Trước đây, TP.HCM tính làm 5 tuyến đường trên cao với tổng chiều dài 70,7km, quy mô 4 làn xe nhưng đến nay chưa có tuyến nào xây dựng. Trong quá trình lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, việc xúc tiến làm lại các tuyến đường trên cao đã được rà soát, điều chỉnh phù hợp.
Quy hoạch hơn 70km đường trên cao
Nhận định về giải pháp làm đường trên cao, ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM - cho biết đường trên cao thuận lợi ở chỗ là không có giao cắt cùng mức với các loại đường đô thị khác. Do đó được xếp vào loại đường cao tốc đô thị.
Đường này có thể liên kết giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, trung tâm công nghiệp, cảng, nhà ga lớn... thường gắn với các tuyến vành đai.
Ngoài ra, đường trên cao không bị gián đoạn, tốc độ xe chạy cao, thành phần dòng xe chủ yếu là ô tô. Tuy nhiên, nhược điểm của giải pháp này là một số vị trí phải điều chỉnh quy hoạch, làm ảnh hưởng đến các hộ dân, hạ tầng kỹ thuật khác.
Đồng thời, một số vị trí đường trên cao đi trùng với tuyến đường sắt đô thị nên không đảm bảo chiều rộng để làm cùng lúc nhiều công trình giao thông quy mô lớn và kết nối với các tuyến đường hiện hữu.
Mới đây, tại cuộc họp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho 5 dự án BOT trên đường hiện hữu (áp dụng nghị quyết 98), giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm đã yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu các quy hoạch liên quan để đề xuất các phương án kỹ thuật, kịch bản thu phí để hoàn chỉnh báo cáo.
Theo đó, 5 dự án trên ban đầu dự kiến nâng cấp và mở rộng nhưng hiện được xem xét làm theo phương án đường trên cao (các tuyến gồm: quốc lộ 13, quốc lộ 1, quốc lộ 22, trục Bắc - Nam, cầu đường Bình Tiên). Sở Giao thông vận tải đã kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc nhanh chóng hoàn thiện đồ án điều chỉnh quy hoạch để trình cấp thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ 5 dự án đường trên cao như trên.
Cùng với phương án làm đường trên cao ở quốc lộ 13, Sở Giao thông vận tải nghiên cứu chuyển đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) thành đường trên cao để kết nối đồng bộ.
Tương tự là quốc lộ 22 nối Trường Chinh - Cộng Hòa, dài 11,2km với quy mô 4 làn xe. Số vốn đầu tư của dự án khoảng 11.900 tỉ đồng (khoảng 800 tỉ đồng tiền mặt bằng) theo hình thức PPP và được đầu tư bố trí bổ sung kế hoạch dự án trong năm 2025.
Xem xét thêm cầu vượt, hầm chui
Theo một số chuyên gia giao thông, yêu cầu trong thiết kế đường trên cao phải kết nối với các tuyến đường lớn có diện tích mặt đường đủ rộng, kết hợp với cách điều chỉnh giao thông để xe đi theo giờ, cấm giờ khi cần thiết. Đặc biệt là chú ý đến hệ thống đèn tín hiệu thông minh, phân luồng từ xa, tránh tình trạng ùn ứ do lượng xe dồn về quá lớn.
TS Võ Kim Cương, nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, ủng hộ TP nghiên cứu làm một số tuyến đường trên cao để giảm kẹt xe, nhưng lưu ý tính toán kỹ cách thiết kế, ưu điểm và sự tác động đối với cuộc sống người dân sinh sống dọc tuyến.
"Làm đường trên cao thì tiền xây dựng nhiều nhưng bù lại tiền mặt bằng giảm. Chúng ta nghiên cứu kỹ, so sánh các phương án. Cách nào tiết kiệm và hiệu quả hơn thì làm phương án đó", TS Cương nói.
Ngoài giải pháp đường trên cao, TS Kim Cương đề nghị xem xét thêm giải pháp xây cầu vượt, hầm chui. Có khoảng thời gian TP.HCM từng làm và đẩy nhanh rất tốt vấn đề này, từ đó giải quyết được nhiều điểm kẹt xe. Việc này cần phải phát triển tiếp.
Đề cập giải pháp chống kẹt xe tổng thể, ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP - cho hay đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh các dự án trọng điểm giai đoạn 2020-2030.
Cụ thể: sớm hoàn thành dự án đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa kết nối với nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, nút giao thông An Phú, dự án thành phần 1 và 2 của vành đai 3 TP.HCM, tuyến metro số 1... Cùng với đó là nghiên cứu 5 dự án BOT đường bộ hiện hữu (theo nghị quyết 98 - PV).
Áp dụng cách làm của nhiều nước
Thực tế cho thấy đa số các TP trên thế giới có lượng xe lớn như thủ đô Tokyo (Nhật), Bangkok (Thái Lan), Seoul (Hàn Quốc) hay một đoạn vành đai 3 ở Hà Nội... đều có các nút giao khác mức, có quốc gia làm đến 4 - 5 tầng xe chạy, kết hợp với nhiều tuyến đường trên cao để giảm kẹt xe.
Theo nhận định của TS Võ Kim Cương, tại TP.HCM hiện nay vẫn chủ yếu các nút giao theo dạng vòng xoay, xe cộ đi cùng một mặt cắt ngang đường quá đông. Vì vậy, việc xây dựng các tuyến đường trên cao như các nước ở thế giới là điều có thể tính toán làm được để giảm kẹt xe lâu dài.
Về phương án làm đường trên cao ở TP.HCM, một số người dân bày tỏ sự tán thành. Người dân cho rằng làm đường trên cao không những giảm kẹt xe mà còn giảm chi phí giải phóng mặt bằng, ít di dời nhà cửa và ổn định cuộc sống của người dân.
Ông Nguyễn Hồ Hoàng Dũng (35 tuổi, ngụ quận 12) cho biết giải pháp lâu dài có thể làm đường trên cao, chi phí công trình cao nhưng giảm chi phí giải phóng mặt bằng. Thực tế ở Việt Nam, nhiều dự án có phí xây dựng công trình rẻ hơn tiền giải phóng mặt bằng. Các nước khác trên thế giới cũng đã làm, cho nên chắc chắn đó là giải pháp chúng ta cần tính tới, vấn đề nằm ở thời gian.
"Chúng ta khó thể nào giải phóng mặt bằng, di dời nhiều nhà dân ở nội ô được nữa, đó là nhà cửa người ta ở và buôn bán nhiều năm. Việc này chắc sẽ tốn rất nhiều tiền, ngân sách khó thể nào làm nổi", ông Dũng góp ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận