27/05/2016 17:28 GMT+7

​Làm gì để chấm dứt việc dạy thêm, học thêm?

TRẦN VĂN QUANG (nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Q.1, TP.HCM)
TRẦN VĂN QUANG (nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Q.1, TP.HCM)

TTO - Theo tôi, việc giải quyết dứt điểm vấn đề dạy thêm, học thêm không khó. Ta cứ theo quy luật kinh tế thị trường, không có cầu tất sẽ không có cung. Nghĩa là học sinh không đi học thêm, thì thầy cô không thể dạy thêm được.

Cụ thể là phải giải quyết đồng bộ các việc sau:

1. Việc dạy thêm: Tôi đề nghị tăng lương cho giáo viên gấp 3 lần, nếu được gấp 5 lần càng tốt. Nghĩa là giáo viên có thể sống bằng lương, không cần phải kiếm thêm, dạy thêm mới đủ sống.

Nếu so với thực tế hiện nay, lương căn bản của giáo viên mới ra trường 1-2 năm chỉ khoảng 2 triệu, trong khi lương của bảo vệ cũng đã 5 triệu, gấp hơn 2 lần lương giáo viên. Giáo viên phải có từ 12 năm mới được 5 triệu. Vì đồng lương còm cõi không đủ sống, nên các thầy cô phải làm thêm, dạy thêm.

2. Vấn đề học thêm: Có liên quan đến thi cử, nếu đề thi ra căn bản, không đánh đố học sinh, không ra ngoài chương trình. Nghĩa là học sinh không cần đi học thêm vẫn thi đậu dễ dàng và học sinh khá giỏi vẫn có thể đậu thứ hạng cao.

Như vậy cần giải quyết khâu đề thi sao cho hợp lý, tất nhiên có phân hóa. Em nào học trung bình hay gần mức trung bình vẫn có thể đậu trung bình, còn em nào khá giỏi mới đậu cao, chứ không phải học khá giỏi trong lớp ra thi vẫn có khả năng rớt, nếu không đi học thêm.

3. Nội dung học: Những gì không cần thiết, cao siêu thì nên mạnh dạn gỡ bỏ. Chỉ học những điều căn bản, những kiến thức có liên quan và hỗ trợ nhau.

Việc “giảm tải” trong những năm qua là đúng, là cần thiết nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn hảo, vì có những cái cần bỏ thì lại không bỏ, và có những cái bỏ không hợp lý, vì nó có liên quan đến kiến thức sau.

Một chương trình gọn nhẹ, kiến thức cơ bản sẽ giúp các em học nhẹ nhàng hơn, thầy cô không lo cháy giáo án, có giờ để khắc sâu hơn những kiến thức cơ bản cho các em.

Còn như hiện nay, nội dung nhiều quá, các em chưa kịp “tiêu hóa” lại bị “nhồi” thêm cái mới, nên các em dễ “bội thực”. Học xong, thi xong các em không còn nhớ gì hết, chữ thầy trả hết cho thầy.

4. Vấn đề khác có liên quan đến việc tăng lương cho giáo viên: là vấn đề học phí.

Thật ra học phí hiện nay quá lạc hậu. Nhưng mỗi lần có đề nghị tăng học phí là lại có tiếng kêu ca. Vì thế ta lại “sợ” và rồi cho chìm xuồng.

Thật ra, khung học phí hiện nay không còn phù hợp với giá cả ngoài thị trường nữa. Và nếu so với các trường quốc tế, các trường dạy Anh ngữ và giá học thêm văn hóa ở các trung tâm văn hóa ngoài giờ (các trung tâm có ghi giá biểu trên tờ rơi phát cho các trường sau mỗi lần họp PHHS) thì cách xa. Giá cao nhất ở trường THPT là 90.000 đồng/tháng. Trong khi giá học thêm văn hóa từ 200.000-1,2 triệu đồng tùy lớp. Còn giá ở các trường quốc tế và trường Anh ngữ thì tính tiền triệu.

Như vậy, việc nâng học phí cho phù hợp với giá cả thực tế là chuyện công bằng hợp lý.

Ngoài ra, học phí ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… tất nhiên phải cao hơn ở các tỉnh thành xa, các vùng còn nghèo. Ngoại thành cũng khác nội thành.

TRẦN VĂN QUANG (nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Q.1, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp