Học viên Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An, quận 5, học nghề nấu ăn. Mỗi học viên ở trung tâm này bắt buộc phải chọn học một nghề và được miễn học phí khi học nghề - Ảnh: MINH HOÀNG
Nhàn, sinh viên năm hai Trường ĐH Sài Gòn, kể: "Bố mẹ tôi hoang mang, lo lắng rằng gia đình tôi lấy tiền đâu cho em trai đi học trường tư thục. Tôi đang thuyết phục cả gia đình cho em đi học nghề, vừa được miễn học phí 100% mà sau hai năm em đã có được cái nghề, đi làm kiếm tiền để phụ giúp gia đình".
Ông Lê Hoài Nam, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, thông tin: "Tổng chỉ tiêu vào lớp 10 các trường THPT ngoài công lập, trường nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên ở TP.HCM cao hơn rất nhiều số thí sinh rớt lớp 10 công lập năm nay.
Hiện các trường nghề đã cải tiến rất nhiều, không chỉ điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp mà các trường còn bổ sung rất nhiều trang thiết bị thực hành hiện đại.
Chưa kể, đối với học viên vừa mới học hết chương trình THCS còn được miễn học phí 100% khi đăng ký học nghề".
Tương tự, các trung tâm giáo dục thường xuyên ở TP.HCM cũng đang đổi mới để thu hút học viên theo hướng hội nhập.
"Ngoài chương trình chính khóa với các môn do Bộ GD-ĐT quy định, trung tâm chúng tôi còn mở các lớp dạy tin học để học viên lấy chứng chỉ quốc tế, học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ, tăng cường tập luyện thể thao với ba môn cầu lông, bóng rổ, võ tự vệ.
Học viên còn được học miễn phí một trong các nghề như: hướng dẫn du lịch, tin học ứng dụng, cơ điện tử, chăm sóc sắc đẹp & tạo mẫu, logistics, quản lý và bán hàng siêu thị, kế toán. Đến lớp 11 là học viên đã có bằng nghề.
Hết lớp 12 thì các em thi tốt nghiệp THPT chung với học sinh hệ phổ thông và bằng tốt nghiệp THPT có giá trị như nhau" - ông Đỗ Minh Hoàng, giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An, quận 5, cho hay.
Ông Trần Nguyên Thục - hiệu trưởng Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật quận 12, TP.HCM - cho biết: "Tôi cho rằng điều quan trọng nhất phụ huynh nên chuẩn bị cho con em mình khi chọn học nghề sau khi học hết lớp 9 đó chính là tâm lý tự tin, tự hào khi vào học ở trường nghề.
Rằng đó là một lối đi riêng, chỉ sau hai năm là học viên đã có nghề, có thể đi làm và có thu nhập. Trường tôi còn liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên để dạy văn hóa cho học viên. Sau ba năm là học viên có thể lấy được bằng tốt nghiệp THPT như học sinh các trường THPT".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận