Mới đây đã xảy ra vụ hàng loạt thực khách bị ngộ độc sau khi ăn tại quán cơm gà Trâm Anh, TP Nha Trang (Khánh Hòa), số bệnh nhân đến điều trị ở các bệnh viện hiện đã trên 200 người.
Tại Bệnh viện Vinmec Nha Trang, kết quả cấy phân của 2 bệnh nhi (5 tuổi, trú Hà Nội) sau khi ăn cơm gà Trâm Anh cho ra dương tính với vi khuẩn Salmonella.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết việc cấy phân nhanh tại bệnh viện chỉ mới là bước đầu định hướng trong việc điều trị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, phác đồ kháng sinh sẽ tập trung vô khuẩn Salmonella.
Tuy nhiên vẫn chưa thể khẳng định nguyên nhân gây ngộ độc.
Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết Salmonella là loại vi khuẩn đường ruột không hình thành bào tử, kém đề kháng với điều kiện bên ngoài và bị phá hủy trong quá trình tiệt trùng hoặc đun nấu.
Tuy nhiên, Salmonella có thể sót trong một thời gian dài ở các thực phẩm khô, ướp lạnh...
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, khuẩn Salmonella được tìm thấy ở nhiều loại thực phẩm, bao gồm: thịt gà, gà tây, thịt bò, thịt heo, trứng, trái cây, rau mầm, các loại rau khác và thậm chí cả thực phẩm chế biến sẵn, chẳng hạn như bơ hạt, bánh nướng đông lạnh...
Nhiễm khuẩn Salmonella gây khó chịu cho dạ dày, ruột; người bệnh có thể sốt, tiêu chảy và đau quặn bụng, dễ nhầm lẫn với chứng đau dạ dày thường gặp.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiễm khuẩn, có thể do môi trường bị ô nhiễm, vi sinh vật từ đất, nước, không khí, dụng cụ và các vật dụng khác nhiễm vào thực phẩm.
Ngoài ra, có thể do thiếu vệ sinh trong quá trình chế biến, vệ sinh cá nhân không đảm bảo làm nhiễm vi khuẩn vào thực phẩm.
Hoặc do bản thân thực phẩm, vi khuẩn có thể dính vào thịt gia cầm trong quá trình giết mổ, hải sản lây từ trong môi trường nước ô nhiễm.
Đồng thời sữa và các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella. Trong khi đó, quá trình thanh trùng có thể loại bỏ vi khuẩn có hại, bao gồm cả Salmonella.
Với trái cây và rau củ, đặc biệt là giống nhập khẩu, có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella trong quá trình chăm bón hoặc sơ chế làm sạch bằng nước.
Trứng sống hoặc nấu chưa chín, mặc dù lớp vỏ trứng có khả năng bảo vệ phần bên trong khỏi sự nhiễm bẩn nhưng gia cầm nhiễm bệnh vẫn có thể đẻ ra trứng chứa vi khuẩn Salmonella (tồn tại trước khi vỏ được hình thành). Đây chính là nguồn lây khi con người ăn phải.
Làm gì để phòng ngừa nhiễm khuẩn Salmonella?
Sở An toàn thực phẩm TP.HCM khuyến cáo người dân nên chọn thực phẩm tươi, rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên rửa sạch, gọt vỏ trước khi ăn.
Đặc biệt nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn sẽ tiêu diệt được vi khuẩn và ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì để lâu thức ăn càng dễ bị nhiễm vi khuẩn có hại cho sức khỏe.
Đồng thời, muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ cần phải giữ nóng liên tục trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.
Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng phải được đun kỹ lại. Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn.
Ngoài ra, cần che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, tủ kính, lồng bàn…, đó là cách bảo vệ tốt nhất.
"Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, cần phải dừng ngay việc sử dụng và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh và báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để xử lý kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện", Sở An toàn thực phẩm nhấn mạnh.
Dấu hiệu nào nhận biết trẻ em ngộ độc?
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy - phó trưởng khoa tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho biết trẻ bị ngộ độc thực phẩm khi ăn, uống nhầm thực phẩm bị nhiễm trùng hoặc tồn dư hóa chất.
Biểu hiện của ngộ độc thực phẩm đa dạng, thường gặp nhất là các triệu chứng tiêu hóa như: nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, sốt… hoặc các cơ quan khác như gan, thận, thần kinh, tim mạch… Tùy theo loại ngộ độc mà biểu hiện bệnh có thể xuất hiện ngay sau ăn hoặc sau vài giờ đến 1-2 ngày.
Nếu trẻ chỉ nôn ói, tiêu lỏng 1-2 lần, không có dấu hiệu khác, trẻ vẫn tiếp tục sinh hoạt, ăn uống bình thường thì phụ huynh có thể tự theo dõi, chia nhỏ bữa ăn, uống thêm nước, không tự ý dùng các chất gây nôn.
Nếu trẻ nôn ói nhiều, không ăn uống được, phân có máu, hoặc có các dấu hiệu khác như: sốt cao khó hạ, co giật, li bì, mệt thì phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để kịp thời thăm khám.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận