31/12/2024 05:46 GMT+7

Làm gì để nâng chất lượng y tế? - Kỳ 1: Thiếu hụt điều dưỡng trầm trọng

Nhân lực điều dưỡng đang thiếu trầm trọng. Số điều dưỡng thiếu hụt gấp đôi bác sĩ. Năm 2024, tại Việt Nam tỉ lệ điều dưỡng ước tính đạt 18/10.000 dân, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình trên thế giới.

Làm gì để nâng chất lượng y tế? - Kỳ 1: Điều dưỡng thiếu hụt trầm trọng - Ảnh 1.

Điều dưỡng tại TP.HCM hỗ trợ điều trị cho người bệnh - Ảnh: THU HIẾN

Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đề cập đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Khát" nhân lực điều dưỡng

Trong những phòng bệnh tại nhiều bệnh viện hiện nay, bệnh nhân dù nặng hay nhẹ, trừ khi nằm tại khu vực cách ly thì việc chăm sóc vệ sinh cá nhân, ăn uống hằng ngày đều do người nhà chăm sóc. Trong khi đó, công việc ấy đáng ra sẽ được những người có chuyên môn là những điều dưỡng thực hiện.

Thực tế, tình trạng thiếu điều dưỡng tại các cơ sở y tế đã xảy ra nhiều năm nay. Ông Nguyễn Văn Thường, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho hay ở các nước bệnh nhân được chăm sóc toàn diện, tất cả đều do điều dưỡng đảm nhiệm. Người nhà bệnh nhân không phải làm bất kỳ việc gì, chỉ đến thăm theo giờ.

"Nếu chúng ta đang xây dựng một ngành y tế chăm sóc toàn diện như vậy thì đang thiếu nhân lực điều dưỡng", ông Thường nói.

Trong báo cáo quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Y tế đề xuất chỉ tiêu bác sĩ/vạn dân (10.000 dân) cần đạt được vào năm 2025 là 15 bác sĩ/10.000 dân và 25 điều dưỡng/10.000 dân. Đến năm 2030, chỉ tiêu đạt 19 bác sĩ/10.000 dân và 33 điều dưỡng/10.000 dân.

Bộ Y tế dự báo về nhân lực y tế cho thấy nhu cầu về số lượng bác sĩ và điều dưỡng sẽ tiếp tục tăng qua các năm, có sự thiếu hụt lớn sau năm 2030. Trong đó, đặc biệt là thiếu hụt điều dưỡng, thống kê dự báo cho thấy thiếu hụt về điều dưỡng gấp đôi so với thiếu hụt bác sĩ.

Bộ Y tế cho hay trong giai đoạn 2021 - 2030, cả nước cần bổ sung thêm khoảng 173.400 bác sĩ và 313.900 điều dưỡng. Trong đó, nhu cầu lớn nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng với khoảng 43.500 bác sĩ và 76.100 điều dưỡng.

Tiếp đến là vùng Đông Nam Bộ cần khoảng 34.900 bác sĩ và 61.700 điều dưỡng. Vùng Bắc Trung Bộ duyên hải miền Trung: khoảng 33.400 bác sĩ và 59.800 điều dưỡng…

Làm gì để nâng chất lượng y tế? - Kỳ 1: Điều dưỡng thiếu hụt trầm trọng - Ảnh 2.

Điều dưỡng hỗ trợ chăm sóc người bệnh - Ảnh: THU HIẾN

Học phí cao, thu nhập không đủ sống

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, chỉ tiêu điều dưỡng là hơn 17.000 người, thế nhưng theo dự báo chỉ đáp ứng được khoảng 50%.

Một cuộc khảo sát về thu nhập của điều dưỡng tại các bệnh viện và trung tâm y tế mới đây của Sở Y tế TP.HCM vừa được công bố cho thấy có hơn 66% điều dưỡng mới ra trường có mức lương từ 5-10 triệu đồng và hơn 7% dưới 5 triệu đồng.

TP.HCM hiện tại có 6 trường đại học đào tạo trình độ điều dưỡng trong đó chi phí đào tạo trường thấp nhất là 42 triệu đồng, cao nhất là 87 triệu đồng. Như vậy trung bình mỗi năm một sinh viên điều dưỡng phải trả học phí từ 5-10 triệu đồng/tháng, ròng rã suốt 4 năm học bằng với mức lương điều dưỡng mới vào bệnh viện làm.

Chính điều này làm gánh nặng tài chính lớn cho sinh viên điều dưỡng. Một điều dưỡng mới khi vào bệnh viện làm trong vòng 4 năm mới có thể đủ chi phí để bù lại phần học phí đã bỏ ra nếu không phải chi tiêu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, điều dưỡng T.T.H. (27 tuổi) đang làm việc tại một bệnh viện công lập chia sẻ, trước đó tại trường đại học sinh viên ngành điều dưỡng chi phí tiền học phí mỗi tháng khoảng 5-10 triệu đồng. Chưa tính tiền ăn uống, đi lại, tài liệu trung bình một tháng khoảng gần 10 triệu đồng.

Thế nhưng sau khi tốt nghiệp ra trường đi làm 5 năm, ngoài mức lương khởi điểm đến nay nếu tính tổng thu nhập phụ cấp trực, ăn uống dưới 10 triệu đồng.

"Thu nhập thấp, phụ cấp trực, ăn uống không đủ, dẫn đến nhiều người không mặn mà với công việc. Nhiều đồng nghiệp vì thu nhập thấp không đủ trang trải cuộc sống gia đình, lo cho con cái nên đã nghỉ việc chọn hướng đi khác…"- điều dưỡng H. chia sẻ.

Một điều dưỡng trưởng bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn TP.HCM cho hay, vai trò của điều dưỡng trong bệnh viện không kém phần quan trọng, sau dịch COVID-19 số lượng điều dưỡng nghỉ nhiều, dẫn đến lực lượng còn lại hiện nay phải đảm nhận nhiều công việc khác nhau. Thế nhưng mức lương lại thấp, nhiều người không đủ để lo toan cho cuộc sống gia đình.

Điển hình là phụ cấp trực 24/24 hiện nay điều dưỡng chỉ nhận được 130.000 đồng, trong đó đã bao gồm cả tiền ăn. Ngoài ra, chi phí để học lên từ 40-50 triệu đồng lại không được hỗ trợ, nhiều người nản lòng không muốn gắn bó với nghề nghiệp.

"Mức lương và phụ cấp hiện nay chưa tương xứng với chi phí đào tạo, nhất là với những điều dưỡng mới ra trường, dẫn đến họ khó trang trải cuộc sống, không gắn bó với công việc là điều dĩ nhiên", điều dưỡng trưởng này nói.

Lời giải cho "bài toán" khó

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đăng Lý, hiệu trưởng Trường cao đẳng Quốc tế TP.HCM, cho biết số lượng sinh viên đăng ký theo ngành điều dưỡng tại trường hằng năm có tăng nhưng tăng rất ít. Vì nhiều lý do khác nhau như thu nhập sau khi ra trường không đủ sống, dẫn đến các em không muốn đăng ký theo học.

Mỗi năm các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM kể cả các bệnh viện tuyến cuối và các bệnh viện quận, huyện đều đến trường để tuyển dụng điều dưỡng nhưng không bao giờ đáp ứng đủ. Thậm chí nhiều đơn vị nước ngoài cam kết hỗ trợ học phí từ 70-100% nhưng vẫn không có sinh viên theo học. Về lâu dài cần có thêm cơ chế chính sách để thu hút được lực lượng này như: hỗ trợ học phí, tăng thu nhập…

Điều dưỡng Lữ Mộng Thùy Linh, phó trưởng phòng nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong 5 năm tới TP đặt mục tiêu đạt 38-39 điều dưỡng/10.000 dân, tương ứng gần 17.000 điều dưỡng.

Trong khi đó mỗi năm chỉ đào tạo khoảng 1.800 điều dưỡng (chưa tính số nghỉ việc khoảng 300 người/năm) không chỉ cung cấp điều dưỡng cho riêng TP mà còn các tỉnh khác. Như vậy 6 năm sau TP chỉ sẽ bổ sung được khoảng 50% số điều dưỡng theo nhu cầu đủ để chăm sóc sức khỏe người dân.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, năm 2025 tất cả những điều dưỡng trong bệnh viện phải có trình độ cao đẳng trở lên. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng để nâng cao chất lượng y tế ngoài việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, ngành y tế cũng tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

"Con người được xác định là yếu tố quyết định trong mọi hoạt động trong lĩnh vực y tế, do vậy việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ y sĩ, bác sĩ là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế", ông Thuấn nhận định.

Trong quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở Bộ Y tế cũng khẳng định việc đảm bảo đủ nguồn nhân lực có chất lượng là một trong các giải pháp quan trọng để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư của quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế.

Thí điểm mô hình "trợ lý điều dưỡng" và "trợ thủ nha khoa"

Sở Y tế TP.HCM đưa ra giải pháp phải tạo ra môi trường làm việc tích cực, phân công công việc hợp lý cho điều dưỡng. Bổ sung chính sách thu hút tuyển dụng điều dưỡng tại các bệnh viện.

TP kiến nghị thí điểm mô hình "trợ lý điều dưỡng" và "trợ thủ nha khoa" để hỗ trợ điều dưỡng, giảm tải công việc giúp điều dưỡng tập trung chuyên môn. Những người này được đào tạo ngắn hạn trong 3 tháng, hỗ trợ người bệnh trong vệ sinh cá nhân, giường bệnh, ăn uống và di chuyển trong bệnh viện, đi làm các xét nghiệm... Đồng thời bổ sung chính sách thu hút sinh viên điều dưỡng tại các trường đại học.

Đến năm 2030, Việt Nam cần bổ sung thêm hơn 300.000 điều dưỡng

Theo Hiệp hội Điều dưỡng quốc tế thì thống kê sau đại dịch COVID-19, hơn 20% điều dưỡng đã nghỉ việc dẫn đến thiếu điều dưỡng ngày càng nghiêm trọng hơn.

Tại một số quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ và những nước Liên minh châu Âu (EU) thiếu điều dưỡng nghiêm trọng dẫn đến những quốc gia này bắt buộc thay đổi luật cư trú để tuyển dụng điều dưỡng ở nước ngoài.

Theo dự báo của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2021 - 2030, nước ta vẫn cần bổ sung khoảng 72.000 bác sĩ và 304.000 điều dưỡng. Hội Điều dưỡng Việt Nam cũng đặt mục tiêu phấn đấu đạt 25 điều dưỡng/10.000 dân vào năm 2025, đến năm 2030 tỉ lệ này là 33 điều dưỡng và đến năm 2050 tỉ lệ này phải đạt 90 điều dưỡng trên vạn dân.

---------------------

Kỳ tới: Nâng cao chất lượng y tế, nhân lực phải "đồng bộ"

Làm gì để nâng chất lượng y tế? - Kỳ 1: Điều dưỡng thiếu hụt trầm trọng - Ảnh 3.Thiếu điều dưỡng tại nhiều bệnh viện, TP.HCM đề xuất có thêm trợ lý điều dưỡng

TTO - Trước tình trạng thiếu điều dưỡng tại các bệnh viện ở TP.HCM, ngành y tế TP mong muốn có thêm trợ lý điều dưỡng như mô hình ở nước ngoài. Những người này được đào tạo ngắn hạn trong 3 tháng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp