Hai con sư tử bằng đồng, mỗi con ngồi trên 8 đồng xu may mắn, đặt ở lối vào tòa tháp Canary Wharf, còn gọi tháp HSBC London, nhằm mang lại sự thịnh vượng và may mắn cho ngân hàng và khoảng 8.000 viên của họ đang làm việc tại đây.
Nhưng vận mệnh của tòa nhà đang thay đổi.
Không ai muốn mua cái "xác" này nữa!
Không có người thuê, chủ sở hữu tòa tháp - Quỹ tài sản có chủ quyền của Qatar - đang gặp khó khăn trong việc tìm người thuê cần nhiều không gian như vậy, theo Hãng tin Bloomberg.
Nhưng không phải chỉ có một mình tòa tháp Canary Wharf, nhiều nhà đầu tư bất động sản thương mại cũng đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan tương tự.
Với thế giới hậu đại dịch, một tòa tháp 45 tầng, cao 200m có thể trở thành một câu hỏi hóc búa: Phải làm gì với nó khi không ai thuê?
Triển vọng của những tòa nhà văn phòng trở nên tồi tệ đến mức một số nhà đầu tư chỉ muốn mua mảnh đất của tòa tháp hơn "xác" tòa tháp xây trên đó.
Trước thực trạng trên, gần đây thành phố New York đã triển khai kế hoạch thay đổi các quy tắc phân vùng cho Midtown Manhattan, để cho phép nhiều tòa nhà văn phòng được chuyển đổi thành căn hộ.
Chuyển đổi thành nhà ở, không đơn giản
Hãng tin Bloomberg ghi nhận ý kiến chung của các chuyên gia đô thị: Kết quả hợp lý nhất có thể là một sự chuyển đổi - biến tòa tháp thành chỗ ở cho sinh viên hoặc những người khác, thay vì bị phá bỏ.
Đó dường như là một giải pháp thuận tiện cho 3 vấn đề phát sinh của London.
Đầu tiên, nhu cầu dài hạn về không gian văn phòng đã bị suy giảm do đại dịch, trong đó London ước tính có 60 tòa nhà văn phòng bỏ trống trong năm 2022.
Thứ hai, do cuộc khủng hoảng nhà ở, Anh thiếu tới tới khoảng 4,3 triệu căn hộ.
Cuối cùng, chủ nhà đang được khuyến khích tái sử dụng hoặc tái sửa chữa các tòa nhà thay vì phá bỏ.
Những câu chuyện thành công được đưa ra làm ví dụ, chẳng hạn tháp Parker, một khối văn phòng bê tông được xây dựng từ những năm 1960 ở Covent Garden ở London, sau khi được cải tạo toàn diện và mặt tiền mới, hiện đã được chuyển đổi thành nhà ở.
Một ví dụ khác là Leon House, một tòa nhà văn phòng 20 tầng ở quận Croydon được biến thành 263 căn hộ.
"Nhưng không phải lúc nào cũng có thể chuyển đổi dễ dàng. Tiền đâu để làm? Cấu trúc tòa nhà có sửa được?". Robert Sloss, giám đốc điều hành của HUB, một nhà phát triển đang biến khu văn phòng trị giá 30 triệu bảng Anh (39 triệu USD) những năm 1950 ở thành phố Luân Đôn thành căn hộ, đặt vấn đề.
“Mặt khác, không phải mọi tòa nhà đều có thể chuyển đổi thành nhà ở. Đó không phải là liều thuốc chữa bách bệnh cho mọi văn phòng không còn tồn tại", ông nói tiếp.
Sửa đổi cấu trúc một tòa nhà văn phòng sang nhà ở, không hề đơn giản như chỉ xây lại các bức vách. Nó còn liên quan đến sự thoáng khí, ánh sáng, các công trình vệ sinh, công trình công cộng khác.
Ông Ben Clifford, phó giáo sư tại Trường Kế hoạch Bartlett - Đại học College London, cho biết quy mô khổng lồ của tòa tháp HSBC khiến nó khó có thể trở thành nhà ở.
Chưa kể mặt tiền của các tòa nhà văn phòng cũng có thể là một vấn đề. Lớp thủy tinh bao bọc mặt tiền có thể tạo ra một nhà kính quá nóng bên trong nhà vào mùa hè.
Tất nhiên, cấu trúc nào cũng có giải pháp sửa chữa nhưng khi nó tốn kém bằng xây dựng mới thì sửa có phải là giải pháp tốt không? Chẳng thế một số nhà đầu tư chỉ muốn mua miếng đất, sau đó phá hủy tòa nhà để xây dựng nhà ở mới.
Chủ tòa tháp HSBC, cơ quan đầu tư Qatar, đã không trả lời yêu cầu bình luận của Hãng tin Bloomberg.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận