29/04/2018 13:23 GMT+7

Làm gì khi bị bôi nhọ trên mạng?

Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC (Đoàn luật sư TP.HCM)
Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC (Đoàn luật sư TP.HCM)

TTO - Khi bị xúc phạm, vu khống trên mạng xã hội, nhất là Facebook, bạn sẽ làm gì? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng nhiều người còn rất bối rối trước tình huống này.

Làm gì khi bị bôi nhọ trên mạng? - Ảnh 1.

ra tòa buộc đối tượng vi phạm xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại do danh dự, uy tín bị xúc phạm là lựa chọn tốt nhất khi bị bôi nhọ trên .

“Tôi tin rằng nếu có nhiều người mạnh dạn khởi kiện, tòa án có nhiều bản án buộc người xúc phạm trên Facebook phải xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại thì những vụ xúc phạm, bôi nhọ trên mạng xã hội sẽ bớt đi. Những người muốn bêu xấu người khác cũng sẽ chùn tay, cộng đồng mạng sẽ sạch hơn, không còn những thứ văn hóa rác rưởi

Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC

Kiện nhau ra tòa

Câu chuyện hai giáo viên kiện nhau ra tòa vì bị nói xấu trên Facebook, vừa được TAND quận 2, TP.HCM đưa ra xét xử chiều 23-4-2018 đang làm xôn xao cộng đồng mạng mấy ngày qua.

Theo phán quyết của TAND quận 2, người bị kiện là một thầy giáo dạy văn phải xin lỗi công khai đồng nghiệp, bồi thường thiệt hại tổn thất về tinh thần, chi phí khắc phục hậu quả gần 20 triệu đồng.

Sự việc bắt đầu từ thầy giáo đăng dòng trạng thái trên Facebook cá nhân cho rằng kỳ thi môn ngữ văn giữa học kỳ 2 năm học 2016-2017 của trường bị lộ đề. Nội dung dòng trạng thái này nêu tên hai nữ giáo viên, ám chỉ hai người này làm lộ đề thi.

Chỉ trong thời gian ngắn, dòng trạng thái này được chia sẻ có hàng chục lượt, có hơn 60 lời bình luận nhằm vào hai cô giáo bị nêu tên.

Đáng chú ý, trong số những người tham gia bình luận có cả học sinh, giáo viên trong trường dùng nhiều lời lẽ khủng khiếp tới mức không ai nghĩ rằng người viết là nhà giáo hay học sinh cấp III.

Chỉ trong thời gian ngắn, sinh hoạt gia đình cô giáo bị xáo trộn, học trò dè bỉu, đồng nghiệp nghi ngờ, đi đâu, làm gì cũng bị dò xét, xỉa xói cứ như là tội phạm.

Tại phiên tòa, khi trình bày với HĐXX, một cô giáo còn suýt bật khóc khi nói chỉ vì dòng trạng thái sai sự thật đó mà vợ chồng cô suýt chút nữa chia tay nhau, con cái học hành sa sút nghiêm trọng.

Trường hợp của các cô giáo nêu trên không còn là chuyện hiếm trên mạng xã hội. Nhiều người có quan niệm Facebook là không gian ảo nên muốn nói gì thì nói, không cần biết, không cần quan tâm đến lời nói mình có làm tổn thương đến người khác hay không.

Với suy nghĩ như vậy, nhiều người chơi Facebook nói và viết bất chấp hậu quả.

Giáo viên nói xấu đồng nghiệp trên Facebook phải bồi thường 19 triệu

TTO - Viết trên trang cá nhân khẳng định đồng nghiệp đã làm lộ đề thi nhưng thực tế không có chuyện này, ông Trần Quang Huy bị tòa buộc phải bồi thường và xin lỗi công khai.

Khởi kiện là một ứng xử văn minh

Dạo quanh một vòng trên Facebook, điều dễ dàng nhận thấy là việc chửi bới, thóa mạ nhau không chỉ xảy ra ở người có trình độ thấp, mà rất nhiều trường hợp rơi vào thành phần trí thức, những người làm trong nhiều lĩnh vực được xã hội tôn vinh.

Việc lên mạng phát ngôn là quyền tự do ngôn luận của mỗi công dân, nhưng phát ngôn như thế nào vừa thể hiện ứng xử văn hóa vừa không vi phạm pháp luật không phải ai cũng làm được.

Có nhiều người lấy danh nghĩa tự do ngôn luận, đấu tranh chống tham nhũng để chửi bới, thóa mạ người khác một cách vô căn cứ. Cộng đồng mạng, nhiều người không nắm được vụ việc cũng nhảy vào bình luận cứ như là người trong cuộc.

Những anh hùng bàn phím này ngày một nhiều hơn và tỏ ra nguy hiểm hơn.

Trước tình trạng bị người khác xúc phạm vô căn cứ, có không ít người không dám phản ứng lại, không biết làm cách nào để tự bảo vệ mình.

Hiện pháp luật Việt Nam về cơ bản có đủ quy định để bảo vệ người dân khi bị xúc phạm, bôi nhọ trên Facebook. Vấn đề còn lại là họ sử dụng các công cụ pháp lý này sao cho hiệu quả trong việc đòi lại công bằng.

Một trong những công cụ hiệu quả nhất là khởi kiện đối tượng vi phạm ra tòa để buộc xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại. Thực tế cho thấy có nhiều trường hợp người bị xúc phạm trên Facebook được tòa tuyên thắng kiện.

Ngoài vụ cô giáo ở quận 2, trước đây TAND quận 2 từng xử một vụ kiện người vợ (đã ly hôn) bị chồng cũ tung ảnh nóng lên mạng. Tòa chấp nhận đơn khởi kiện và buộc người chồng cũ phải xin lỗi tại cơ quan thi hành án dân sự.

Giữa tháng 10-2017, TAND quận 10 thụ lý vụ một phóng viên kiện thầy giáo dạy học ở quận 1 đăng sai sự thật trên Facebook. Với những chứng cứ không thể chối cãi, thầy giáo đó chấp nhận thua kiện, phải xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại 15 triệu đồng.

Các địa phương khác cũng từng có những vụ kiện tương tự. Những bản án, quyết định của tòa án xử các vụ kiện trên là tiền lệ rất tích cực để người dân mạnh dạn kiện ra tòa khi thấy cần bảo vệ quyền lợi, danh dự, uy tín cho mình.

Khi phát hiện người khác xúc phạm mình trên mạng xã hội nói chung, người bị xúc phạm cần thu thập bằng chứng thông qua việc nhờ văn phòng thừa phát lại lập vi bằng. Việc lập vi bằng cần phải thực hiện ngay, nếu để lâu, việc thu thập bằng chứng sẽ khó khăn.

Sau khi lập vi bằng, người bị xâm phạm về uy tín, danh dự có thể tự mình hoặc thông qua luật sư làm đơn khởi kiện, yêu cầu người có hành vi xâm phạm phải xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại.

Bồi thường không quá 10 lần mức lương cơ sở

Theo quy định tại điều 592 Bộ luật dân sự 2015, người bị xâm hại được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, gồm các khoản sau: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định.

Người bị thiệt hại còn có quyền yêu cầu người gây thiệt hại bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần.

Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC (Đoàn luật sư TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp