27/03/2018 09:29 GMT+7

Làm gì để phòng cháy nổ ở chung cư?

NGUYỄN QUẾ DIỆU
NGUYỄN QUẾ DIỆU

TTO - Vụ cháy tại chung cư Carina Plaza mới đây chính là tiếng chuông cảnh tỉnh công tác bảo đảm an toàn cũng như ý thức của cư dân sống tại các chung cư hiện nay. Dưới đây là 7 nguyên tắc phòng cháy nổ ở chung cư.

Làm gì để phòng cháy nổ ở chung cư? - Ảnh 1.

Tại khu đô thị Xa La, Hà Đông (Hà Nội), nhiều hộp và cột nước PCCC tại tòa nhà chung cư CT4 đã hỏng hóc nặng không thể sử dụng - Ảnh: NAM TRẦN

Là cư dân sinh sống tại chung cư, tôi thấy có những thói quen và sự lơ đãng của cư dân chung cư có thể gây ra mất an toàn, thậm chí là thảm họa chết người cho cộng đồng. Cụ thể như:

1. Hút thuốc, vứt đầu thuốc tại khu vực để xe

Đã nhiều lần tôi chứng kiến cảnh người dân chung cư hút thuốc ở khu vực để xe rồi vứt đầu thuốc ở đó, dù chung cư có treo bảng "cấm hút thuốc" tại khu vực này cũng như các khu vực công cộng khác. Khi được nhắc nhở, có người tỏ ra hối lỗi, nhưng cũng có người sửng cồ: "Tôi hút thuốc thì việc gì tới ông?".

Trong khi đó, ai cũng biết khu vực để xe chính là "kho thuốc nổ" với các bình xăng của các xe, nếu có sơ suất làm bén lửa, hỏa hoạn xảy ra thì rất khó dập tắt được. Đó là chưa kể một số chung cư bố trí bãi đậu xe ở tầng hầm, không khí tù túng, nóng bức dẫn đến tình trạng dễ bén lửa hơn.

2. Đốt vàng mã

Đã không ít lần ban quản trị, ban quản lý chung cư nơi tôi ở ra thông báo nhắc nhở về tình trạng người dân đốt vàng mã vào những ngày rằm, ngày tết. Họ cũng chuẩn bị sẵn dụng cụ, khu vực đốt vàng mã cho người dân có nhu cầu. Tuy nhiên, một số người vẫn đốt vàng mã ở lô gia hay cầu thang thoát hiểm và đây chính là hiểm họa gây cháy chung cư.

3. Nấu ăn quên tắt bếp

Trong những sự việc đáng chú ý tại chung cư nơi chúng tôi đang ở có việc một số cư dân sau khi nấu ăn quên tắt bếp dẫn đến nồi cạn, gây cháy cục bộ tại chính căn hộ của mình. Sự lơ đãng này không phải là hiếm gặp và đây cũng chính là hiểm họa gây cháy ở chung cư.

4. Mở cửa thoát hiểm cho thoáng

Thang thoát hiểm cho các chung cư thường được dùng các vật liệu chống cháy và các cửa ra vào thường kín để chống khói thâm nhập thang thoát hiểm. Nếu không may xảy ra hỏa hoạn, người dân thoát hiểm theo lối này sẽ tránh được hiện tượng ngạt khói.

Tuy nhiên, nhiều người dân, đặc biệt là các hộ dân gần khu vực cửa thoát hiểm của các tầng, thường mở cửa này cho thoáng, thậm chí có người còn dùng các vật cứng chèn cửa thoát hiểm. Chính thói quen này đã vô tình tạo ra hậu quả nghiêm trọng hơn nếu xảy ra cháy ở chung cư vì sẽ có người chết vì ngạt khói.

5. Bấm chuông báo cháy "cho vui"

Đã nhiều lần chuông báo cháy tại chung cư nơi tôi ở reo ầm ĩ. Ngoài những lần chuông báo cháy kêu do lỗi kỹ thuật, cũng có nhiều lần ban quản trị, ban quản lý phát hiện việc chuông reo do người dân "vui tay" bấm vào nút chuông báo cháy.

Thời gian đầu, nghe tiếng chuông báo cháy người dân chung cư còn mở cửa ra xem tình hình, nhưng lâu dần mọi người mặc kệ, không xem nữa. Những tình huống "cháy giả" này diễn ra nhiều nên người dân không quan tâm mấy, đến khi có cháy thật thì hậu quả vô cùng lớn bởi "giờ vàng" để thoát hiểm đã trôi qua.

6. Chủ quan, không mặn mà với các lớp tập huấn thoát hiểm

Thực tế cho thấy nhiều hộ dân không mặn mà với các lớp tập huấn kỹ năng thoát hiểm khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Những người này hoặc do quá bận rộn, hoặc do chủ quan nên không "hứng thú" với những kiến thức, kỹ năng được trang bị này. Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, họ lúng túng hoặc thoát hiểm không đúng cách nên hậu quả sẽ nặng nề hơn.

7. Không can thiệp khi trẻ quậy phá các thiết bị an toàn

Hiện tượng trẻ quậy phá các thiết bị phục vụ công tác bảo đảm an toàn tại các chung cư như: nghịch ngợm các bình, vòi chữa cháy, bấm thang máy vô tội vạ... vẫn thường diễn ra tại một số chung cư. Thông thường các thiết bị này được để nơi dễ quan sát, thuận tiện sử dụng khi có sự cố xảy ra nên dễ thu hút sự tò mò của trẻ.

Đáng tiếc là nhiều phụ huynh lại cho đó là điều bình thường, thậm chí có phụ huynh còn cổ vũ con mình nghịch phá hoặc lấy nó làm trò dụ con khi trẻ nhõng nhẽo, khóc lóc. Việc cha mẹ không ngăn cản hành vi quậy phá, không định hướng cho các cháu giữ gìn thiết bị phục vụ công tác bảo đảm an toàn cho tòa nhà có thể dẫn đến tình trạng khi có sự cố thì thiết bị hư hỏng, hoặc khó hoạt động thì hậu quả chắc chắn nghiêm trọng hơn.

Vứt các vật dụng từ trên cao

Tại chung cư nơi tôi ở, ban quản trị và ban quản lý đã mấy lần vất vả truy tìm "thủ phạm" vứt các vật dụng từ trên cao. Trong đó phải kể đến hai "vật thể bay" suýt trúng đầu mấy em nhỏ đang vui đùa ở phía dưới là xẻng và quả dừa tươi đã hút hết nước.

Sự tức giận của cư dân chung cư với các vụ này đã lên đến đỉnh điểm, nhưng việc tìm ra thủ phạm không dễ chút nào. Trước tình hình đó, nhiều cư dân và ban quản trị đang tính đến phương án lắp thêm camera giám sát những "vật thể bay" từ các tầng của tòa nhà để phát hiện thủ phạm.

NGUYỄN QUẾ DIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp