Tính từ cuối tháng 6, giá dầu Brent đã giảm đến 30 USD/ thùng, tức giảm hơn 25%. |
Tính từ cuối tháng 6, giá dầu Brent đã giảm đến 30 USD/ thùng, tức giảm hơn 25%. Đáng lưu ý hơn cả là gần phân nửa mức tuột giá này đã diễn ra chỉ trong hai tuần qua, khiến không thể không đặt câu hỏi: liệu đây đã “tới đáy” chưa hay mới chỉ là khúc dạo đầu?
Câu hỏi thường đặt ra trong trường hợp này là: liệu Saudi Arabia và rồi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ giảm sản lượng để giữ giá?
Có ý kiến cho rằng Saudi Arabia hiện bất cần, thậm chí còn mong giảm giá như thế để triệt tiêu các nỗ lực đầu tư khai thác dầu nội địa ở Mỹ.
Có ý kiến khác cho rằng Mỹ và Saudi Arabia đang bắt tay nhau để tấn công Nga và Iran về kinh tế - một vũ khí giấu mặt trong gói “trừng phạt” Nga.
Venezuela, một nước khai thác dầu xuất khẩu hàng đầu khác, cũng đang quở là Mỹ âm mưu phá giá để hại Venezuela...
Nhưng lúc này, ở hầu hết các nước khai thác dầu cũng đang đặt ra một bài toán bức bách: 1/ Thu ngân sách, thu ngoại tệ sẽ giảm đến đâu, và điều chỉnh ngân sách (năm tới) như thế nào? 2/ Quyết sách đối phó như thế nào?
Trên Foreign Policy ngày 17-10, nhà kinh tế Daniel Altman cảnh cáo rằng một số nước sản xuất dầu tiếc thay đã không chuẩn bị cho sự tuột giá này.
Ông nhấn mạnh: “Đối với các chính phủ phụ thuộc vào doanh thu dầu khí, giống như Nga, đó có thể là ngày phán xét cuối cùng. Các biến động gần đây về nhu cầu/ giá dầu và khí đốt mới chỉ là một sự báo trước “dạo đầu” thôi”...
Doanh thu từ bán dầu và khí đốt sẽ giảm trong vài thập kỷ tới, đặc biệt ở các nước không có khả năng tìm thấy nhiều dự trữ mới. Những ngành công nghiệp khác có liên quan đến dầu, chẳng hạn như hóa dầu và lọc dầu, cũng có thể bị ảnh hưởng.
Hiện có 20 quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ ít nhất cũng là phân nửa nguồn doanh thu ngân sách; 10 quốc gia khác phụ thuộc trong khoảng giữa một nửa và một phần tư. Các quốc gia này rõ ràng là dễ bị tổn thương trước những thay đổi lớn trong giá cả và lượng dầu khí có thể bán ra.
Trong số các nước đó, nước nào sẽ “ăn đòn” nhiều nhất?
Những nước như Qatar hiện chỉ tùy thuộc vào dầu hỏa chưa đến 1/5 GDP, không có mấy vấn đề, song những nước đang tùy thuộc vào nguồn thu từ dầu khí, đang thu thuế từ dầu khí sẽ rất vất vả khi thu nhập dầu khí bán được giảm. Tỉ như Nigeria với hơn 1/2 GDP từ dầu hỏa, Chad, Nga, Myanmar và Bờ Biển Ngà với tỉ lệ tùy thuộc là 40%.
Thế nhưng, câu chuyện vẫn chưa dừng ở đó. Một vấn đề khác được đặt ra là cho đến nay các nước thu nhập từ dầu hỏa đã làm gì với thu nhập đó.
Nhà kinh tế Daniel Altman nhận xét: “Nhiều nước vốn tùy thuộc nặng nề vào dầu hỏa lại đang cung ứng dịch vụ công một cách tệ lậu cho dù có thu nhập từ dầu hỏa”.
Đó là trường hợp Bờ Biển Ngà, Chad, Myanmar và Nigeria, đang xếp trong số 20% ở cuối bảng chỉ số quản trị quốc gia do Ngân hàng Thế giới thiết lập nhằm đo lường tính hiệu quả của các chính phủ.
Daniel Altman cảnh cáo: “Nếu như giá dầu và khí đốt tuột sâu mạnh hơn nữa, các nước này có lẽ sẽ suy sụp cùng nhau”.
Cả bốn nước trên cũng nằm trong danh sách các nước dễ thương vong nhất do Foreign Policy lập ra: Chad hạng 6, Bờ Biển Ngà hạng 14, Nigeria hạng 17, Myanmar hạng 24!
Trước một tương lai gần đầy đe dọa như thế, không chỉ cần điều chỉnh ngân sách mà cả “tư duy ngân sách” cùng hành vi sử dụng ngân sách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận