19/02/2019 15:49 GMT+7

Làm gì khi thời tiết nắng nóng và tia cực tím cao?

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Bức xạ của của tia cực tím có thể gây bỏng da nếu tiếp xúc liên tục mà không có các biện pháp bảo vệ cơ thể.

Làm gì khi thời tiết nắng nóng và tia cực tím cao? - Ảnh 1.

Khi da tiếp xúc quá nhiều dưới ánh nắng cùng với cường độ tia cực tím cao sẽ bị bỏng da. Ảnh: TTXVN

Những ngày gần đây, tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam bộ đã xảy ra nắng nóng gay gắt kèm bức xạ của tia cực tím (UV) đo được rất cao (mức 10). Bức xạ này có thể gây bỏng da nếu tiếp xúc liên tục trong 25 phút mà không có các biện pháp bảo vệ cơ thể.

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, trong 2 ngày tới, thời tiết tại TP Hồ Chí Minh và khu vực Nam bộ tiếp tục có cường độ nắng cao. Đi cùng với nắng nóng, bức xạ tia UV cũng tăng cao, dao động mức 9 và 10. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ số UV cao nhất là 11+ (quá cao) có thời gian gây bỏng là 10 phút tiếp xúc liên tục; chỉ số UV mức 8 – 10 (rất cao) có thời gian gây bỏng là 25 phút tiếp xúc liên tục.

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, trưởng khoa ung bướu Bệnh viện quận Thủ Đức, cho biết bức xạ tia cực tím (Ultraviolet radiation) là một thành phần của ánh nắng mặt trời, trong đó tia cực tím A và B (UVA và UVB) có thể gây tổn thương ADN của tế bào da. Khi tiếp xúc quá nhiều dưới ánh nắng, da sẽ bị bỏng, khô, sạm, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm nhanh lão hóa và có thể gây ung thư da. Ngoài ảnh hưởng trên da, tia cực tím còn có thể gây các vấn đề cho mắt như cườm,…

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ cho biết: khoảng thời gian từ 10-16 giờ là thời điểm nắng gắt nhất, nếu không cần thiết người dân nên tránh ra đường. Còn khi ra đường nên dùng trang phục có thể che chở cho da càng nhiều càng tốt; đồng thời dùng nón, mũ che phủ đầu, mặt...

Còn bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Văn Minh, phụ trách phòng khám da liễu Bệnh viện Đại học Y Dược, cho biết cách đơn giản nhất là nên đội mũ rộng vành hơn 2,5cm, phủ được 2/3 khuôn mặt; sử dụng ô, đeo mắt kính màu sậm, màu đen, bịt kín khẩu trang. Khẩu trang nên chọn loại phủ kín mặt, chừa 2 mắt đeo kính, sử dụng màu đen, sậm (có tác dụng chống nắng 90%, khẩu trang màu sáng chỉ có tác dụng chống nắng 60%), khẩu trang phải dày, dệt chéo. Khẩu trang y tế màu xanh chỉ có tác dụng cản bụi, không có tác dụng chống nắng.

Bên cạnh đó, nên dùng các sản phẩm chống nắng như kem, lotion, dạng xịt… để bảo vệ các vùng cơ thể không được quần áo che phủ như mặt, môi, cánh tay, bàn tay… lưu ý phải thoa kỹ để che hết. Nếu chị em dùng kem chống nắng kết hợp với mỹ phẩm thì thoa kem chống nắng trước, trang điểm sau. Khi cơ thể ra nhiều mồ hôi cũng nên thoa lại. Trước khi mua, phải đọc kỹ xem có đúng là sản phẩm dùng để chống nắng hay không với chỉ số bảo vệ ánh nắng (SPF) từ 30 trở lên.

"Khi sử dụng kem chống nắng cần lưu ý thoa trước 15 – 20 phút trước khi đi ra ngoài nắng. Kem chống nắng chỉ có tác dụng 2 – 3 tiếng, sau đó cần rửa mặt và thoa lại kem mới để có tác dụng bảo vệ tốt. Nếu để kem chống nắng tồn tại trên da quá lâu mà không thoa lại sẽ càng dễ gây ra bắt nắng. Đối với những người làm việc tại môi trường biển, ẩm ướt hay ra nhiều mồ hôi, cần sử dụng kem chống nắng chống thấm nước, hoặc cứ 1-1,5 tiếng phải thoa lại kem một lần. Tuy nhiên, kem chống nắng sẽ có tác dụng phụ như gây kích ứng da, thoa quá kỹ có thể làm mất hấp thụ vitamin D", bác sĩ Minh hướng dẫn.

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ còn lưu ý thêm: Phụ huynh chú ý bảo vệ đặc biệt cho trẻ em, do da của trẻ nhạy cảm hơn và thời gian tiếp xúc với ánh nắng còn kéo dài hơn người lớn, tuy nhiên không nên quá sợ tác hại của ánh nắng mà hạn chế các hoạt động ngoài trời của trẻ.

Các chuyên gia về dinh dưỡng cũng khuyến cáo với thời tiết nắng nóng, ngột ngạt, cơ thể mất nhiều nước khiến nhiều người có cảm giác mệt mỏi, chán ăn, nhất là với trẻ em và người già... Để chống mất nước cho cơ thể, nhất thiết phải bổ sung thêm nước cho cơ thể, nếu bình thường nhu cầu nước khoảng 1 lít/ngày thì ngày hè nhu cầu nước có thể tăng thêm khoảng 1,5 đến gần 2 lít/ngày. Lưu ý khi uống nước cần uống chậm rãi, từ từ từng ngụm một.

Bên cạnh đó, trong những ngày nắng nóng, cần bổ sung đủ các dưỡng chất và cân bằng, bảo đảm tính đa dạng của thực phẩm. Nắng nóng thực phẩm dễ ôi thiu, biến chất do nhiễm khuẩn và nhiệt độ môi trường cao, người dân cần chọn mua thực phẩm tươi, sạch. Các loại thực phẩm như thịt, tôm, cá,… khi mua về nên rửa sạch, đựng từng loại bằng túi ni lông hoặc hộp riêng rồi để vào tủ lạnh, rau quả để vào ngăn mát của tủ lạnh.

Vào thời tiết này, về nguyên tắc, các nhà dinh dưỡng khuyên bạn nên ăn đủ chất, nhưng hạn chế chất béo vì cung cấp nhiều năng lượng không cần thiết và dễ gây béo phì, tăng cường hoa quả và uống nhiều nước./.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp