08/10/2015 12:20 GMT+7

Làm gì để con tránh nghiện game?

NHÓM KHẢO SÁT
NHÓM KHẢO SÁT

TT - Theo sát để con tránh nghiện game? Các chuyên gia cho rằng gia đình là quan trọng nhất trong việc giúp người trẻ tránh nghiện game.

Dù đã 23g30, nhưng các game thủ vẫn say sưa “luyện game” tại tiệm nét - Ảnh: Đức Thanh

Phải theo sát con từng bước nhỏ - đó là biện pháp mà các phụ huynh rút ra được từ câu chuyện con mình bị nghiện game. Các chuyên gia cũng cho rằng gia đình là quan trọng nhất trong việc giúp người trẻ tránh nghiện game.

Đây là kết quả khảo sát nhanh của Tuổi Trẻ về giải pháp tránh nghiện game online trong giới trẻ với sự tham gia của 20 phụ huynh, 10 chuyên gia tâm lý giáo dục và 10 người kinh doanh dịch vụ game.

Cuộc khảo sát được tiến hành sau câu chuyện đau lòng của một bà mẹ ở Lâm Đồng đã đổ xăng đốt con ngay tại tiệm nét mới đây và thực tế mặc dù TP.HCM đã quy định chỉ được hoạt động từ 8 - 22g nhưng nhiều điểm kinh doanh game online vẫn hoạt động 24/24 giờ, thu hút không ít bạn trẻ vào chơi suốt đêm.

Chú ý giai đoạn dậy thì

“Hồi con học lớp 6, tôi hỏi con lớn lên sẽ làm nghề gì, con nói sẽ tiêu diệt cái ác. Tôi tưởng con thích làm công an. Một thời gian sau thấy con nói chuyện với ai cũng dùng từ “đồ sát” (tiêu diệt - PV), kể cả lúc nói chuyện với ông bà, cha mẹ. Gia đình tìm hiểu mới biết con bị nhiễm game võ hiệp” - một bà mẹ là nha sĩ kể.

Nhiều phụ huynh cũng chia sẻ với nhóm khảo sát là trẻ thường nghiện game trong độ tuổi dậy thì. “Giai đoạn này tụi nhỏ thường thích nổi loạn, ương bướng, cái gì càng cấm lại càng làm, nếu mình không theo sát con từng bước một thì con vuột khỏi tay mình lúc nào không biết” - chị H.C. (Q.Thủ Đức, TP.HCM) đúc kết như vậy.

Cậu con trai lớn của chị H.C., năm nay học lớp 12, đã nghiện game nặng từ lớp 6, từng nổi điên đập phá đồ đạc khi ba mẹ cắt Internet để ngăn cậu chơi game. Gia đình phải rất kiên trì thì gần đây cậu mới giảm bớt chơi game. Rút kinh nghiệm, việc “canh chừng” cậu em đang học lớp 7 đã được vợ chồng chị hết sức để ý.

Có 12/20 phụ huynh (chiếm 60%) thừa nhận trong cuộc khảo sát rằng việc gia đình ít quan tâm, chia sẻ động viên các em là một nguyên nhân khiến các em nghiện game.

Đây không phải là lựa chọn nhiều nhất (có 75% cha mẹ cho rằng con nghiện game do bị dụ dỗ, 70% cho rằng vì game quá hấp dẫn), nhưng lại là điều đáng suy nghĩ. Có thể chính vì sự thiếu quan tâm gần gũi này mà cha mẹ thường phát hiện ra tình trạng nghiện game của con mình khá muộn. Nhiều phụ huynh cho biết chỉ phát hiện con bị nghiện game khi con đã chơi tới hơn tám giờ mỗi ngày.

Làm sao để biết con đã nghiện game? Các bậc phụ huynh tham gia khảo sát chia sẻ rằng biểu hiện dễ nhận biết nhất là con bỏ bê công việc, học hành (90% ý kiến), kế tiếp là biểu hiện có bất thường về thời gian, tiền bạc (85% ý kiến), có biểu hiện trầm cảm như rối loạn cảm xúc, ít tiếp xúc, mất ngủ (45%), xa rời hiện thực, liên tục nói về game, không quan tâm đến những chuyện xảy ra xung quanh (35%)...

Với kinh nghiệm nhiều năm tiếp xúc với các trường hợp nghiện game, ông P.H.G., giáo dục viên tại một trung tâm giáo dục chữa bệnh tại Hà Nội, cho rằng các biểu hiện trên hầu hết đều rất dễ thấy ở người nghiện game những giai đoạn khác nhau.

“Thường thì dấu hiệu ban đầu dễ thấy nhất là học hành sa sút, gian dối về thời gian, tiền bạc, khi bị nặng hơn sẽ có biểu hiện trầm cảm theo những mức độ khác nhau. Đến khi trầm cảm và “sống ảo” là đã nghiện khá nặng rồi” - ông G. cho biết. Các chuyên gia khác cũng cho rằng cha mẹ phải là người phát hiện đầu tiên những biểu hiện này để kịp thời can thiệp.

Biểu đồ nghiện game
Đồ họa: Tấn Đạt

Hướng con đến những hoạt động lành mạnh

Với nhìn nhận việc gia đình ít quan tâm trong khi game quá hấp dẫn là nguyên nhân khiến người trẻ nghiện game, giải pháp ngăn chặn trẻ nghiện game được lựa chọn nhiều nhất đều hướng đến yếu tố gia đình.

80% người trả lời khảo sát cho rằng cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện, tâm sự cùng con, giúp con giải quyết những khó khăn vướng mắc trong cuộc sống, vượt qua những cú sốc... để trẻ không sa vào game.

Giải pháp kiểm soát thời gian biểu của con không nhận được nhiều sự lựa chọn (chỉ 55% phụ huynh, 50% người kinh doanh game, 60% chuyên gia chọn), nhưng tất cả ý kiến trả lời khảo sát đều đề cập đến giải pháp này với khuyến cáo việc kiểm soát phải tiến hành hết sức khéo léo và tế nhị, phù hợp với tâm lý từng đứa trẻ.

Hướng con đến những hoạt động lành mạnh bên ngoài để con không bị sa vào game hoặc đã nghiện game thì sẽ quên dần là giải pháp hàng đầu mà các phụ huynh có con nghiện game lựa chọn (16/20 người).

Người mẹ nha sĩ kể đã "cai nghiện” thành công cho cậu con trai nhiễm game võ hiệp của mình: “Suốt ngày con đòi làm anh hùng cứu thế giới, tiêu diệt cái ác.

Tôi bảo muốn làm anh hùng phải không, mẹ chở đi học taekwondo. Thằng bé thích thật, hăng say đi tập và dần dần quên được cảm giác lệ thuộc vào game”. Bây giờ cậu bé là học sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong và không còn chơi game như trước nữa.

“Tui nói thiệt đứa nào thân thiết với ba mẹ từ bé, cái gì nó cũng kể được, lại hay tham gia các hoạt động hội nhóm thì ít chơi game lắm.

Nhưng mấy hoạt động hội nhóm đó phải thật hay, thật hứng thú mới giữ chân được tụi nhỏ, còn không thì nó chán, nó đi chơi game vui hơn” - anh Vương, chủ một tiệm game gần trường học, nói.

Ý kiến của anh Vương cũng được nhiều người chia sẻ với nhóm khảo sát. Họ cho rằng người trẻ nghiện game phần nào cũng vì không biết chơi gì, làm gì khác ngoài game.

* Ở học kỳ quân đội, rất nhiều phụ huynh mong mỏi con mình bớt chơi game. Thực tế nhiều năm nay, các em nghiện game cũng có biểu hiện gần giống như trẻ tự kỷ: không hòa nhập, ít nói, thích ngồi một mình, ít trao đổi, thích ngủ ngày, thức khuya.

Anh Nguyễn Hồng Lâm (trưởng phòng đào tạo Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM)

* Với những người đang gặp chứng trầm cảm, sống cô độc, hay lo lắng, thiếu sự quan tâm của gia đình, đặc biệt khi còn trẻ thì nguy cơ nghiện game, nghiện Internet càng cao.

Sự tích tụ của những cảm xúc này có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực, như có hành vi bạo lực hoặc tự hủy hoại bản thân mình. Nếu là người có bản lĩnh thì sau một thời gian đấu tranh, họ có thể tự điều chỉnh, thường dưới sự hỗ trợ của gia đình hoặc chuyên gia.

TS Giáp Văn Dương

* Ngay từ nhỏ, cha mẹ nên hướng các con tham gia nhiều hoạt động ngoài trời như thể thao, sinh hoạt đội nhóm hoặc làm từ thiện để sử dụng thời gian rảnh của trẻ một cách có ích.

Cũng không thể ngăn cấm hoàn toàn việc dùng máy vi tính và Internet nhưng phải dạy trẻ sử dụng như thế nào cho lành mạnh. Gia đình và nhà trường cần đóng vai trò định hướng cho người trẻ, phối hợp với nhau để giáo dục và quản lý tốt.

GS.TS Vũ Gia Hiền

NHÓM KHẢO SÁT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp