20/11/2022 10:50 GMT+7

Làm mới cải lương như thế nào?

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Sau 15 ngày diễn ra (từ 5 đến 20-11), Liên hoan cải lương toàn quốc 2021 kết thúc tại Long An tối nay 20-11 với lễ tổng kết và trao giải thưởng.

Làm mới cải lương như thế nào? - Ảnh 1.

Vở Truyền thuyết chàng Sa Mộc của sân khấu cải lương mới Đại Việt dù chưa xuất sắc nhưng đã đem đến cho liên hoan màu sắc lạ lẫm - Ảnh: L.ĐOAN

Nhiều năm nay, không ít người trăn trở về việc cải lương cần thay đổi, làm mới để có thể phát huy và đi cùng với thời đại.

Cập rập nên... khó đột phá

Theo định kỳ ba năm một lần, liên hoan tính làm năm ngoái nhưng do vướng dịch nên bị hoãn tới năm nay và quyết định tổ chức khá sát ngày diễn ra, nên nhiều đơn vị bị động trong việc chuẩn bị vở dự thi. Chính vì lý do đó nên trong 27 vở tham dự, hiếm có vở tạo nên sự đột phá, tạo nên ấn tượng mạnh.

Tuy nhiên, vẫn có vài điểm sáng. Một số vở gây ấn tượng từ thiết kế cảnh trí, tạo cảm tình ngay từ đầu để khán giả bước vào vở diễn. Điển hình là vở Bên dòng Long Khốt (đoàn nghệ thuật cải lương Long An) có cảnh trí được xử lý ánh sáng thông minh làm nền cho câu chuyện về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, tạo cảm xúc với người xem. 

Xử lý cảnh trí biến hóa trong Huyền thoại gò Rồng Ấp của Nhà hát cải lương Việt Nam cũng khiến khán giả tò mò đi vào câu chuyện lý giải sự ra đời của Lý Công Uẩn.

Câu hò đất mẹ của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang được nhiều người khen ngợi vì các lớp ca - diễn mượt mà. Vương đạo - Vua thánh triều Lê của Sen Việt "rần rần" với lớp diễn như nhập đồng của nhân vật Hạ Kiều (Bình Tinh diễn). Truyền thuyết chàng Sa Mộc của sân khấu mới Đại Việt mang màu sắc lạ lẫm với bài ca bi tráng giữ nước ở vùng núi phía Bắc...

Trong các vở kể trên, có vở kịch bản mới, có vở kịch bản cũ, ít nhiều đều có những xử lý để cố gắng làm mới cải lương. Thế nhưng, việc làm mới không phải lúc nào cũng hiệu quả. 

Như vở Sứ mệnh của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai nói về việc vận dụng tốt nghiên cứu khoa học sẽ giúp ích cho con người, nhưng nếu vì mục đích cá nhân lại gây nên thảm họa. Có ý tưởng mới nhưng cách dàn dựng và biểu diễn lại không "bắt kịp" khiến vở trở nên khô cứng, lên gân.

Dạ cổ hoài lang của Công ty TNHH giải trí Gia Bảo cũng khiến nhiều người thất vọng vì thiếu cảm xúc, yếu tố ca ít và diễn viên ca không hay, không đắt...

Làm sao để tác phẩm thuộc về khán giả hôm nay

NSND Giang Mạnh Hà - phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - chia sẻ trong thời đại hiện nay, càng đòi hỏi cải lương phải đổi mới để tiếp cận công chúng, đặc biệt khán giả trẻ. "Đầu tiên là khâu kịch bản, cần đổi mới phương pháp sáng tạo, thủ pháp biên kịch. Có thể là câu chuyện dân gian, lịch sử hoặc xã hội đương đại... nhưng quan trọng là cách viết phải mới. 

Về đạo diễn, thủ pháp, ngôn ngữ, tư duy, khai thác và khám phá, thậm chí cả "phép lạ" của đạo diễn có tiếp cận được nguyện vọng, hơi thở và tâm tư tình cảm của công chúng trẻ hôm nay không. Đòi hỏi đạo diễn phải dấn thân, "liều" cả với những sáng tạo vì có thể thành công hoặc không...", ông Hà nhấn mạnh.

NSND Triệu Trung Kiên - giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam - cho rằng làm mới cải lương là nhu cầu cấp thiết và thường xuyên vì bản chất của cải lương là đổi mới. "Chúng ta phải xem giới trẻ hôm nay ưa thích cái gì, nghệ thuật gì du nhập mà khán giả trẻ đang ưa thích thì cải lương cũng phải tiếp cận. Làm sao để tác phẩm thuộc về con người hôm nay".

Nổi lên là một trong những đạo diễn hay tìm tòi đưa cái mới vào cải lương với các vở như Vương quyền, Vương đạo - Vua thánh triều Lê..., Lê Nguyên Đạt có cái được khen nhưng cũng có lúc bị chê, bị xem làm màu, và thậm chí có người nặng nề là "phá cải lương". Anh bày tỏ việc làm mới cũng có khó khăn vì người xem vẫn còn định kiến và làm mới sao cho hiện đại, vẫn giữ được truyền thống là không dễ. 

"Tôi không dám nói những cách thức tôi sử dụng là mới mà chỉ làm khác đi. Có thể ở những lĩnh vực khác hoặc trên thế giới đã có nhưng mình biết cách vận dụng vào cải lương thì sẽ có màu sắc lạ. 

Và đi theo con đường này, đạo diễn cần phải có sự kiên định và bản lĩnh, học hỏi nhiều, dám làm và từ từ rút kinh nghiệm. Tôi cũng mong mọi người đừng vội phán xét mà cần mở lòng với những người trẻ".

NSND Bạch Tuyết làm giám khảo Liên hoan cải lương toàn quốc - 2021 NSND Bạch Tuyết làm giám khảo Liên hoan cải lương toàn quốc - 2021

TTO - Tối 5-11, tại sân khấu của Đoàn nghệ thuật cải lương Long An (thành phố Tân An, tỉnh Long An) diễn ra lễ khai mạc Liên hoan cải lương toàn quốc - 2021. NSND Bạch Tuyết và 6 giám khảo khác nằm trong hội đồng nghệ thuật.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp