ThS.BS Nguyễn Đình Hòa - phó khoa ngoại Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng
ThS.BS Nguyễn Đình Hòa - phó khoa ngoại Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng - cho biết bệnh gout (hay có tên gọi khác là bệnh thống phong) thường có biểu hiện tại các khớp, nhưng bản chất là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa các nhân purin và làm tăng một chất trong máu là acid uric.
Việc tăng acid uric trong máu này gây ra nhiều biến chứng khác nhau, một trong số đó là việc lắng đọng acid uric trong khớp, gây đau và sưng khớp.
Trái với suy nghĩ thông thường rằng bị gout là do ăn nhiều chất đạm như gan, thận, tôm cua, hải sản, hầu hết bệnh gout nguyên phát là chưa rõ nguyên nhân, còn những thực phẩm kể trên chỉ là yếu tố làm nặng thêm bệnh đã có.
Tuy nhiên bệnh có liên quan tới bệnh tăng huyết áp, béo phì và uống nhiều rượu. Số ít bệnh nhân bị gout là do di truyền, do bị suy thận hoặc một số bệnh lý ác tính hay do tác dụng bất lợi của thuốc.
* Làm thế nào để biết bản thân đã bị gout, thưa bác sĩ?
- ThS.BS Nguyễn Đình Hòa: Bệnh nhân thường được phát hiện khi có cơn gout cấp tính đầu tiên (khi bệnh nhân khoảng 35-55 tuổi). Một cơn gout cấp điển hình sẽ là: đau đột ngột vào ban đêm, đau ở khớp bàn ngón chân cái, khớp sưng to, đỏ phù nề, căng bóng. Đau rất dữ dội, dù chạm nhẹ cũng rất đau, thậm chí gió thổi vào bàn chân cũng gây đau.
Tuy nhiên, có 30% bệnh nhân có thể đau những khớp khác như bàn chân, cổ chân, gối, bàn tay, cổ tay, khuỷu hoặc đau nhiều khớp cùng một lúc; bệnh cũng có thể khởi phát sau một chấn thương nên thường bị bỏ sót.
Nếu bệnh kéo dài, có thể có xuất hiện hạt tophi ở các khớp. Đó là các tinh thể muối urat lắng đọng tại khớp khuỷu tay, ngón chân, gót chân gây mất thẩm mỹ và khó chịu trong sinh hoạt.
Về xét nghiệm để chẩn đoán: đơn giản và thông dụng nhất là kiểm tra nồng độ acid uric máu. Xét nghiệm này có giá trị nhất định trong cả chẩn đoán bệnh, tiên lượng và theo dõi bệnh nhân. Ngoài ra bệnh nhân cũng cần được kiểm tra các xét nghiệm viêm khớp khác, đồng thời với các xét nghiệm kiểm tra các biến chứng của bệnh gout.
* Nhiều người có suy nghĩ mắc gout rồi thì không điều trị vì không hiệu quả, điều này có đúng?
- Điều này chắc chắn không đúng. Việc khám và tuân thủ điều trị sẽ giúp bệnh nhân hết đau, nhanh chóng trở lại sinh hoạt và lao động. Việc duy trì điều trị nền kéo dài giúp ít tái phát hoặc không bị tái phát đau gout cấp.
Gout không điều trị còn gây ra các biến chứng như suy thận, tăng huyết áp, nhanh xuất hiện hạt tophi hoặc nhiễm trùng các hạt tophi này. Cuối cùng, bệnh nhân tuyệt đối không nên tự ý điều trị với đơn thuốc không do bác sĩ kê đơn vì nguy cơ chịu các tác dụng phụ nặng nề của thuốc.
* Mọi người có thể làm gì để phòng ngừa bệnh gout?
- Hạn chế các thực phẩm có nhiều purin như tạng động vật, tôm, cua giúp bệnh không nặng lên thành cơn gout cấp.
Uống nhiều nước, hạn chế rượu bia, giảm cân và tập thể dục giúp giảm triệu chứng bệnh cũng như giúp bạn có sức khỏe tuyệt vời hơn.
Cuối cùng, cần điều trị tốt các bệnh lý liên quan như suy thận, bệnh lý chuyển hóa. Và đặc biệt khi đã mắc bệnh, cần tuân thủ điều trị.
Video bác sĩ tư vấn về bệnh gout
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận