07/07/2018 10:03 GMT+7

Làm hồ sơ giả để vào học Đại học Y dược TP.HCM

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM vừa công bố quyết định xóa tên, buộc thôi học đối với H.B.T. (sinh viên năm 2 khoa y tế công cộng) vì đã làm hồ sơ giả để được theo học diện cử tuyển ở trường này.

Làm hồ sơ giả để vào học Đại học Y dược TP.HCM - Ảnh 1.

Ngành y - dược là một trong những ngành thường bị kẽ hở của chính sách để đi học, không chỉ ở bậc ĐH. Trong ảnh: một góc Trường ĐH Y dược TP.HCM, nơi đã phát hiện tám vụ làm hồ sơ giả từ tỉnh Bình Phước - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Đây không phải là trường hợp sinh viên diện cử tuyển duy nhất bị Trường ĐH Y dược TP.HCM buộc thôi học, trong hai năm học qua nhà trường đã xử lý đến tám sinh viên. Tất cả những trường hợp này đều là sinh viên diện cử tuyển của tỉnh Bình Phước.

Làm giả từ học bạ đến bằng tốt nghiệp THPT

Theo đơn tố cáo, H.B.T. từng tốt nghiệp THPT năm 2012 tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, thi rớt đại học, theo học Trường CĐ Y tế tỉnh Bình Định. 

Trong thời gian theo học tại trường này, H.B.T. nợ nhiều môn nên không được tốt nghiệp. Đến năm 2016, H.B.T. lại được cử tuyển vào học đại học tại Trường ĐH Y dược TP.HCM mang hộ khẩu tỉnh Bình Phước.

Sau khi phát hiện sự việc, Trường ĐH Y dược TP.HCM đã mời sinh viên H.B.T., đại diện Công an tỉnh Bình Phước và PA83 Công an TP.HCM đến làm việc nhưng H.B.T. phủ nhận toàn bộ và xuất trình hai giấy CMND (một do Công an tỉnh Bình Phước cấp và một do Công an tỉnh Bình Định cấp). Sau đó, đại diện cán bộ Công an tỉnh Bình Phước tiến hành thu thập hồ sơ và xác minh vụ việc.

Qua xác minh vụ việc của Công an tỉnh Bình Phước, H.B.T. thường trú tại Bình Định, cha hiện là cán bộ y tế huyện Tây Sơn (Bình Định). 

Liên quan đến việc H.B.T. được UBND tỉnh Bình Phước cử tuyển đi học tại Trường ĐH Y dược TP.HCM, kết quả điều tra cho thấy sinh viên này đã làm hồ sơ giả, từ hộ khẩu, học bạ THPT... đều thể hiện là học sinh tỉnh Bình Phước.

"Trường ĐH không kiểm soát nổi"

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết: "Đối với tuyển sinh theo hình thức cử tuyển, nếu lợi dụng kẽ hở của chính sách, cố tình sai phạm thì các trường ĐH cũng không thể kiểm soát nổi. 

Tất cả những trường hợp thí sinh được nhà trường xét tuyển theo diện cử tuyển đều phải căn cứ theo các văn bản của địa phương theo quy định. Khi nào có đơn tố cáo nhà trường mới phối hợp với cơ quan công an, địa phương để xác minh" - ông Khôi nói.

Ông Khôi cho biết thêm: "Trường hợp này và các trường hợp trước đó nhà trường đều giải quyết bằng cách buộc thôi học và xóa tên khỏi danh sách sinh viên trường. 

Việc này đồng nghĩa với việc không công nhận kết quả học tập của các sinh viên này từ trước đến nay".

Trước đó, tháng 11-2016, hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM từng ra quyết định buộc thôi học đối với sinh viên Đ.H.H., ngành y khoa hệ chính quy vì sinh viên này không thuộc đối tượng tuyển sinh theo diện cử tuyển của tỉnh Bình Phước.

"Trường hợp sinh viên này nhà trường cũng nhận được đơn tố cáo nên xác minh làm rõ và đã phát hiện sai phạm" - ông Khôi cho hay.

Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM đã từng ký quyết định buộc thôi học từ năm 2016-2017 đối với sáu sinh viên thuộc diện cử tuyển của tỉnh Bình Phước.

Giả mạo danh sách cử tuyển?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước (thôi công tác quản lý từ tháng 3-2018), cho hay Công an tỉnh Bình Phước đang thụ lý hồ sơ điều tra việc giả mạo hồ sơ, quyết định của UBND tỉnh để đưa một số trường hợp đi học cử tuyển ở các trường ĐH.

"Trước đây có tình trạng một số người làm giả nội dung quyết định về việc cử tuyển học sinh đi học ĐH, CĐ của UBND tỉnh bằng cách kèm theo một danh sách.

Tuy nhiên danh sách này đóng dấu treo thay vì phải đóng dấu giáp lai theo quy định. Còn thông tin cụ thể về vụ việc này, ai làm giả mạo danh sách cử tuyển... đang được công an điều tra làm rõ" - ông Hùng cho biết thêm.

Trong khi đó ông Hồ Trọng Đường, phó giám đốc Sở GD-ĐT Bình Phước, cũng khẳng định sinh viên H.B.T. không phải là học sinh tỉnh Bình Phước và Sở GD-ĐT tỉnh này cũng không cấp bằng tốt nghiệp THPT cho học sinh này.

"Vụ việc này cũng như các vụ trước đây về giả mạo hồ sơ cử tuyển đang được công an điều tra" - ông Đường nói.

Làm hồ sơ giả 'chạy' vào trường điểm?

TT - 1.000 USD vào Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM; 500 USD vào Trường Thực nghiệm sư phạm, Q.5. Giá đã được “định sẵn”, phụ huynh giao tiền trước 100% khi nộp hồ sơ và về nhà... chờ kết quả.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp