27/08/2015 10:32 GMT+7

Làm gì giàu nhanh ở vùng nhiễm mặn?

VÂN TRƯỜNG - TRẦN MẠNH (vantruong@tuoitre.com.vn)
VÂN TRƯỜNG - TRẦN MẠNH ([email protected])

TT - Với mô hình lúa - tôm, nuôi cá chình và cá bống tượng, nhiều nông dân tại các vùng quanh năm bị nhiễm mặn ở ĐBSCL thắng lớn...

Nhân viên trại cá chình giống Hoàng Thông kiểm tra cá giống được ươm trong bể ximăng - Ảnh: TÙNG LÂM
Nhân viên trại cá chình giống Hoàng Thông kiểm tra cá giống được ươm trong bể ximăng - Ảnh: TÙNG LÂM

Với mô hình lúa - tôm, nuôi cá chình và cá bống tượng - hai loại cá sống tốt trong môi trường nước mặn, nhiều nông dân tại các vùng quanh năm bị nhiễm mặn ở ĐBSCL không những giữ được nghề trồng lúa mà còn làm giàu trên chính mảnh ruộng của mình.

Bộ NN&PTNT xác định đây chính là những mô hình chiến lược, bền vững tại vùng ĐBSCL trong tương lai gần, vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa giúp nông dân sống tốt với nghề trồng lúa.

Quay về với lúa mùa nổi

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang mới xây dựng trị giá hơn 700 triệu đồng, anh Lê Văn Nhỏ (xã Phước Long, huyện Phước Long, Bạc Liêu) cho biết là nhờ “lúa - tôm”. Gia đình anh Nhỏ có 3,2ha đất trồng lúa. Vụ vừa rồi anh trúng mùa với 10 tấn/ha, trừ chi phí anh còn lãi 80 triệu đồng, chưa kể 200 triệu đồng tiền lãi thu được từ tôm sú nuôi trên ruộng lúa. “Đây là năm thứ năm liên tiếp gia đình tôi trúng cả lúa lẫn tôm” - anh Nhỏ cho hay.

Không chỉ anh Nhỏ, đa số người dân trong khu vực này canh tác theo mô hình lúa - tôm đều có cuộc sống khá giả. Theo ông Dương Văn Núi - trưởng ấp Phước Thạnh, xã Phước Long, hiện 70% hộ dân trong ấp đã có nhà cửa khang trang nhờ mô hình lúa - tôm.

Còn chủ tịch UBND xã Dương Quốc Trung phấn khởi: “Cách đây năm năm xã tui có hơn 14% hộ nghèo, giờ chỉ còn hơn 4% nhờ mô hình lúa - tôm. Toàn xã có tới 4.700ha đất sản xuất theo mô hình này. Năng suất lúa đạt 6 - 10 tấn/ha, còn tôm đạt từ 120 kg/ha trở lên”.

Tương tự, người dân huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) cũng đang làm giàu từ mô hình lúa - tôm. Anh Nguyễn Hoàng Vũ (xã Vĩnh Lộc) cho biết mỗi vụ thu được gần 100 triệu đồng/ha lúa - tôm, trừ chi phí còn lãi gần 70 triệu đồng.

Theo ông Võ Văn Út - bí thư Huyện ủy Hồng Dân, huyện có hơn 100 người thu nhập hơn 1 tỉ đồng/năm từ mô hình lúa - tôm, còn số người thu vài trăm triệu đồng/vụ nhiều vô kể. Mô hình lúa - tôm không chỉ giúp nông dân bám ruộng mà còn làm giàu nhờ ruộng... bị nhiễm mặn!

Trong khi đó, nhiều nông dân vùng lũ tại ĐBSCL cũng quay về với giống lúa mùa nổi. Ông Nguyễn Văn Nào (xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, An Giang) cho biết khi nước trên thượng nguồn sông Mekong đổ về, hầu hết loại cây trồng đều không thể sống trong nước ngập, nhưng lúa mùa nổi thì khác.

Nước nổi tới đâu, thân lúa lại vươn dài tới đó. Khi nước rút, thân lúa hạ theo và nằm sát đất. Khi đó, ngọn lúa mới vươn thẳng lên để trổ đòng. Khi đồng ruộng đã khô vào những ngày giáp tết cũng là lúc người dân thu hoạch lúa mùa nổi. “Làm lúa mùa nổi nhàn lắm, chỉ cần gieo hạt xuống đất rồi để mặc cho chúng phát triển đến khi thu hoạch thì thôi” - ông Nào cho biết.

Theo anh Nguyễn Văn Ràng - cán bộ nông nghiệp xã Vĩnh Phước, do bị chuột phá hoại nên lúa mùa nổi chỉ đạt năng suất 1,5 - 2 tấn/ha, bằng 1/4 so với trồng lúa cao sản. Nhưng ngược lại giá bán loại lúa này khá cao và được các doanh nghiệp bao tiêu hết.

“Mùa năm ngoái, các công ty mua lúa mùa nổi tại nhà của nông dân với giá 12.000 đồng/kg, cao gấp hơn hai lần so với lúa thường” - anh Ràng cho biết.

Ông Lê Thanh Phong, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông thôn (ĐH An Giang), cho biết trong khi các thửa ruộng lúa cao sản sử dụng nhiều phân bón và thuốc trừ sâu hóa học khiến tôm, cá không sống nổi thì tại vùng lúa mùa nổi có rất nhiều cá theo dòng nước về sinh sôi, nảy nở. Do đó ngoài nguồn thu từ lúa, người dân còn có thêm nguồn lợi từ hải sản tự nhiên.

Ông Nguyễn Trung Hiếu (phải) - phó Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, Bạc Liêu - kiểm tra giống lúa một bụi trên địa bàn - Ảnh: V.TR.
Ông Nguyễn Trung Hiếu (phải) - phó Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, Bạc Liêu - kiểm tra giống lúa một bụi trên địa bàn - Ảnh: V.TR.

Đổi đời với nghề nuôi cá chình

Nhiều hộ dân tại Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng đã đổi đời nhờ nghề nuôi cá chình theo mô hình quảng canh cải tiến. Anh Nguyễn Hoàng Vũ (xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân) cho biết cá chình rất dễ nuôi, nước mặn cỡ 10%o cá vẫn sống tốt và càng ít bệnh.

Sau thời gian 18 tháng, cá chình có thể đạt 2 kg/con với giá bán gần 1 triệu đồng. Do thả nuôi xen kẽ nhiều lứa trong ao nên anh Vũ có cá thu hoạch bán thường xuyên.

“Trung bình mỗi năm tôi bán được 1 tấn cá, được hơn 400 triệu đồng. Ngoài ra còn được gần 100 triệu đồng từ lúa và tôm” - anh Vũ cho biết.

Anh Nguyễn Văn Hữu (xã Vĩnh Lộc, Hồng Dân) cũng cho biết vừa thu hoạch đợt đầu tiên 400 con cá chình, bán được gần 300 triệu đồng. Hiện dưới ao còn hơn 500 con sẽ thu hoạch trong một vài tháng tới.

“Nuôi cá chình khỏe mà lời nhiều hơn các loài cá khác. Tui thấy những người nuôi lâu năm ở đây ai cũng giàu lên rất nhanh vì ít nhất cũng lời 100%” - anh Hữu nói. Theo anh Hữu, chi phí đầu tư ban đầu nuôi cá chình không lớn, trong khi loài cá rô phi làm thức ăn cho cá chình nhiều vô kể, giá chỉ khoảng 7.000 đồng/kg.

Theo ông Út Nhỏ - chủ trại cá chình Hoàng Thông ở thị trấn Phước Long, huyện Phước Long (Bạc Liêu), cá chình rất khó sinh sản nhân tạo nên nguồn cung ít. Trước đây nguồn con giống chủ yếu mua từ miền Trung, do người dân bắt cá con bán.

Sau nhiều năm thử nghiệm, ông Út Nhỏ cho biết trại này đã ươm thành công giống cá chình đen Philippines, Đài Loan và cá chình bông VN, tỉ lệ hao hụt không đáng kể. Ngoài việc ươm cá giống cung cấp cho người dân các tỉnh ĐBSCL, trại cá chình này còn tổ chức nuôi cá thương phẩm quy mô lớn bằng kỹ thuật tiên tiến.

“Cá chình Nhật Bản rất ngon, giá cao nhưng chúng tôi chưa dám nuôi vì giá cá giống rất đắt. 1kg cá chình giống khoảng 5.000 con giá 21.000 USD. Cá chình Nhật nuôi dễ hơn cá chình bông VN, nhưng khó bán vì giá rất cao. Trong khi đầu ra của cá chình VN đã có, chỉ cần nuôi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nông dân làm giàu được rồi” - ông Út Nhỏ nói.

Anh Phạm Văn Trung (chủ một nhà hàng ở Q.1, TP.HCM) cho biết cá chình là một đặc sản không thể thiếu tại nhà hàng của anh, bởi phần lớn thực khách là người Nhật và Hàn Quốc, Trung Quốc rất thích ăn cá chình. Nguồn cá chình tại nhà hàng anh Trung chủ yếu mua từ trang trại Hoàng Thông.

Theo anh Trung, cơ hội xuất khẩu cá chình VN sẽ rất lớn nếu nuôi công nghiệp, giảm giá thành. Hiện nay giá cá chình VN vào khoảng 450.000 đồng/kg, quá cao so với cá chình Philippines và Indonesia (khoảng 300.000 đồng/kg).

“Nếu nuôi được cá chình Nhật Bản xuất khẩu càng tốt vì người Nhật rất thích ăn cá chình bản xứ. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là giá cá chình giống Nhật Bản rất cao, khoảng 100.000 đồng/con” - anh Trung nói.

Cá chình là loài cá quý hiếm trong Sách đỏ VN. Cá có thịt thơm, ngon và còn được xem là vị thuốc do hàm lượng đạm cao hơn thịt bò, thịt heo và trứng gà. Người Nhật ví cá chình là “sâm động vật”, còn người Trung Quốc xem cá chình như một loại “nhân sâm dưới nước” có tác dụng bồi bổ cơ thể.

Cá này sống được ở môi trường nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Thông thường cá sinh trưởng ở vùng nước ngọt, nước lợ, nhưng khi sinh sản thì tìm về biển.

VÂN TRƯỜNG - TRẦN MẠNH ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp