18/04/2025 09:20 GMT+7

Làm gì để tăng thu nhập cho người lao động?

B.NGỌC
và 1 tác giả khác

Thu nhập bình quân hằng tháng của người lao động trên cả nước trong ba tháng đầu năm liên tục tăng, đạt ngưỡng 8,3 triệu đồng/người/tháng.

Làm gì để tăng thu nhập cho người lao động? - Ảnh 1.

Người lao động làm việc trong nhà máy của Tổng công ty May 10 ở Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN

Tuy vậy "miếng bánh" đang không chia đều cho mọi người, đặc biệt là những lao động phổ thông đang làm việc trong các nhà máy, công xưởng.

"Miếng bánh" không chia đều, công nhân mong bớt khó

Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết tính tới cuối quý 1-2025 lực lượng lao động cả nước khoảng 52,9 triệu người, bao gồm những người từ 15 tuổi đến hết tuổi lao động. Trong đó có 51,9 triệu người có việc làm và khoảng 1 triệu người thất nghiệp.

Mức thu nhập bình quân của người lao động trong quý 1-2025, bao gồm tiền công, tiền lương, thu nhập làm thêm giờ, tiền thưởng, tiền phụ cấp và phúc lợi khác, đạt khoảng 8,3 triệu đồng/tháng - tăng 131.000 đồng/tháng so với quý trước và tăng 720.000 đồng/tháng so với cùng kỳ năm trước.

Dù thu nhập của người lao động trên cả nước liên tục được cải thiện trong các năm qua, nhưng theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tại nhiều xóm trọ công nhân gần các khu công nghiệp, không phải công nhân nào cũng đạt mức thu nhập cao hơn bình quân của cả nước.

Ở một xóm trọ gần Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang), trong căn phòng trọ khoảng 18m2 chị Nguyễn Thị Thủy (19 tuổi, quê Cao Bằng) cho biết lương cơ bản hằng tháng của chị nếu không tính thù lao làm thêm giờ thì chỉ đạt 5,1 triệu đồng/tháng.

"Nếu chăm chỉ tăng ca, lãnh phụ cấp thì tổng thu nhập mỗi tháng cũng được gần 10 triệu, đủ tiền trang trải cuộc sống, thuê nhà, gửi về nuôi gia đình ở quê và dành một khoản để học thêm tiếng Trung vì ở quê Cao Bằng có cửa khẩu, việc làm nhiều nhưng phải biết tiếng Trung. Mình vừa làm vừa học để có cuộc sống tốt hơn và mong có sức khỏe, được tăng ca đều, lương tăng khoảng sáu tháng/lần để có thêm tiền tiết kiệm", Thủy bộc bạch.

Anh Nguyễn Trung Nam - công nhân làm việc tại một công ty điện tử ở Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) - cho biết anh vào làm việc được hai năm, thu nhập của anh đạt khoảng 9 - 12 triệu đồng/tháng tùy theo mức độ chuyên cần và số giờ làm tăng ca.

Anh Nam chia sẻ lương cơ bản hằng tháng của anh là 5,5 triệu đồng, phụ cấp chuyên cần 2,7 triệu đồng, phần còn lại là tiền công ty trả theo số giờ làm thêm.

Tại Khu công nghiệp VSIP Thủy Nguyên (TP Hải Phòng), sau giờ tan ca chị Mai Ánh Tuyết, công nhân làm việc trong khu công nghiệp, vội tạt vào chợ dân sinh ven đường để mua ít rau, thịt về nấu bữa tối trong khi chồng chị tiếp tục tăng ca kiếm thêm thu nhập.

Mỗi tháng thu nhập của hai vợ chồng được khoảng 20 triệu đồng, dành ra 5 triệu chi tiêu sinh hoạt, 2 triệu tiền thuê phòng trọ, 3 triệu tiền học cho hai con, phần còn lại gửi tiết kiệm.

Nói về đời sống của công nhân trong xóm, ông Hoắc Công Láng - chủ xóm trọ có hàng chục phòng cho thuê tại thôn Núi Hiểu (xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) - bày tỏ đời sống công nhân thường rất khó khăn, hầu hết công nhân ở độ tuổi 18 - 22 đều đi làm ca kíp từ sáng tới tối muộn mới về phòng.

Làm gì để tăng thu nhập cho người lao động? - Ảnh 2.

Công nhân của Tập đoàn giày da TBS (Bình Dương) trong một công đoạn sản xuất giày xuất khẩu - Ảnh: T.T.D.

Phải tăng năng suất lao động

Bàn về giải pháp để tăng thu nhập cho người lao động trong thời gian tới, GS.TS Giang Thanh Long - giảng viên cao cấp Trường đại học Kinh tế quốc dân - cho biết tiền lương thể hiện năng suất lao động, giá trị lao động xứng đáng với sản phẩm làm ra, do vậy không thể tăng lương liên tục trong khi năng suất lao động chưa tăng.

Cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng số hóa, cơ khí hóa, hiện đại hóa hệ thống sản xuất cũng như chọn lọc công nhân, giữ lại người có tay nghề. Người lao động nên coi đây là thời cơ để thể hiện giá trị, thay đổi tư duy, hướng tới thu nhập tốt hơn.

Cũng theo ông Long, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam chưa làm chủ khâu sáng tạo, thiết kế, tạo ra nhiều giá trị nên khó có thể trả lương quá cao cho công nhân.

Do vậy ông gợi ý khi nhiều doanh nghiệp đào tạo, hướng dẫn người lao động theo chương trình nội bộ, truyền nghề thì Nhà nước cần có định hướng, khuyến khích, có chính sách cụ thể chẳng hạn các lớp đào tạo chứng chỉ sơ cấp ngắn hạn ba tháng để nâng cao tay nghề, gián tiếp nâng cao thu nhập về sau.

Trong khi đó, bà Hồ Thị Kim Ngân - phó trưởng Ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho rằng để tăng thu nhập cho công nhân, thời gian qua tổ công đoàn tại nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động.

Bà Ngân nhấn mạnh vai trò của đối thoại, thương lượng rất quan trọng với quá trình tăng thu nhập cho công nhân và người lao động, bởi đây là điểm "trung hòa" giữa mong muốn của người sử dụng lao động (tăng năng suất lao động, thu lợi nhuận cao hơn) và người lao động (tăng lương, cải thiện đời sống, nâng cao điều kiện làm việc).

Những năm qua, thông qua Hội đồng Tiền lương quốc gia, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiên trì, quyết liệt đề xuất, đưa ra ý kiến tăng lương tối thiểu vùng và theo đuổi mục tiêu lương đủ sống cho đoàn viên lao động.

Còn theo ông Nguyễn Trung Tiến - cục phó Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tốc độ tăng thu nhập của người lao động trong quý 1 không cao nhưng đặt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thì đây là tín hiệu tích cực.

"Trong nhiều năm qua thu nhập bình quân của người lao động vẫn tăng đều nhờ đà tăng trưởng tích cực của nền kinh tế. Nhưng tốc độ tăng thu nhập của người lao động chưa vượt trội, chưa như kỳ vọng. Mục tiêu của chúng ta là phải tăng nhanh thu nhập cho người lao động để trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Theo tính toán của Cục Thống kê, nếu nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng từ 7 - 7,5% trong giai đoạn 2025 - 2030 thì chúng ta sẽ đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao", ông Tiến cho biết thêm.

Cụ thể, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào nên để tăng được thu nhập cho người lao động trong thời gian tới, theo ông Tiến, phải duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm liền, qua đó tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Làm gì để tăng thu nhập cho người lao động? - Ảnh 3.

Tăng lương nhưng hàng hóa cũng tăng

Ông Tiến lưu ý dù thu nhập bình quân tháng của người lao động liên tục tăng nhưng do giá cả hàng hóa tăng cao nên thu nhập thực chỉ tăng không đáng kể. Nói cách khác, mức tăng thu nhập hằng tháng của người lao động trong quý 1 chưa đáp ứng kỳ vọng, nếu so với giai đoạn trước thì mức tăng thu nhập quý 1-2025 không bằng nên cần nỗ lực cải thiện.

Tuy nhiên trong bối cảnh thương mại toàn cầu chịu ảnh hưởng từ thuế đối ứng của Mỹ, xuất khẩu trong nước khó khăn thì việc cải thiện thu nhập người lao động là bài toán khó.

Tỉnh nào có thu nhập cao nhất nước?

Trong quý 1-2025, hai khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Hồng có tốc độ tăng thu nhập bình quân tháng cao hơn các vùng khác.

Trong đó, so với cùng kỳ năm trước khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đạt 7,3 triệu đồng/tháng, tăng 11,7%. Trong đó các tỉnh có tốc độ cải thiện thu nhập bình quân của người lao động nhanh là Nghệ An đạt 7,2 triệu đồng/tháng, tăng 24,1%; Thanh Hóa đạt 7,8 triệu đồng/tháng, tăng 15,6%; Quảng Bình đạt 7 triệu đồng/tháng, tăng 14,2%.

Tương tự tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, thu nhập bình quân của người lao động quý 1 năm nay đạt 9,8 triệu đồng/tháng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Các tỉnh có tốc độ cải thiện thu nhập của người lao động nhanh trong vùng gồm Hưng Yên đạt 9,2 triệu đồng/tháng, tăng 11,5%; Vĩnh Phúc đạt 9,9 triệu đồng/tháng, tăng 11,5%; Hải Dương đạt 8,8 triệu đồng/tháng, tăng 10,6%.

Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2023 (số liệu gần nhất được Cục Thống kê công bố), các địa phương có thu nhập bình quân đầu người/tháng dẫn đầu cả nước lần lượt là Bình Dương khoảng 8,3 triệu đồng/tháng, Hà Nội 6,86 triệu đồng/tháng, Đồng Nai 6,57 triệu đồng/tháng, TP.HCM 6,51 triệu đồng/tháng, Hải Phòng 6,3 triệu đồng/tháng, Đà Nẵng 6,2 triệu đồng/tháng, Cần Thơ 5,57 triệu đồng/tháng.

Khoảng cách thu nhập giữa nhóm dân cư có thu nhập thấp nhất và nhóm dân cư có thu nhập cao nhất là khá lớn. Ví dụ Hà Nội có số tương ứng là 2,1 triệu đồng/tháng và 14,4 triệu đồng/tháng, TP.HCM là 2,9 triệu đồng/tháng và 13,2 triệu đồng/tháng, Bình Dương là 2,5 triệu đồng/tháng và 18,3 triệu đồng/tháng.

Doanh nghiệp muốn tuyển đủ lao động phải tăng tiền lương

Làm gì để tăng thu nhập cho người lao động? - Ảnh 3.

Công nhân dệt may làm việc tại Công ty TNHH Việt Thắng Jean, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Nguyễn Xuân Sơn - giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang - cho hay nhu cầu tuyển dụng lao động tại các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang hiện rất lớn; các doanh nghiệp muốn thu hút, giữ chân người lao động phải đưa ra chính sách, quyền lợi vượt trội vì nguồn cung ngày càng hạn chế, nhu cầu của doanh nghiệp ngày càng lớn.

Đầu tiên, các doanh nghiệp phải có phúc lợi và tiền lương, thứ hai là điều kiện làm việc.

Ước tính trong năm 2024, tổng số lao động làm việc ở Bắc Giang khoảng 370.000 - 380.000 người và năm 2025 các doanh nghiệp sẽ tuyển thêm 110.000 người nữa. Ngay trong quý 1-2025, Tập đoàn Hồng Hải (Foxconn) cần tuyển thêm khoảng 22.000 lao động để đáp ứng nhu cầu đơn hàng tăng.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với đài phát thanh của thôn, bản, tổ dân phố ở 10 huyện, thị xã, TP để thông tin nhu cầu tuyển và chế độ phúc lợi vào các buổi sáng và chiều. Và để tuyển đủ lao động, nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận mở rộng độ tuổi tuyển lao động từ 18 - 25 tuổi trước đây lên ngưỡng 18 - 45 tuổi hiện nay.

Trung tâm việc làm tỉnh cũng trao đổi với các công ty muốn tuyển người thì phải đồng hành hơn với người lao động, có chế độ tốt hơn, ví dụ bạn bè hoặc họ hàng giới thiệu người làm thì có thêm tiền thưởng. Có chính sách riêng để phục vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn hàng, hợp đồng. Ví dụ như thưởng 5 triệu đồng cho lao động làm đủ 26 ngày.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tìm đủ lao động, trong các năm 2023 và 2024, lãnh đạo tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ tuyển dụng cho doanh nghiệp.

Ví dụ năm 2024, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã đi tám tỉnh miền núi phía Bắc làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh bạn, kết nối các điểm cầu trực tuyến với các huyện, TP, các xã để thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn Bắc Giang và mong muốn các tỉnh đồng hành, hỗ trợ, đưa lao động tới Bắc Giang làm việc.

Ngoài ra, năm 2024 Bắc Giang còn làm việc với ba trường đại học lớn và ký kết biên bản ghi nhớ phối hợp giới thiệu việc làm với bốn tỉnh. Năm 2025, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang đang kết nối thông tin về vị trí việc làm, nhu cầu tuyển dụng trực tiếp người dân các nơi vùng sâu vùng xa.

Cách đây khoảng 10 năm, lao động của Bắc Giang phải di chuyển vào TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương tìm việc; giờ đây nhiều lao động đang làm việc ở các tỉnh xa, đã có tuổi (ví dụ ngoài 40 tuổi, con cái lớn) vẫn có thể về quê tìm việc làm phù hợp khả năng và kinh nghiệm của mình.

Làm gì để tăng thu nhập cho người lao động? - Ảnh 5.Bất chấp thuế, một doanh nghiệp dệt may tăng lợi nhuận và nâng thu nhập

May Việt Tiến lên kế hoạch tăng lợi nhuận trước thuế năm nay lên 330 tỉ đồng và thu nhập bình quân của lao động là 13 triệu đồng/tháng; tương ứng tăng lần lượt 9% và 4% so với năm vừa qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp