Người dân xã Thanh Phú (Bình Long, Bình Phước) viết những câu cầu cứu trên tấm bảng cắm giữa con đường đầy khói bụi - Ảnh: Hữu Khoa |
Trong đó, có nhiều ý kiến đòi truy trách nhiệm người để xảy ra sự việc và đền bù thiệt hại cho người dân.
* Bà Nguyễn Thị Xuân Liên (xã Thanh Phú, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước):
Ngủ cũng phải bịt khẩu trang
Nhà tôi nằm cách quốc lộ 13 khoảng 100m. 30 năm sinh sống cạnh con đường này, chưa bao giờ tôi phải chứng kiến cuộc sống đau khổ của người dân như bốn năm nay, từ khi máy móc bắt đầu đào xới quốc lộ 13 để làm đường mới.
Con đường bị đào xới tanh bành hết cả mặt đường lên rồi để đó, hằng ngày xe tải, xe khách đi qua bụi mù mịt không khác gì sương mù ở Đà Lạt.
Dân chúng tôi chịu khổ cực mấy năm nay mà không biết kêu ai, đơn vị nào giải quyết. Mỗi lần có đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri thì thấy máy ủi san bằng mặt đường để đối phó. Nhưng đường bằng phẳng các xe lại thi nhau chạy nhanh hơn, bụi lại càng nhiều không biết tả thế nào cho đủ.
Hậu quả trước mắt là chúng tôi mỗi tháng phải đi bệnh viện khám vài lần vì bị khó thở, sổ mũi. Cũng vì cảnh khói bụi này mà người cô và mẹ chồng tôi phải khóa cửa, bỏ nhà về TP.HCM ở với con cháu.
Suốt bốn năm nay, không ngày nào dân chúng tôi được hưởng một chút không khí trong lành. Kể cả ban đêm, nhà nào cũng phải đóng kín cửa, lấy bạt, băng keo dán hết mọi kẽ hở dù là nhỏ nhất để bụi khỏi bay vào nhà nhưng bụi vẫn cứ bám đầy tủ, tivi, quần áo...
Thậm chí bụi còn bám đầy mặt sau khi ngủ dậy, có người ngủ phải bịt khẩu trang.
Chừng đó năm chịu khổ cũng là bấy nhiêu mùa xuân chúng tôi không có được niềm vui trọn vẹn đón tết như người dân nơi khác. Thời điểm người dân sửa sang nhà cửa đón tết thì nơi chúng tôi ở luôn trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Bây giờ sắp tết rồi, con đường này vẫn tiếp tục còn là một bãi chiến trường. Niềm vui đón năm mới bao giờ mới đến với chúng tôi?
* Bà Phạm Thụy T. (xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, Bình Phước):
Quá nhiều thiệt hại, ai bồi thường?
Gia đình chúng tôi có một ôtô 16 chỗ làm dịch vụ đưa rước bà con từ Lộc Ninh, Bình Phước về TP.HCM khám chữa bệnh nên ngày nào cũng phải đi qua “cung đường đau khổ” quốc lộ 13 của Bình Phước. Đường xấu gây bức xúc và thiệt hại rất lớn cho người dân nhưng không biết ai sẽ phải chịu trách nhiệm và ai bù đắp cho chúng tôi?
Thiệt hại trước hết là hành khách. Họ là những người có bệnh nên mới lựa chọn dịch vụ xe đưa rước loại nhỏ của chúng tôi để được rước tại nhà, đưa tới tận bệnh viện, thay vì phải đi xe đò cỡ lớn qua rất nhiều chặng và xô bồ, không phù hợp với những người sức khỏe yếu.
Có những người bệnh phải thuê nguyên một băng ghế để nằm, dặn dò chúng tôi đi cẩn thận để không ảnh hưởng tới vết thương. Chồng tôi là người cầm lái cũng cố gắng chạy thật chậm, thật chậm... nhưng khi tới những đoạn đường xấu, ổ trâu ổ gà khắp mặt đường thì xe không còn chỗ tránh. Chúng tôi buộc phải cho xe đi băng qua cả các ổ gà này nên xe bị dằn xóc, người bệnh kêu la đau đớn rất tội nghiệp.
Vợ chồng tôi gom góp mua được chiếc xe, thu nhập không bao nhiêu nhưng đường xấu nên chi phí gia tăng nhiều. Do đường đầy bụi, riêng chi phí rửa xe mỗi ngày hai lần đã mất vài triệu đồng/tháng. Còn chuyện hư hỏng lặt vặt khá thường xuyên, có khi ba ngày liên tiếp xe bị nổ vỏ, phải sửa chữa, thay thế rất tốn kém.
Xe của chúng tôi được đầu tư mới nhưng do đường xấu, xe xuống cấp nhanh quá nên mới làm dịch vụ này được năm năm mà sắp tới sẽ là lần thứ ba vợ chồng tôi phải đổi xe khác.
Tôi được biết tuyến quốc lộ 13 qua Bình Phước là một tuyến đường phục vụ du lịch, mỗi ngày có nhiều đoàn xe đưa khách từ TP.HCM đi qua quốc lộ 13 tới cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước) để đưa khách sang Campuchia, Lào...
Thế nhưng khi chạy xe qua các đoạn đường dở dang của quốc lộ 13, thấy hai bên đường hoang tàn với những căn nhà đóng kín cửa, việc kinh doanh ế ẩm, tiêu điều thì chúng tôi lại chỉ biết nhìn nhau thở dài...
Chúng tôi tự hỏi: Lãnh đạo tỉnh Bình Phước ở đâu khi để con đường bầy hầy suốt nhiều năm? Có ai thấu nỗi khổ của người dân? Và chủ đầu tư có chia sẻ, bồi thường cho thiệt hại kinh tế rất rõ ràng của chúng tôi?
Phải trả công bằng cho người dân Trong 197 ý kiến phản hồi của bạn đọc cũng có rất nhiều ý kiến của “người trong cuộc” kể về nỗi khổ phải đi lại, sinh sống ở khu vực đoạn đường bị “băm nát” trên quốc lộ 13. Bạn đọc Hải Long viết: “Quê tôi ở Lộc Ninh, tôi sống tại TP.HCM cũng gần 20 năm. Những dịp ngày nghỉ hay lễ tết, về quê chơi là tôi bị ám ảnh bởi đoạn đường hơn 10km từ Bình Long về Lộc Ninh. Chỉ 10km nhưng chạy xe máy phải mất gần một giờ rưỡi. Những ngày trời nắng, tầm nhìn chỉ khoảng 1-2m do bụi mù mịt. Tôi cứ hay nói đùa không thấy ở đâu trên thế giới lại có kiểu trời nắng chang chang mà có sương mù dày đặc như đoạn đường quê mình. Hơn bốn năm nay cũng chưa xong tuyến đường này, người dân đi đường còn chịu không nổi huống gì bà con sống bên đoạn đường này”. Bạn đọc Nguyên Minh bổ sung: “Đoạn đường làm nham nhở, có đoạn đã trải nhựa nhưng đã xuống cấp trầm trọng, hư hỏng. Con đường này làm kéo dài cũng sáu năm rồi chứ không phải chỉ 3-4 năm đâu”. Nhiều bạn đọc đặt vấn đề làm rõ trách nhiệm của việc chủ đầu tư không đủ năng lực mà vẫn được giao làm đoạn đường này. Bạn đọc Tư Cận cho rằng: “Không đủ năng lực mà vẫn cho thi công thì có vấn đề rồi. Cần làm rõ ai để người dân sống trong ô nhiễm bụi, bệnh hoạn và ai đẩy người dân đến nỗi phải dựng bảng chặn xe? Đừng có đổ cho dân vi phạm pháp luật vì dân đã phản ảnh rất nhiều lần nhưng có kết quả gì đâu?”. Bạn đọc Thọ Phan đề nghị: “Cần truy tìm cơ quan, cán bộ nào đã để cho công ty không đủ năng lực này trúng thầu. Phải xử tận nơi, tận gốc”. Bạn đọc Nguyễn Cao Sơn quyết liệt hơn: “Năng lực tài chính không có thì sao lại được giao thầu? Ai giao cho công ty này thì phải chịu trách nhiệm, phải bồi thường thiệt hại kinh tế, sức khỏe cho người dân!”. Cùng trong luồng ý kiến phải bồi thường thiệt hại cho người dân, bạn đọc Nguyễn Nho đề xuất: “Bao nhiêu người dân bị thiệt hại kinh doanh, bao nhiêu xe cơ giới bị hao mòn, bao nhiêu vụ tai nạn?... Và đau lòng hơn nhất là bao nhiêu người hít khói bụi bấy nhiêu năm thì bệnh tật như thế nào? Cần có một phiên tòa để trả lại công bằng cho người dân”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận