UBND tỉnh Kiên Giang cho biết ông Lâm Minh Thành - chủ tịch UBND tỉnh này - vừa ký kế hoạch cải thiện và nâng cao 5 chỉ số: Par Index (cải cách hành chính), SIPAS (hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước), PCI (năng lực cạnh tranh của tỉnh), PGI (xanh cấp tỉnh) và PAPI (hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) trên địa bàn tỉnh.
Rà soát, cắt giảm thủ tục rườm rà gây khó cho doanh nghiệp
Năm 2023, kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính xây dựng và phát triển chính quyền số của Kiên Giang đạt 11,68/13,5 điểm, tăng 2,5 điểm so với năm 2022 xếp hạng 19/63 tỉnh, thành cả nước, tăng 32 bậc so năm 2022 và đứng vị trí thứ 3/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, tăng 7 bậc so với năm 2022.
Đặc biệt, năm 2023 chỉ số PCI của tỉnh thấp, không đạt như kỳ vọng của tỉnh. Nên lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu các huyện, thành phố trong tỉnh thực hiện đa dạng hóa kênh thông tin phản ánh, tiếp nhận và phản hồi trong giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, ngăn ngừa các hành vi gây khó cho doanh nghiệp.
Địa phương thực hiện mô hình hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; hoàn thiện hồ sơ khi thực hiện các thủ tục hành chính, đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp nộp hồ sơ hợp lệ ngay từ đầu.
Ngoài ra, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp hiểu về tầm quan trọng của cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao công tác đối thoại và gặp mặt đối thoại với doanh nghiệp.
Hơn cả là rà soát, kiến nghị cắt giảm thủ tục rườm rà gây khó cho người dân và doanh nghiệp; đào tạo kỹ năng giao tiếp cho đội ngủ cán bộ, công chức, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp đến thực hiện các thủ tục hành chính.
Doanh nghiệp cần đánh giá chính xác, đầy đủ, khách quan
Ông Cô Văn Tại - phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang - cho biết năng lực cạnh tranh của một địa phương được tạo nên bởi nhiều yếu tố. Trong đó chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đội ngủ doanh nhân là hết sức quan trọng.
Lý giải nguyên nhân chỉ số PCI của tỉnh những năm gần đây đạt kết quả chưa như kỳ vọng, ông Tại phân tích thêm số phiếu điều tra khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát cho doanh nghiệp trong tỉnh và số phiếu thu về có sự chênh lệch lớn. Qua đó, chưa phản ánh hết thực tế chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền và môi trường đầu tư của tỉnh.
Điều này địa phương rất trăn trở. Do đó, Kiên Giang mong muốn quý doanh nghiệp, doanh nhân tham gia tích cực và phản hồi đầy đủ nội dung khảo sát gửi về VCCI đầy đủ.
Bà Phạm Thị Như Phượng - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang, tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (CIC Group) - thông tin thông thường tháng 8, tháng 9 hằng năm, VCCI sẽ phát phiếu điều tra, khảo sát, đánh giá chỉ số PCI.
Hiệp hội doanh nghiệp Kiên Giang tới đây sẽ đóng vai trò làm cầu nối với các địa phương có doanh nghiệp đầu tư nhiều để có thể tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, đối thoại hoặc thông qua các hoạt động tôn vinh doanh nhân để lắng nghe tâm tư, kiến nghị rồi có giải pháp tháo gỡ phù hợp, kịp thời.
"Chúng tôi hy vọng doanh nghiệp trong tỉnh phản ánh chính xác, khách quan, đầy đủ trên tinh thần cùng với chính quyền hướng đến một môi trường đầu tư, kinh doanh chất lượng, hiệu quả, nâng cao chỉ số PCI trong thời gian tới", bà Phượng nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận