Mùa dịch COVID-19, mọi hoạt động đều hạn chế, chủ yếu là hoạt động trong nhà - Ảnh minh họa: AMITA BERTHIER
Ở phương Tây, một số học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 12 không vào đại học hoặc cao đẳng ngay, mà thực hiện một năm gọi là "gap year" (gap là khoảng trống, tạm dịch là "năm chuyển tiếp"). Trong năm này, học sinh có thể làm rất nhiều việc như tham gia các khóa học hướng nghiệp, học kỹ năng mềm, thực tập tại các công ty, làm tình nguyện viên trong hay ngoài nước, học các khóa học bổ trợ như tin học, ngoại ngữ, đồ họa... mà họ thích hoặc đi du lịch.
"Gap year" không chỉ giúp những học sinh 17 tuổi trưởng thành hơn, tự tin hơn, có nhiều trải nghiệm hơn so với lứa tuổi của họ, mà còn giúp họ khám phá bản thân để hiểu được mình thích hợp với điều gì, mình thật sự mong muốn làm gì với quãng đời tiếp theo.
Trong cuộc đời mình, nếu ta dành cho mình những khoảng trống như vậy để nhìn lại bản thân, hiểu về bản thân, rèn luyện và định hướng cho tương lai như vậy thì thật hay.
Tôi chỉ biết về "gap year" hơn 5 năm trước, lúc đã đi làm. Hiện nay "gap year" đã được giới thiệu trong sách tiếng Anh lớp 11, bài 7 Further Education rồi.
Thực tế là có một số bạn trẻ Việt Nam cũng làm "gap year", nhưng là sau khi tốt nghiệp đại học. Họ không tìm việc làm ngay, mà chọn làm những việc mà họ thích, khám phá bản thân và quyết định hướng đi cho giai đoạn tiếp theo.
Hiện nay, các em học sinh có thể tận dụng và thực hành trong giai đoạn nghỉ học phòng chống dịch COVID-19.
Tình hình dịch bệnh đang lan rộng, những ảnh hưởng tiêu cực và đáng lo thì chúng ta đều đã biết. Học sinh đi từ cảm giác mới mẻ, hào hứng vì "được nghỉ tết thêm một tuần", qua bao nhiêu cung bậc khác, đến nay đã lo lắng không biết mình có thể hoàn thành năm học này như thế nào.
Trên mạng có chế một tấm ảnh, trong đó có hai hình giống nhau của một người thừa cân, nằm ngủ quên khi xem tivi được sao chép và ghép lại với nhau, trên đó ghi là: 2019 - vô tích sự; 2020 - sống có trách nhiệm với cộng đồng.
Ảnh chế trên cộng đồng mạng Việt xuất hiện vài ngày gần đây
Ảnh này chủ yếu để cho vui, cũng có phần cổ động người dân nên ở nhà trong giai đoạn này. Tuy nhiên, qua đó cũng thấy một thực tế là bình thường đi học, đi chơi, còn bây giờ ở nhà thì lại không biết làm gì ngoài ăn, ngủ, xem tivi hoặc lên mạng.
Học sinh Việt Nam đều được kỳ vọng phải học xong đại học và càng cao hơn, càng sớm càng tốt để ra trường xin việc làm, chuyện phải ngưng một năm là điều rất khó chấp nhận. Nhiều em học sinh lớp 12 đến lúc đăng ký nguyện vọng đại học vẫn còn hoang mang chưa thật sự biết mình muốn học ngành nào, muốn làm gì khi ra trường. "Gap year" càng là một điều khó tưởng tượng.
Với tình hình năm nay, dù muốn dù không thì các em cũng nghỉ mấy tháng rồi và chưa biết khi nào có thể đi học lại. Thay vì lo lắng cho tương lai của năm học này, hay là ngủ quên trước màn hình máy tính, các em thử tìm hiểu về "gap year" và tự thực hiện một "gap time" cho mình xem sao.
Nếu như từ tết đến giờ mỗi ngày tập thể dục 30 phút, hoặc học một từ tiếng Anh, hay là tập vẽ, mỗi ngày viết 100 từ hoặc đọc sách một tiếng, đến nay các em sẽ thay đổi ra sao rồi?
Tài năng thiên phú mỗi người mỗi khác, nhưng điều kiện cần để thành công chắc chắn là phải kiên trì. Kỷ luật cũng là một yếu tố mạnh mẽ để giúp một người đạt tới thành công. Cả hai yếu tố đó đều cần phải rèn luyện.
Nhiều người muốn "cai" Facebook nhưng không làm được, đơn giản là vì họ không có điều gì khác thú vị hơn để làm. Muốn bỏ các thói quen xấu thì chỉ có cách là tập thói quen tốt. Và thời gian này chính là điều kiện thuận lợi để làm điều đó.
Các em hãy tận dụng thời gian không phải đi học, cũng không được đi ra ngoài này ở nhà dành thời gian cho bản thân, tìm hiểu xem mình thích gì, mình giỏi làm gì và muốn làm gì. Dành ra một khoảng thời gian nhất định (30 phút hoặc một tiếng thôi) để làm một điều mà mình thích và có ích cho sự phát triển bản thân: học tiếng Anh, đọc sách, tập thể dục, học các kỹ năng khác…
Điều này không chỉ giúp em tận dụng thời gian nghỉ bất đắc dĩ này, mà còn rèn được tính kiên trì và kỷ luật, tìm thấy niềm vui khi nhìn thành quả của mình tăng tiến mỗi ngày, thấy bản thân mình phát triển và nhận ra mình có thật sự thích điều này hay không. Nếu có thì tốt, mà không cũng tốt, mình có thể kịp thời thay đổi, quan trọng là mình càng hiểu chính mình hơn.
Rất nhiều người thành công đều có thói quen làm việc tích cực mỗi ngày. Thời gian này việc tốt nhất có thể làm chính là rèn cho mình một thói quen tốt để thay thế những thói quen xấu. Các em có thể đọc Tôi tự học của tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần để tìm hiểu thêm.
Giá trị lớn nhất của việc rèn luyện mỗi ngày này không phải là việc phát triển kỹ năng nào hay thành công ở tương lai, mà là hiểu chính mình. Khi hiểu mình thì làm gì cũng hạnh phúc, thành công hay không chỉ là kết quả mà thôi.
Mong các em có thể tận dụng "kỳ nghỉ" này thật tốt và thật an toàn, cố gắng ở nhà thật nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận