14/11/2024 15:33 GMT+7

Làm hư hại hiện vật ở bảo tàng, bị xử lý sao?

Xử lý thế nào với khách tham quan bảo tàng vô ý hay cố tình làm hư hại hiện vật chỉ vì chụp một tấm ảnh selfie, thậm chí là vì… giận bạn gái?


Làm hư hại hiện vật ở bảo tàng, bị xử lý sao? - Ảnh 1.

Khách tham quan leo lên xe tăng hiện vật ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam ngày 10-11 - Ảnh: Tuấn T.T.

Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam vừa khai trương đầu tháng 11, thu hút lượng lớn khách tham quan. Tuy nhiên nhiều người bức xúc với hình ảnh phản cảm leo trèo lên xe tăng, máy bay, thậm chí leo lên nóc bảo tàng để quay phim, chụp ảnh đăng lên mạng xã hội lấy tiếng.

Chuyện khách tham quan bảo tàng làm hư hại hiện vật cũng được ghi nhận ở các nước.

Có lúc, khách tham quan vô tình làm hỏng hiện vật trưng bày, nhưng cũng có trường hợp phá hỏng hiện vật chỉ vì chụp một tấm ảnh selfie, hay thậm chí là vì… giận bạn gái.

Xử lý ra sao với những trường hợp này?

Phá hủy hiện vật trị giá 5 triệu USD vì... giận bạn gái

Tháng 6-2022, kênh KDFW đưa tin một người đàn ông 21 tuổi đã đột nhập Bảo tàng Nghệ thuật Dallas phá hủy các hiện vật cổ có tổng trị giá lên tới 5 triệu USD.

Người này khai làm vậy vì "giận bạn gái". Sau đó người đàn ông bị buộc tội phá hoại tài sản.

Tháng 8-2020, truyền thông thế giới cũng xôn xao việc người đàn ông Úc làm gãy ba ngón chân của một bức tượng 200 tuổi khi tham quan Bảo tàng Gipsoteca ở Possagno, miền Bắc nước Ý.

Băng ghi hình từ camera giám sát cho thấy người này đã nằm nhoài lên tượng để chụp ảnh, làm gãy chân tượng, rồi vội vàng bỏ về.

Cảnh sát nhanh chóng tìm được người này và ông ta đã thể hiện thái độ hối hận, viết thư xin lỗi. CNN lúc đó đưa tin tòa án đang xem xét có nên buộc tội ông ta hay không.

Fox News hồi tháng 8 năm nay đưa tin một em bé mẫu giáo đã vô tình làm bể một chiếc bình 3.500 tuổi khi tham quan một bảo tàng ở thành phố Haifa, Israel.

Chiếc bình có niên đại từ thời đại Đồ Đồng, khoảng từ năm 2.200 - 1.500 trước Công nguyên, trước thời các vua David và Solomon.

Hiện vật vô cùng quý hiếm này được trưng bày gần lối vào và không có hàng rào bảo vệ để người xem dễ quan sát.

Cậu bé kéo chiếc bình để xem bên trong, làm nó rơi và vỡ thành từng mảnh.

Bảo tàng đã ngay lập tức cử chuyên gia phục chế để khôi phục hiện vật. Và khi hoàn tất, nó sẽ được trưng bày lại ở vị trí cũ và tiếp tục không có rào chắn, bảo tàng này cho biết.

Cha mẹ bồi thường khi con làm hư hiện vật

Mặc dù có chuyện hiện vật bị hư hại ở bảo tàng, tuy nhiên có khá ít thông tin về chuyện xử phạt.

Trong một bài viết đăng trên Vice năm 2020, tác giả Satviki Sanjay lý giải: "Điều gì xảy ra nếu bạn vô tình làm hỏng một tác phẩm nghệ thuật vô giá trong bảo tàng?

Hóa ra, các trường hợp trước đây cho thấy câu trả lời là không có gì nghiêm trọng. Đó là trong trường hợp sự cố là vô tình - ngay cả khi có một chút sơ suất.

Các bảo tàng và phòng trưng bày hầu như luôn có bảo hiểm để bù đắp những thiệt hại như vậy, và những người điều hành bảo tàng đều hiểu rằng tai nạn có thể xảy ra".

Trong hầu hết các trường hợp gây hư hại tác phẩm nghệ thuật, phần lớn các bảo tàng hoặc chủ sở hữu tác phẩm đều không khởi kiện.

Hình phạt nặng nhất trong những tình huống như vậy thường chỉ là sự xấu hổ (của người phá hoại) và lệnh cấm quay lại bảo tàng.

Tuy nhiên năm 2018, cha mẹ của một bé trai 5 tuổi ở Kansas (Mỹ) đã nhận hóa đơn yêu cầu bồi thường 132.000 USD sau khi con trai họ làm ngã một bức tượng nghệ thuật được trưng bày trong sảnh trung tâm Tomahawk Ridge, Overland Park.

Công ty bảo hiểm cho rằng tác phẩm bị hư hại không thể sửa chữa và yêu cầu bồi thường, ABC đưa tin.

Mẹ của bé bức xúc nói rằng bức tượng cần được cố định tốt hơn.

Nhưng theo công ty bảo hiểm, cha mẹ đứa bé thiếu giám sát con để gây ra sự cố.

Theo luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM), Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã có các quy định nội bộ về việc tham quan.

Đó là tuyệt đối chấp hành mọi hướng dẫn của nhân viên bảo tàng; không tì tay lên kính, không chạm tay hay trèo lên hiện vật; khách tham quan phải chịu trách nhiệm nếu gây ra bất cứ tổn thất nào cho bảo tàng…

Việc vi phạm các quy định này tùy theo tính chất, mức độ mà hành vi vi phạm có thể bị xử lý theo quy định của bảo tàng, hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi làm hư hại hiện vật trong bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương.

Trường hợp làm hư hại nghiêm trọng hiện vật trong bảo tàng thì có thể bị phạt tiền từ 40- 50 triệu đồng (theo điểm a khoản 6, điểm e khoản 7 điều 20 nghị định 38/2021/NĐ-CP).

Trong trường hợp hành vi xâm phạm hiện vật gây ra hậu quả lớn, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (theo điều 178 theo Bộ luật Hình sự) với mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm tù.

Có thể bị buộc tội nếu làm hư hại hiện vật ở bảo tàng - Ảnh 4.Điều tra làm rõ clip cô gái trèo lên nóc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam quay phim

Một clip ngắn dài 8 giây ghi lại hình ảnh một cô gái cùng một người khác trèo lên nóc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam để quay phim, chụp ảnh những ngày qua lại khiến cộng đồng mạng bức xúc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp