14/08/2015 14:56 GMT+7

Làm phim để nói lên sự thật

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Những người đồng hành đặc biệt của bà Trần Tố Nga đã có mặt tại VN để chuẩn bị cho bộ phim tài liệu về bà Trần Tố Nga và vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ vì tác hại của chất độc da cam với VN.

Từ trái qua: đạo diễn Alan Adelson, quay phim Scott Sinkler trong cuộc đi bộ vì nạn nhân chất độc da cam sáng 2-8 - Ảnh: TỰ TRUNG
Từ trái qua: đạo diễn Alan Adelson, quay phim Scott Sinkler trong cuộc đi bộ vì nạn nhân chất độc da cam sáng 2-8 - Ảnh: TỰ TRUNG

“Đây là tháng vì nạn nhân chất độc da cam của chúng tôi” - đạo diễn Alan Adelson vừa nói vừa chỉ vào lịch làm việc của mình và nhà quay phim Scott Sinkler. Đến Thông tấn xã VN, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM, đi Củ Chi, Tây Ninh, Côn Đảo, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hà Nội...

Ba tuần lễ không có buổi nào trống. Chỉ đến VN ba ngày, hai luật sư người Pháp Amélie Lefebvre và Bertrand Repolt cũng cùng tham gia đủ ba ngày vào các chương trình vì nạn nhân chất độc da cam ấy, từ lúc bước xuống máy bay đến sát giờ khởi hành về nước.

Đồng hành với họ dĩ nhiên là bà Trần Tố Nga, người “một mình một vụ kiện da cam”, và đồng hành với bà Trần Tố Nga dĩ nhiên là những nạn nhân chất độc da cam VN.

“Vì những yếu tố pháp lý quốc tế mà giờ đây tôi trở thành người đứng đơn duy nhất của vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ vì tác hại của chất độc da cam với VN. Nhưng tôi luôn nhắc với những người quan tâm: ở VN, vấn đề của chất độc da cam là vấn đề của hàng triệu người. Và vì vậy tôi đã đưa họ đến đây” - bà Trần Tố Nga nói, không biết đã là lần thứ bao nhiêu trong cuộc đời bà. Và tất cả chúng tôi cùng lên đường.

“Chúng tôi hồn nhiên với chất độc...”

Những phụ nữ Củ Chi đón mọi người trong bộ đồ bà ba đen, khăn rằn quàng cổ và đĩa củ mì hấp nước dừa bùi ngọt. Nhưng những câu chuyện thời hậu chiến mà họ kể thì không ngọt ngào mà mặn nước mắt.

Cô dũng sĩ diệt xe tăng xinh đẹp Bảy Mô (Võ Thị Mô) khi xưa hôm nay vừa xuất viện sau ca mổ lấy hai khối u lớn trong bụng và trên cổ. Không nói được, bà chỉ lặng lẽ ôm bà Tố Nga khóc.

Bà Nguyễn Thị Nỷ không cử động được vì chứng bệnh lạ: toàn thân cứ khô dần các bắp thịt, chân tay cứng, co rút lại. Bà Trần Thị Neo chuẩn bị sẵn lá đơn gửi đến tòa án quốc tế từ bao giờ, vừa rút đơn đưa vào tay luật sư vừa khóc kể về năm đứa con của mình: cứ vừa lớn lên là thành khờ dại...

Mọi người dẫn các luật sư, đoàn làm phim ra những cánh đồng Củ Chi vẫn còn dấu tích hố bom, vào cánh rừng trên địa đạo vẫn còn thưa lá, chỉ xuống những con rạch nhỏ, chui qua những đoạn địa đạo để kể lại câu chuyện về một thời chiến tranh: căn cứ quân sự Đồng Dù đóng ngay tại Củ Chi, quốc lộ do quân đội Sài Gòn kiểm soát, nhưng dưới lòng đất quân du kích vẫn tiếp tục cuộc chiến đấu, trên mặt đất những người dân vẫn sinh sống, những nhà báo như bà Trần Tố Nga vẫn tiếp tục công việc của mình.

“Chúng tôi đã tiếp xúc với chất độc da cam một cách thật hồn nhiên” - bà Trần Tố Nga tìm từ để diễn đạt về những màn sương mờ bao phủ cánh rừng sau khi máy bay bay qua, chất bột đọng trên lá cây, thấm vào nguồn nước.

“Hiện tượng kỳ lạ lắm và mỗi nơi mỗi khác. Có cây như bị tuốt, trơ cành không một chiếc lá xanh, có bụi chuối vẫn xanh tươi nhưng đụng nhẹ vào thân là ngã rạp, có bụi mì nhổ lên chỉ có một túm xơ” - bà Trương Hải Thủy, cựu phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, kể. “Và chúng tôi không có cách nào khác là vẫn sống” - bà kết luận.

Buổi quay về căn cứ của Thông tấn xã, tiểu ban giáo dục nằm sâu trong cánh rừng Lò Gò (huyện Tân Biên, Tây Ninh) tiếp theo là những ký ức đầy yêu thương của các bạn bè, đồng đội trên lằn ranh sinh tử. Ống kính máy quay của Scott đã bắt được những thao tác thoăn thoắt của việc cột võng lên cây trong vòng hai giây, cắm chiếc lán giữa rừng bằng vài dụng cụ thô sơ để diễn tả lại cả cuộc sống làm báo, dạy học, nuôi con của bà Trần Tố Nga và các đồng đội khi ấy.

Công lý không biên giới

Không giấu những xúc động khi tiếp xúc với các nạn nhân chất độc da cam từ thế hệ thứ nhất đến thế hệ thứ hai, ba, chăm chú lắng nghe và cố gắng để hiểu thông điệp sau những giọt nước mắt, luật sư Bertrand Repolt một lần nữa bày tỏ: “Tôi rất cảm phục khi chứng kiến nỗ lực của mọi người trong cuộc sống, và càng cảm phục hơn khi không một ai nói lời căm thù mà chỉ đòi hỏi công lý. Chúng tôi đồng hành cùng mọi người với tất cả khả năng của mình”.

Bận rộn với việc quay phim, phỏng vấn, đạo diễn phim tài liệu Alan Adelson và nhà quay phim Scott Sinkler làm việc cật lực như đã tuyên bố: “Chúng tôi đến đây không phải để nói, mà để làm việc vì nạn nhân chất độc da cam VN”. Nhưng những lời ngắn gọn mà họ nói trước đó đã khiến rất nhiều người VN xúc động.

Đạo diễn Alan Adelson diễn giải mục đích của mình: “Tôi muốn những người dân Mỹ biết sự thật về chiến tranh VN. Trải qua bốn năm nghiên cứu về vấn đề này, tôi phát hiện các công ty hóa chất và quân đội Mỹ đã biết trước về những tác hại khủng khiếp sẽ kéo dài trong nhiều năm của dioxin, nhưng họ vẫn mang nó đến và giội xuống đất nước VN.

Người dân Mỹ hôm nay vẫn có nhiều người không muốn thấy, không muốn nghe và suy nghĩ về những câu chuyện đó, nhưng tôi muốn bộ phim của mình, thông qua câu chuyện của bà Trần Tố Nga, nói với họ sự thật. Công lý phải công bằng cho tất cả mọi người trên Trái đất”.

Nhà quay phim Scott Sinkler kể một câu chuyện dài: “Tôi sinh vào những năm 1960. Khi xem truyền hình, tôi thường thấy tin tức về chiến tranh VN và đằng sau phát thanh viên là các con số người Mỹ và người VN bị chết. Tôi luôn mong muốn hiểu được lý do những cái chết đó, vì sao lại có chiến tranh VN.

Cách nay vài năm, tôi đã đưa cả gia đình đến VN, đi từ TP.HCM đến Hà Nội và dừng lại nhiều nơi. Tôi đã gặp nhiều người và hiểu được nhiều câu chuyện. Tôi muốn gửi đến người VN lời xin lỗi của cá nhân tôi.

Khi Mỹ mang chiến tranh đến VN, tôi còn nhỏ, không tham chiến, nhưng cha tôi đã đóng thuế để góp phần mang chất độc da cam đến VN, và đến lượt tôi, tôi cũng đang đóng thuế để Chính phủ Mỹ mang bom đạn đến các nước khác. Tôi mong rằng công việc của mình hôm nay có thể góp phần sửa chữa những sai lầm ấy”.

Nói rồi Alan và Scott bảo: “Đó là lời chúng tôi đã đinh ninh để đến đây nói với người VN. Giờ tôi quay về với công việc của mình: làm phim để nói lên sự thật, đòi lại công bằng cho nạn nhân da cam VN và qua đó giúp nước Mỹ trở nên tốt đẹp hơn”.

Khi tôi chỉ cho Alan xem bản tin mới về việc Chính phủ Mỹ đồng ý bồi thường cho các phi công bị ảnh hưởng chất độc da cam khi tham gia chiến tranh VN, sau khi các công ty hóa chất đã bồi thường cho các cựu chiến binh, Alan nhún vai: “Nhưng đó chỉ là cho người Mỹ, chúng ta phải tiếp tục đấu tranh cho người VN”.

Bà Trần Tố Nga (bìa trái) với những người dân Củ Chi - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Bà Trần Tố Nga (bìa trái) với những người dân Củ Chi - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Trong bộ phim tài liệu dự kiến mang tên Ngọn đèn kỳ diệu, những đoạn phỏng vấn tỉ mỉ của Alan ghi lại những câu chuyện.

“Các cô chú đã thay nhau bồng bế, dỗ dành các con những khi tôi vắng nhà. Trở về, có lúc tôi đã bật cười khi thấy một anh tay cầm bình sữa, tay cầm chiếc áo của tôi giơ lên cho bé Tố Ngỗng nín khóc. Và tôi vẫn còn rớt nước mắt tới bây giờ khi nhớ cái ngày chạy về lán trong một trận bom, thấy đồng đội của mình đang khom lưng trên miệng hầm, hai tay đút bé Việt Hồng xuống dưới, dùng cả thân người che chở cho cháu...” - bà Nga nghẹn ngào.

Nhưng rồi Tố Ngỗng chỉ sống được 17 tháng. Còn ba người con của ông Phạm Văn Thính và bà Nguyễn Thị Kim Liên, cùng là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, cũng lần lượt lìa đời, mà hôm nay bà Liên đếm: “Đứa đầu tiên được 20 ngày, đứa thứ hai được 6 tháng, đứa thứ ba chết trong bụng mẹ...”.

Bà Út Nhựt (Nguyễn Hồng Nhựt) thì năm lần mang thai, năm lần không giữ được... Mãi sau này, sau những lần phát bệnh, thăm khám, xét nghiệm, họ mới biết đó là hậu quả của chất độc da cam...

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp