Điều này vừa được TS Đinh Mộng Kha, CEO VietGuys, kể cùng sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing (UFM) tại Ngày hội tuyển dụng tích hợp - Job Fair UFM mới đây.
Bà Kha nói nếu chỉ thuần marketing, phát triển kinh doanh, vận hành... các bạn hoàn toàn có thể học trong lúc làm. Với bà, bằng đại học tương đương sự nỗ lực, kỷ luật để có được mà không đánh giá bạn sẽ là ai sau này.
Bà kể đã gặp những người tốt nghiệp hạng ưu nhưng phong cách khá học thuật, sách vở. Họ không chấp nhận học điểm cao mà doanh nghiệp chỉ trả lương khởi điểm như vậy. Và cũng gặp nhiều bạn bằng cấp bình thường nhưng lại rất khiêm tốn học hỏi.
"Sẵn sàng làm không công, dành thời gian học việc khi chưa có kinh nghiệm đôi khi giúp bạn thêm những mối quan hệ có thể thay đổi cuộc đời" - bà Kha nói.
Làm gì để thuyết phục nhà tuyển dụng khi chưa có kinh nghiệm là câu hỏi rất được quan tâm. Ông Trương Anh Tuấn, giám đốc Vietcombank chi nhánh Kỳ Đồng, cho rằng tùy mỗi doanh nghiệp mà có thể chọn tuyển dụng các bạn có kinh nghiệm hoặc chưa. Tại đơn vị mình, ông Tuấn nói có đến 70 - 80% chưa có kinh nghiệm được tuyển cùng những người có kinh nghiệm là nhân viên xuất sắc từ các tổ chức khác.
"Các cụ nói "Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già". Tuyển dụng sinh viên chưa có kinh nghiệm có cái hay là các bạn như tờ giấy trắng và sẽ đào tạo phù hợp với văn hóa doanh nghiệp. Tôi cho rằng quan trọng nhất là đạo đức, tác phong làm việc. Đi làm chúng ta sẽ có kinh nghiệm, được kèm cặp sẽ dần trưởng thành" - ông Tuấn nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Lê Bảo Huyền, giám đốc nhân sự Sofitel Saigon hotel, cho rằng kinh nghiệm của sinh viên mới ra trường có thể xuất phát từ thực tập. Doanh nghiệp không trông đợi sinh viên mới ra trường biết làm mọi thứ. Kinh nghiệm chính là khi đi làm, bạn phải ý thức đưa bản thân vào môi trường mà ngay cả giờ ăn cũng cần đúng chứ không phải thích thì làm, thích thì ăn! Doanh nghiệp muốn nhìn thấy sự nghiêm túc và có những tiêu chuẩn buộc bạn phải theo.
Chưa kể sinh viên hoàn toàn có thể lựa chọn thời gian đi thực tập. Hầu như không có doanh nghiệp nào nói chỉ nhận sinh viên năm cuối. "Nhận sinh viên thực tập cũng là một nguồn đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp với mục tiêu hỗ trợ cộng đồng chứ không chỉ là lợi nhuận. Nên muốn đi thực tập lúc nào, ở đâu, ngành nghề gì tùy thuộc vào mục tiêu của mỗi người" - bà Huyền gợi ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận