả các nhân chứng có liên quan, có thể nhớ lại một dấu ấn nào đó về Nguyễn Văn Vĩnh, ông cũng thực hiện được. Nhưng một điều duy nhất làm "đau đầu" Trần Văn Thủy, đó là phần hình ảnh. Vì theo ông, đối với thể loại phim tài liệu, hình ảnh là yếu tố quan trọng nhất. Tất cả những thông tin có được qua lời kể của nhân chứng, đó chỉ là phần bổ trợ. Rất tình cờ và cũng rất may mắn, khi anh có trong tay tác phẩm hội họa như đã nói của Nguyễn Đình Đăng. Thế nhưng, đó mới chỉ là hình ảnh về một "kết thúc không có hậu". Cái ông cần, đó là hình ảnh về sự khởi đầu! Và Duy Minh với bức họa Cậu bé kéo quạt.... đã cho ông hình ảnh ấy.
"Với tư cách của một người làm phim, tôi phải cảm ơn nhiều tới Duy Minh, dù tuổi đổi mới ngoài 30 nhưng anh đã khái quát hóa được khá đầy đủ về tuổi thơ nhọc nhằn của con người vĩ đại trong một bức vẽ. Nó sẽ là một trường đoạn phù hợp mà bộ phim của tôi cần....!" - đạo diễn tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận