05/07/2018 09:47 GMT+7

Làm giàu nhờ cây sâm biển

Mậu Trường
Mậu Trường

TTO - Từ một loại rau mọc tự nhiên trên giồng cát bên bãi biển, người dân huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đã tìm cách thuần hóa, nhân giống để sử dụng và bán ra thị trường cho thu nhập cao.

Làm giàu nhờ cây sâm biển - Ảnh 1.

Mỗi ngày bán lẻ rau sâm biển ngoài chợ, chị Nguyễn Thị Mai, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre thu về khoảng 300.000 đồng - Ảnh: Mậu Trường

Vài năm trở lại đây, trong các buổi trưng bày sản phẩm khởi nghiệp ở tỉnh Bến Tre, rất dễ bắt gặp hình ảnh một rổ rau khá lạ lẫm nằm trang trọng trên kệ. Đó là rau sâm biển vốn rất quen thuộc với những người dân làm nghề biển nhưng trên thị trường chưa xuất hiện nhiều.

Kiếm tiền từ cây mọc hoang

Làm giàu nhờ cây sâm biển - Ảnh 2.

Chị Lê Thị Kim Hên, 42 tuổi, cho biết khoảng gần 1 công đất, nếu cắt rau kịp có thể cho thu nhập nửa triệu đồng mỗi ngày - Ảnh: Mậu Trường

Sản phẩm bản địa thích ứng biến đổi khí hậu

Ngoài giá trị truyền thống, cây sâm biển cho giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập nông dân nghèo. Tôi nghĩ vấn đề quan trọng hơn là mở ra hướng đi lớn kết hợp giữa giá trị bản địa truyền thống và giá trị hiện đại qua chế biến, chiết xuất và làm tăng thêm giá trị cây sâm biển mà Công ty cổ phần Sa Sâm Việt tham gia. Đồng thời, chính quyền địa phương suy xét và đưa kế hoạch phát triển cây sâm biển tại địa phương để làm sao mỗi làng sẽ có một sản phẩm, giúp dân có cuộc sống ổn định phát triển bền vững.

PGS TS Nguyễn Văn Sánh - Chuyên gia phân tích chính sách ĐBSCL

Gia đình chị Lê Thị Kim Hên, ngụ xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú có một vuông nuôi tôm nằm sát biển. Từ nhiều năm trước, mỗi lần có tàu đánh cá đi vào bờ ngang qua vuông của chị là thế nào cũng ghé vào để xin vài rổ rau sâm biển về để nấu ăn.

Tuy nhiên, cây rau này nhiều năm nay khi cần thì người dân hái ăn, nấu nước uống chứ không khai thác với mục đích kinh tế. Thậm chí, nhiều người xem đây là loại cây dại nên đào bỏ.

Thấy nhu cầu người sử dụng có, cách đây khoảng 2 năm chị thử đem ra bán và rao bán trên mạng. Sau vài tuần, khách hàng của chị đông hơn và phản hồi tốt nên toàn bộ đất trồng khoảng 1 công xung quanh vuông tôm gia đình chị mở rộng diện tích sâm nhưng không đủ bán.

Còn gia đình chị Nguyễn Thị Mai ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú cũng đến với nghề trồng sâm một cách tình cờ. Ban đầu, xung quanh vườn nhà chị nằm sát biển cây sâm mọc rất nhiều. Một lần có khách ghé nhà chơi, không kịp chuẩn bị từ trước nên chị đã hái rau sâm để đãi khách. Ai ngờ khách tấm tắc khen ngon với loại rau đặc sản này.

Sau một thời gian hái rau tự nhiên để bán, khách ngày càng đông mà lượng rau ít dần nên chị quyết định mở rộng diện tích lên 3 công.

Khoảng 2 năm kể từ khi loại rau này có mặt tại các chợ nhỏ, chợ lớn và các buổi trưng bày, đến nay đã có hàng chục hộ gia đình ở hai xã Thạnh Hải,

Thạnh Phong thuộc huyện Thạnh Phú trồng loại rau sâm biển này để bán. Hiện mỗi ký rau sâm được bán trên thị trường với giá từ 30.000 đồng - 40.000 đồng.

Mở rộng quy mô

"Loại rau này rất dễ chế biến. Ăn với lẩu, ăn sống thậm chí nấu một tô mì tôm mà có cọng rau này cũng ngon hơn. Hơn nữa, loại rau này không cần phân bón, tưới tiêu nên hoàn toàn sạch, có nhiều người ưa dùng

Chị Lê Thị Kim Hên, ngụ xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, Bến Tre

Ông Trương Thanh Hải, Trưởng phòng NN-PTNT H.Thạnh Phú, cho biết trước mắt, huyện sẽ hỗ trợ xúc tiến thêm nhiều kênh tiêu thụ để bà con có được đầu ra tốt hơn. Về lâu dài, nếu doanh nghiệp nào đầu tư vào lĩnh vực trồng, chế biến loại rau này, huyện sẽ làm cầu nối để doanh nghiệp mua lại sản phẩm rau sâm biển từ vườn của bà con để chế biến, sản xuất.

Mới đây, Công ty cổ phần Sa Sâm Việt đã xây dựng vùng nguyên liệu trồng sâm ở huyện Thạnh Phú. Ông Phù Tường Nguyên Dũng (TP. Bến Tre) - giám đốc công ty, cho biết trong những lần về huyện Thạnh Phú, thấy cây sâm đất khắp nơi nhưng không thấy ai trồng để phục vụ khách du lịch nên ông đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực này.

Hiện công ty này đã xây dựng hoàn thiện quy trình nhân giống, trồng theo hướng hoàn toàn hữu cơ, khu thực nghiệm hiện nay được 1,5ha. Tới đây, công ty sẽ nhân rộng mô hình ra người dân, dự kiến khoảng 20ha, thuộc khu vực ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Hải để xây dựng chuỗi cung ứng, chỉ dẫn địa lý cho làng Sâm Việt và phát triển du lịch. Qua đó đưa thương hiệu này trở thành một sản phẩm đặc thù, là sản vật của địa phương.


Mậu Trường
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp