Người lớn tuổi nên sử dụng thiết bị thông minh ra sao để vừa nâng cao tinh thần vừa đảm bảo sức khỏe?
Cha mẹ "ôm" điện thoại từ sáng đến khuya
Kể từ ngày được hướng dẫn sử dụng mạng xã hội Facebook và Zalo, cuộc sống thường nhật của bà Phương Thanh (74 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) thay đổi rất nhiều.
Nếu trước đây điện thoại chỉ được bà dùng duy nhất cho việc nhắn tin, nghe gọi với các con đang làm việc ở xa, thì nay bà đã có thế giới riêng của mình.
Bà bắt đầu kết bạn Facebook, Zalo với nhiều người bạn đồng nghiệp cũ, họ hàng, bạn bè vốn đã lâu không gặp hoặc rất ít gặp. "Sợi dây" kết nối cũng hình thành từ đó qua những cuộc trò chuyện, chat, chia sẻ hình ảnh, bình luận trên các bài viết của bạn bè...
Vì thế bà Thanh "ôm" điện thoại nhiều hơn. Thời gian rảnh là bà mở điện thoại lướt Facebook, Zalo, xem các bài viết, dần dà xem video, quảng cáo bán hàng. Tối ngủ không được bà cũng mở điện thoại ra xem.
Hậu quả là bà ngày càng khó ngủ hơn, phải đến bệnh viện thăm khám và được bác sĩ khuyến cáo hạn chế dùng thiết bị điện tử khi không thực sự cần thiết.
"Bên cạnh vấn đề sức khỏe, tôi cũng bị làm phiền nhiều hơn bởi các quảng cáo bán hàng trên mạng, song song với các tin nhắn thông báo liên hồi trên điện thoại. Tôi cảm thấy rất phiền phức và bực mình, nhưng bỏ lại không đành", bà Thanh than phiền.
Anh H.T. (36 tuổi, TP.HCM) cho biết gia đình có mẹ già 76 tuổi, thời gian gần đây anh mua cho bà chiếc điện thoại thông minh có nhiều ứng dụng hơn để tiện kết nối giữa các thành viên.
Thế nhưng từ ngày có điện thoại mới, mẹ anh ít giao lưu với hàng xóm xung quanh, thời gian tập luyện thể thao cũng ít dần. Thay vào đó, bà thường xuyên sử dụng điện thoại để lên mạng xem phim, gọi điện thoại với bạn bè.
"Có hôm tôi thấy mẹ thức khuya để lên mạng nói chuyện điện thoại với bạn bè hoặc coi phim nên rất lo lắng. Dùng thiết bị điện tử nhiều có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bà", anh T. nói.
Sử dụng đúng để không gây hại
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - trưởng khoa nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) - cho hay người lớn tuổi có thể sử dụng mạng xã hội để liên lạc với những người bạn đã mất liên lạc, với người thân sinh sống ở xa.
Họ thậm chí có thể tham gia các hội nhóm của người chung sở thích, mối quan tâm, điều này khiến họ cảm thấy bớt cô đơn.
Thông qua trò chơi giải đố, ứng dụng luyện tập não bộ, người lớn tuổi có thể giữ cho não bộ nhạy bén. Việc học những kỹ năng công nghệ mới, truy cập các trang báo để đọc thông tin hay đăng video lên Facebook cũng giúp cải thiện sức khỏe tinh thần, trí nhớ và nhận thức.
Hiện nay thế giới đã có những hướng dẫn rõ ràng về thời lượng sử dụng thiết bị điện tử ở trẻ em, nhưng không có con số nào được khuyến cáo cho người lớn. Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng rõ ràng rằng dành quá nhiều thời gian dùng thiết bị điện tử gây hại đến sức khỏe.
Các chuyên gia đều đồng thuận người lớn tuổi nên giới hạn thời gian sử dụng thiết bị công nghệ dưới 2 giờ mỗi ngày.
Để giảm mỏi mắt, hiệp hội nhãn khoa mắt cũng đưa ra quy luật 20-20-20, tức sau 20 phút sử dụng, nghỉ 20 giây nhìn vào một vật cách xa 20 feet (6m).
Nếu ngồi một tư thế nhiều giờ liền thì nên đứng hoặc giãn cơ thường xuyên, hoặc nghỉ giải lao, giúp cơ thể giải tỏa căng thẳng và tránh tư thế sai.
Bên cạnh đó không nên sử dụng thiết bị điện tử trước thời điểm ngủ từ 1 - 2 giờ, có thể thay bằng các hoạt động khác như đọc sách. Việc giảm tác động từ ánh sáng xanh cũng sẽ giúp cải thiện các rối loạn về giấc ngủ.
Theo bác sĩ Nghĩa, ngoài thời gian sử dụng thiết bị điện tử, người lớn tuổi nên tham gia các hội nhóm chung sở thích, giữ liên lạc với người thân và bạn bè, suy nghĩ tích cực.
Duy trì lối sống giảm căng thẳng bao gồm tập thể lực, ăn uống lành mạnh và các bài tập thư giãn (hít thở sâu, thiền), ngủ nghỉ đầy đủ, đi khám sức khỏe định kỳ hoặc khi có biểu hiện bất thường để có thể duy trì một cuộc sống khỏe mạnh và chất lượng.
Bác sĩ Trần Duy Tâm - Bệnh viện Tâm thần (TP.HCM) - cho hay việc sử dụng Internet và máy tính đã ăn sâu vào xã hội đương đại, thay đổi lối sống nhiều hơn bất kỳ phương tiện công nghệ nào.
Nghiện Internet có thể gây ra nhiều tác hại cả về thể chất lẫn tinh thần: đau nhức cơ thể, hội chứng ống cổ tay, mất ngủ, các vấn đề thị lực, tăng/giảm cân. Những ảnh hưởng về cảm xúc có thể bao gồm: trầm cảm, không trung thực, lo lắng, cô lập xã hội, hung hăng và cảm xúc không ổn định.
Đối với người lớn cần hài hòa giữa hoạt động giao tiếp, sinh hoạt thể chất, giải trí ngoài trời. Cải thiện cuộc sống vợ chồng, điều chỉnh sự thiếu hài hòa trong tình dục. Hạn chế sử dụng Internet vào những thời điểm nhất định trong tuần để giảm nguy cơ nghiện.
Gia đình cần dành nhiều thời gian cho người lớn tuổi
Bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa khuyên các thành viên trong gia đình nên dành thời gian cho người cao tuổi, khuyến khích họ tham gia du lịch, đi chùa hay nhà thờ, mua sắm, thăm họ hàng, bạn bè, tích cực tập luyện thể thao, từ đó gắn bó hơn với gia đình và xã hội, được thể hiện bản thân và giúp đỡ mọi người.
Tuy nhiên nếu những nỗ lực này từ phía gia đình thất bại, có thể người cao tuổi đang có những vấn đề về mặt tâm lý, tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm... và cần được thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên sâu để được đánh giá và can thiệp phù hợp.
Nếu không nhận được sự chữa trị kịp thời, tình trạng có thể diễn tiến nặng nề hơn, khó điều trị, gây tàn phế về mặt chức năng, ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, thậm chí thúc đẩy diễn tiến của các bệnh lý nền như sa sút trí tuệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận