Ngày 28-9, người Hà Nội bước ra khỏi nhà đi làm đã phải lĩnh trọn "combo" tắc - ngập vì trận mưa kéo dài từ đêm cho tới sáng. Đến tối 28-9, dù mưa đã ngớt từ đầu giờ chiều, nhưng dọc đường gom đại lộ Thăng Long, nhiều đoạn vẫn bị ngập sâu vì nước không thể tiêu thoát, ảnh hướng lớn đến giao thông, cuộc sống của người dân.
Ngập lâu do hệ thống tiêu thoát chậm tiến độ
Lý giải về việc tại sao tới chiều 28-9, dù trời ngớt mưa nhưng nhiều tuyến phố tại Hà Nội vẫn bị ngập úng, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết "do nước sông Nhuệ còn cao nên chưa thoát hết ra được".
"Sông Nhuệ chưa được cải tạo, tự chảy kém, phụ thuộc vào việc các trạm bơm ngành nông nghiệp, thủy lợi hoạt động. Ví dụ như trạm bơm Yên Nghĩa để hạ nước sông xuống thấp mới thoát ra được" - vị này nói.
Tuy nhiên, hiện dự án nhà máy bơm tiêu Yên Nghĩa được đầu tư 4.700 tỉ đồng, mục tiêu hạ mực nước sông Nhuệ, giảm ngập cho nhiều quận, huyện phía tây nam đến nay do kênh dẫn nước từ sông Nhuệ về nhà máy thi công chưa xong nên một số tổ máy không thể hoạt động.
"Dự kiến trạm bơm Yên Nghĩa sang năm (2024 - PV) mới xong hết công trình dẫn nước về" - vị này thông tin thêm.
Phải làm gì để hạn chế ngập úng ở thủ đô?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 29-9, GS.TS.KTS Lê Quân - hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội - cho biết có nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng ngập úng tại Hà Nội, trong đó có việc dùng các máy bơm để tiêu thoát nước.
"Các giải pháp cục bộ không phải là khó, nhưng vấn đề nằm ở chỗ phải giải quyết đồng bộ, có hệ thống để chống ngập bền vững. Cần phải xây dựng hệ thống đa hạ tầng đồng bộ hơn, giải quyết môi trường hoàn hảo hơn.
Ví dụ, bây giờ toàn bộ hệ thống giao thông phải đi kèm với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hệ thống cống thoát nước. Tốc độ phát triển đô thị phải tương thích với tốc độ phát triển hạ tầng" - GS.TS.KTS Lê Quân nói.
Liên quan đến việc ứng phó với ngập lụt ở Hà Nội và các đô thị Việt Nam nói chung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp - phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - cho biết dù các địa phương đã có các kịch bản đầy đủ nhưng việc ứng phó với ngập lụt đô thị hiện nay có hai vấn đề.
“Thứ nhất là dự báo chính xác lượng mưa hơi khó nên bị bất ngờ. Ví dụ, dự báo mưa 200mm mà mưa 500mm thì sẽ "thất thủ".
Thứ hai, dự báo chuẩn nhưng vẫn bị ngập lụt vì không có giải pháp khác. Đây là điều chúng tôi đang lo, như Hà Nội hạ tầng chỉ chịu đựng được mưa 50mm trong 2 tiếng, còn mưa vượt quá thì lại ngập”.
Theo ông Hiệp, nguyên nhân do các địa phương phát triển đô thị không ổn và cách thức tiêu thoát đô thị hiện nay đang có vấn đề.
"Về nguyên tắc tiêu thoát lũ trong đô thị là ngập đâu thì phải thoát ở đấy chứ không phải là thoát từ chỗ cao xuống chỗ thấp. Hiện nay, hầu hết các đô thị đang thoát nước từ cao xuống thấp, như ở Hà Nội có mưa lớn, phố cổ không bị nhưng ở khu Mỹ Đình ngập.
Trong đô thị mà thoát từ cao xuống thấp thì chỗ thấp là nơi hứng ngập và những khu vực này không bao giờ hết lụt. Một điểm nữa là năng lực thoát nước của các đô thị không tính toán tổng thể mà chỉ đấu nối vào hệ thống cũ. Như khu Mỹ Đình là khu rất mới nhưng lại không tính toán thoát nước cho khu Mỹ Đình mà đấu nối với hạ tầng thoát nước cũ của Hà Nội, dẫn tới năng lực thoát nước khi có mưa lớn là không có" - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Để giải quyết ngập lụt về lâu dài và trước mắt, theo ông Hiệp, tất cả các quy hoạch thoát lũ (thoát vợi, tiêu vợi, nạo vét…) thì các địa phương phải làm ngay. Phải có những trạm bơm chống ngập, có những trạm bơm 10 năm không hoạt động nhưng vẫn phải có.
Ví dụ xây trạm bơm chỉ mất 50 tỉ đồng nhưng có thể đỡ mất cả nghìn tỉ đồng thiệt hại do ngập lụt. Hiện nay các tỉnh còn chủ quan vấn đề này và bài học ngập lụt ở Đà Nẵng năm 2022, Phú Quốc… là một ví dụ.
Đồng thời cần tính toán, với lượng mưa từng này thì khu vực này ngập đến đâu để thông tin đến cơ quan, công sở, nhà máy xí nghiệp và người dân biết để chủ động ứng phó. Việc này cũng khó nhưng không phải không làm được.
Đã có kế hoạch giải cứu sông Nhuệ
Trước đó, vào tháng 7-2023, trả lời kiến nghị của cử tri về đề nghị TP quan tâm, xử lý ô nhiễm môi trường, cung cấp nước để làm "sống lại" sông Nhuệ, sông Đáy, ông Nguyễn Mạnh Quyền - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho biết về việc cung cấp nước sạch cho hai dòng sông Nhuệ và sông Đáy, Hà Nội đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 với việc đầu tư xây dựng trạm bơm Liên Mạc.
Theo kế hoạch, việc trên sẽ được tập trung đầu tư xây dựng từ năm 2024.
Về việc chậm tiến độ dự án nhà máy bơm tiêu Yên Nghĩa, lãnh đạo UBND quận Hà Đông và UBND TP Hà Nội lý giải do vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng vì người dân chưa đồng ý với phương án tái định cư từ TP.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết hiện Hà Nội đang xây dựng phương án tái định cư và "dành những ưu đãi nhất cho bà con". Tuy nhiên, ông cho rằng nếu bà con không đồng ý phương án của TP thì sẽ phải thực hiện phương án cưỡng chế.
"Chúng tôi mong người dân ủng hộ chủ trương của TP, tạo điều kiện đẩy nhanh toàn bộ dự án. Nếu không phải cưỡng chế thì dự án có mặt bằng đến đâu sẽ thi công đến đó" - ông Quyền nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận