Trước áp lực bán tháo cổ phiếu thời gian qua, thị trường chứng khoán VN đã “bốc hơi” hơn 33 tỉ USD so với mức vốn hóa vào cuối năm 2019 - Ảnh: B.MAI
Chỉ tính riêng trên sàn chứng khoán TP.HCM, vốn hóa thị trường "bốc hơi" 756.000 tỉ đồng, tương đương mức sụt giảm 33 tỉ USD.
Sự sụt giảm đang diễn ra chẳng những "thổi bay" những phần trăm tăng trưởng ít ỏi của năm ngoái và hiện chỉ số còn thấp hơn cả mức của cuối năm 2018.
Cũng như thị trường chứng khoán tại nhiều quốc gia, sự lao dốc của chứng khoán VN thời gian qua được lý giải do tâm lý nhà đầu tư lo lắng với diễn biến phức tạp từ dịch COVID-19.
Nhiều cổ phiếu bị bán tháo
Anh Tùng, nhà đầu tư chứng khoán, cho biết dù được nhân viên môi giới khuyên chưa nên hành động trong thời điểm thị trường hoảng loạn, nhưng nhiều nhà đầu tư không khỏi sốt ruột khi nhìn vào đà bán tháo của thị trường.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn - giám đốc môi giới hội sở của Mirae Asset VN, việc thị trường liên tục lao dốc từ khi dịch bệnh đến nay chủ yếu do tâm lý bất an của giới đầu tư về nguy cơ diễn ra một cuộc khủng hoảng tài chính.
"Đặc biệt, nhóm cổ phiếu lớn (bluechip), được margin (giao dịch ký quỹ) ở mức cao bị bán tháo do giải chấp trong thời gian ngắn khiến thị trường chịu nhiều áp lực giảm điểm hơn", ông Tuấn nói.
Số liệu thống kê năm 2019 chỉ ra tổng dư nợ ký quỹ của thị trường chứng khoán VN tăng dần theo từng quý, đến cuối năm đạt hơn 55.100 tỉ đồng. Trong đó, Công ty chứng khoán (CTCK) Mirae Asset giữ vị trí cao nhất với hơn 7.007 tỉ đồng, tiếp đến là SSI nắm trên 5.286 tỉ đồng, chứng khoán TP.HCM giữ 4.681 tỉ đồng.
Các CTCK còn lại cũng có dư nợ ký quỹ khá cao, dao động từ 1.800 đến gần 3.000 tỉ đồng. "Đây là một "quả bom" tích tụ phía trên, thị trường càng đi xuống, nhà đầu tư cá nhân càng bán ra. Vào những phiên giảm mạnh, hàng loạt CTCK đều kích hoạt hoạt động bán tháo cưỡng chế càng như đổ thêm dầu vào lửa", ông Tuấn nhận định.
"Sợ hãi" chỉ làm thị trường xấu thêm
Ông Đặng Văn Thành, chủ tịch Tập đoàn TTC, cho rằng giá cổ phiếu trên thị trường hiện không phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp, kết quả kinh doanh, mà là tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư.
Giá giảm, nhà đầu tư cắt lỗ và giá càng giảm sâu, các khoản thế chấp ngân hàng hay margin tại các CTCK không còn đủ giá trị đảm bảo, dẫn đến tình trạng phải bù tiền mặt hoặc tài sản, khó khăn càng chồng chất", ông Thành phân tích.
Do đó, theo ông Thành, đã đến lúc các chủ thể trên thị trường chứng khoán ngồi lại với nhau, có giải pháp tình thế kịp thời để cứu thị trường chứng khoán.
Đặc biệt, các CTCK cần chủ động gặp gỡ các doanh nghiệp để tìm ra giải pháp như chứng thư bảo lãnh từ công ty mẹ, bổ sung các loại chứng khoán khác, tăng tỉ lệ margin...
"Tại thời điểm hiện nay, cần xử lý tâm lý bán tháo bởi áp lực phải bán chứng khoán chỉ làm tăng nguồn cung không cần thiết ra ngoài thị trường", ông Thành nói.
Theo các chuyên gia chứng khoán, để chặn tình trạng phải bán chứng khoán đang tạo áp lực tiêu cực cho thị trường, các CTCK cần có chiến lược riêng với từng khách hàng, áp dụng những giải pháp tình thế linh hoạt nhằm giúp thị trường tránh được kịch bản xấu hơn.
Chẳng hạn, có thể xem xét tăng margin có chứng thư bảo lãnh trong thời gian nhất định, thậm chí cho nhà đầu tư phân kỳ mua lại...
"Thay vì sợ hãi và hành xử theo tâm lý đám đông, tôi cho rằng nhà đầu tư nên bình tĩnh nhìn vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp để có những thông tin trung thực, nhằm có giải pháp bảo toàn số tài sản của mình thay vì đua nhau bán tháo sẽ làm tình hình càng xấu thêm", một chuyên gia khuyến cáo.
Theo chuyên gia Phan Dũng Khánh, ngoài những nỗ lực của các CTCK, cần có giải pháp hạn chế tác động xấu đến thị trường trong ngắn hạn và tập trung thúc đẩy thị trường trong dài hạn.
"Trước mắt nên có giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư, chẳng hạn như giảm 50% thuế cho nhà đầu tư chứng khoán, nhất là trong bối cảnh thị trường giảm sâu và nhà đầu tư thiệt hại nặng thời gian gần đây", ông Khánh nói.
Thời gian qua, Chính phủ đã công bố hàng loạt gói cứu trợ nền kinh tế, các ngân hàng triển khai các giải pháp hỗ trợ giảm lãi suất, giãn thời gian trả nợ vay cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng nguồn cung ngoại tệ ra thị trường để bình ổn tỉ giá...
Nhưng theo các chuyên gia, chỉ sự đồng hành từ Chính phủ là chưa đủ, mà cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nỗ lực, hợp sức vượt qua khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận