11/08/2019 13:05 GMT+7

Làm gì để trường cao đẳng không 'đứt bóng'?

HÀ BÌNH - MINH GIẢNG
HÀ BÌNH - MINH GIẢNG

TTO - Trong 'vòng xoáy' điểm chuẩn tuyển sinh năm 2019 vừa được công bố, dư luận gần như chỉ để ý đến điểm chuẩn các trường đại học, trong khi các trường cao đẳng gần như 'đứt bóng'.

Làm gì để trường cao đẳng không đứt bóng? - Ảnh 1.

Sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng trong giờ thực hành - Ảnh: NHƯ HÙNG

Các trường cao đẳng, trung cấp phải làm gì, sẽ về đâu khi đại học còn tuyển không đủ chỉ tiêu, có trường chỉ tiêu gần 1.000 chỉ tuyển được hơn 70? Diễn đàn chủ nhật tuần này ghi ý kiến các chuyên gia, hiệu trưởng các trường cao đẳng về lối ra trong bối cảnh u ám này.

Hữu xạ tự nhiên hương

Ông Nguyễn Văn Chương - hiệu trưởng Trường CĐ Cơ giới và thủy lợi (Đồng Nai), cho biết: "Chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của trường tôi là 1.400 sinh viên cho 13 ngành nghề đào tạo. Đến thời điểm này, trường đã tuyển đủ và sẽ "khóa sổ" trong tháng 9 để tập trung đào tạo.

Trong những năm qua, chúng tôi hầu như không xuất hiện trên báo chí, truyền hình để quảng bá về trường nhưng năm nào cũng có rất đông thí sinh trên cả nước theo học. Chúng tôi tâm niệm rằng mình cứ làm đào tạo tốt, có việc làm tốt cho sinh viên khi tốt nghiệp thì sinh viên sẽ giới thiệu cho em của mình, người thân, bạn bè theo học.

Phụ huynh thấy con thực tập có lương, có việc làm cũng giới thiệu cho hàng xóm, người khác. Chúng tôi dựa vào "kênh quảng bá" này là chủ yếu.

Làm gì để trường cao đẳng không đứt bóng? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Chương - hiệu trưởng Trường CĐ Cơ giới và thủy lợi, Đồng Nai

Về đào tạo, chúng tôi cứ có được đồng nào là đầu tư nhà xưởng, khu thực hành, ký túc xá và cả nhà ăn cho sinh viên. Sinh viên được giáo viên cầm tay chỉ việc, thực hành trực tiếp trên máy móc cứ làm đi làm lại cho đến khi rành nghề.

Có những nghề như cơ khí, điện tử nhiều em đi thực tập được doanh nghiệp trả lương 4 - 5 triệu đồng/tháng. Sau khi ra trường, chúng tôi giới thiệu cho các em làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, TP.HCM và cả nước.

Chúng tôi chăm chút cho từng em sinh viên vì nghĩ rằng chỉ một sinh viên doanh nghiệp chê sẽ ảnh hưởng đến uy tín trường. Đây cũng là cách giữ chân sinh viên học tại trường. Bởi tôi biết có những trường nghề tỉ lệ học sinh nghỉ ngang giữa chừng rất cao nhưng ở trường tôi không đáng kể.

Chúng tôi cực kỳ chú trọng đến đội ngũ giáo viên. Chúng tôi hiểu giáo viên trường nghề cực kỳ vất vả khi phải dạy cho những em học viên đầu vào thấp, nhiều em nhận thức vấn đề chưa cao. Điều đó đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp và kiên nhẫn. Nếu chúng tôi không tạo môi trường tốt, đảm bảo cuộc sống thì sẽ khó thu hút giáo viên giỏi, có tay nghề làm việc ở trường.

Ngoài ra, chúng tôi mở cửa chào đón các doanh nghiệp đến hợp tác với trường. Doanh nghiệp chỉ đồng ý nhận sinh viên vào thực tập, trả lương thì đó cũng là hỗ trợ nhà trường trong đào tạo.

Đây cũng là những nơi tiếp nhận sinh viên vào làm việc sau khi ra trường. Có những ngành như cơ khí, điện tử nhu cầu doanh nghiệp rất lớn. Việc của chúng tôi là đào tạo thật tốt để cung cấp cho doanh nghiệp này".

Quan trọng nhất là có việc làm

Làm gì để trường cao đẳng không đứt bóng? - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Đức Minh - hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại

Tại Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, PGS.TS Nguyễn Đức Minh - hiệu trưởng, cho biết đến nay trường đã tuyển đủ chỉ tiêu, không xét tuyển bổ sung.

"Đối với một trường CĐ, việc tuyển sinh tốt hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như uy tín lâu năm, chất lượng đào tạo được khẳng định, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm.

Dĩ nhiên tỉ lệ này không chỉ do các trường công bố mà từ chính ý kiến đánh giá của doanh nghiệp, của cựu sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm có lẽ là điều mà thí sinh quan tâm nhất bởi khi các em đã chọn học bậc học này, các em đã sớm xác định học để đi làm ngay.

Để làm được điều này, bên cạnh phần cứng là chương trình đào tạo phải sát thực tế, các trường cần trang bị kỹ năng mềm, kết hợp cùng doanh nghiệp dạy cho sinh viên những nội dung thực tế đang diễn ra.

Trong quá trình đó, chương trình phải được cập nhật liên tục dựa vào góp ý của doanh nghiệp để bổ sung những kiến thức cần thiết, loại bỏ những nội dung không còn phù hợp", ông nói.

Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn - ThS Ngô Thị Quỳnh Xuân, cũng cho biết hết ngày 10-8 trường đã tuyển đủ chỉ tiêu của năm nay. Nhiều năm qua, tuy chỉ là trường CĐ nhưng việc tuyển sinh của trường khá tốt trong khi không ít trường ĐH tuyển sinh ngành hướng dẫn viên du lịch cũng còn khó khăn.

Làm gì để trường cao đẳng không đứt bóng? - Ảnh 4.

ThS Ngô Thị Quỳnh Xuân - hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn

"Do vậy, dù là bậc học nào, chất lượng đào tạo vẫn là yếu tố quyết định đến lựa chọn người học bởi nó tác động trực tiếp đến việc làm của họ sau khi tốt nghiệp.

Yếu tố bằng cấp vẫn có nhưng đó không còn là điều duy nhất tác động đến lựa chọn của người học. Học sinh giờ có rất nhiều kênh tham khảo, tiếng nói của các cựu sinh viên, đánh giá của doanh nghiệp về chất lượng đào tạo rất quan trọng", bà Xuân nhấn mạnh.

Cùng đánh giá, TS Lê Đình Kha - hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, nói người học giờ có nhiều kênh để tham khảo trước khi quyết định chọn học trường nào.

Kinh nghiệm cho thấy học sinh rất quan tâm đến việc làm sau khi tốt nghiệp. Trường nào đào tạo tốt, tỉ lệ có việc làm cao sẽ được xã hội ghi nhận, cựu sinh viên truyền tai nhau.

Làm gì để trường cao đẳng không đứt bóng? - Ảnh 5.

TS Lê Đình Kha - hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng

"Có lẽ sinh viên của trường khi ra trường, làm được việc tại những nơi các em làm việc, có mức lương tương xứng là điều khẳng định chất lượng đào tạo đáng tin cậy nhất chứ không chỉ là những con số thống kê tỉ lệ có việc làm đơn thuần", ông nói.

Câu chuyện dài

Năm 2019 dù có vẻ công tác tuyển sinh của hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã khởi sắc hơn, nhưng tình hình vẫn như nhiều năm qua, vốn được ví von rằng tuyển sinh vào các trường trung cấp xem như chỉ bắt đầu sau khi kết thúc xét tuyển vào lớp 10 công lập và tuyển sinh cao đẳng chỉ bắt đầu sôi động khi các trường đại học gần như đón xong sinh viên. Rõ ràng là một trong những khó khăn của tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp lại đến từ chính... tuyển sinh của hệ thống giáo dục phổ thông!

Đến thời điểm này, ngoại trừ một số ít trường cao đẳng danh tiếng có sức thu hút học sinh cao như Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Cao đẳng Kinh tế đối ngoại... đã tuyển đủ chỉ tiêu, có nơi điểm chuẩn trúng tuyển còn cao hơn một số trường đại học, còn nhìn chung tình hình tuyển sinh của các trường nghề vẫn khó khăn, thậm chí có trường chưa có thí sinh nào đăng ký xét tuyển.

Năm 2018, hệ thống giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh được hơn 2,2 triệu người, đạt 100% so với kế hoạch. Tuy nhiên, số lượng tuyển mới chủ yếu vào học trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác (chiếm 75%), còn trình độ trung cấp và cao đẳng chỉ chiếm khoảng 25%, dù công tác tuyển sinh ở nhiều trường nghề được tiến hành suốt năm.

Số liệu tuyển sinh 6 tháng đầu năm 2019 của giáo dục nghề nghiệp cho thấy tình hình tương tự vẫn tiếp diễn. Như vậy thật ra nếu "đổ thừa" cho khó khăn tuyển sinh bậc trung cấp và cao đẳng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp do đầu vào đại học được mở toang với nhiều phương thức xét tuyển chỉ đúng một phần. Bản thân hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần phải thay đổi không chỉ là phương thức tuyển sinh, chất lượng và nội dung đào tạo và cả phương pháp truyền thông.

Vụ việc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vừa ra văn bản yêu cầu 45 trường đại học dừng đào tạo cao đẳng vào đầu tháng 7, nhưng đến cuối tháng 7 rút lại yêu cầu này một lần nữa cho thấy các quy định thể chế tuyển sinh đào tạo cao đẳng còn phải hoàn thiện nhiều và cần có sự điều hành cấp chính phủ, không để tình trạng các bộ hiểu, giải thích và thực hiện Luật giáo dục đại học khác nhau.

Nhưng điều băn khoăn hơn là sau vụ việc này phát hiện được ngoài 45 trường đại học được phép đào tạo cao đẳng theo danh sách của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, có một số trường đại học có đào tạo "chui" bậc cao đẳng. Chắc chắn việc tổ chức quản lý, tuyển sinh, đào tạo bậc cao đẳng sẽ còn là câu chuyện dài cho vài năm tiếp theo.

TS Nguyễn Đức Nghĩa (nguyên phó giám đốc ĐHQG TP.HCM)

Nên tiếp tục hay dừng tuyển sinh bậc cao đẳng trong trường đại học? Nên tiếp tục hay dừng tuyển sinh bậc cao đẳng trong trường đại học?

TTO - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) vừa có quyết định cho phép các trường đại học tiếp tục tuyển sinh bậc cao đẳng năm học 2019-2020.

HÀ BÌNH - MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp