12/12/2017 20:34 GMT+7

Lạm dụng thuật ngữ, thay đổi giá vàng cũng kèm 'động thái'

TRƯỜNG LÂN
TRƯỜNG LÂN

TTO - Vài năm gần đây, từ "động thái" xuất hiện trên báo chí và trong đời sống nhiều hơn trước. Vốn là một thuật ngữ sinh thái học ít người biết, từ "động thái" đang được nhiều người sử dụng, đôi khi bị lạm dụng.

“Giá vàng sáng nay chưa có động thái tăng...” - Ảnh 1.

"Động thái" xuất hiện dày đặc trên báo chí

Ta thường gặp từ này đi kèm với cá nhân (động thái của Trump), tập thể (động thái của nhóm nhạc), tổ chức (động thái của FIFA) hay quốc gia (động thái của Triều Tiên)...

1. Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (in lần thứ chín - 2003) định nghĩa "động thái" là "biểu hiện biến đổi của một tính trạng theo thời gian, theo sự phát triển" và "tính trạng" là "đặc tính hình thái và sinh lý phân biệt các cá thể sinh vật cùng loài hoặc cùng thứ với nhau". 

Nói ngắn gọn, "động thái" là biểu hiện biến đổi các đặc trưng của sinh vật. Với nghĩa này (tạm gọi là nghĩa thứ nhất), "động thái" là một thuật ngữ sinh thái học, từng được dùng như "động thái của sinh vật đất...", "động thái rừng tự nhiên phục hồi", "động thái diễn thế rừng phục hồi". 

Phần lớn chúng ta ít gặp cách dùng từ "động thái" như trong các ví dụ trên. Có lẽ vì vậy mà nghĩa thứ nhất của từ "động thái" ít được biết đến so với các nghĩa còn lại.

2. Có từ điển trực tuyến định nghĩa "động thái" là "biểu hiện biến đổi của một tình trạng theo thời gian, theo sự phát triển" và cho hai ví dụ là "động thái chính trị", "thương mại thế giới đang có động thái phát triển". 

Đối chiếu với định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (2003), ta thấy định nghĩa này chỉ khác ở chỗ thay từ "tính trạng" bằng "tình trạng".

Dù do vô tình hay cố ý, việc "tính trạng" chuyển thành "tình trạng" đã mở rộng nghĩa thứ nhất của từ "động thái" vì "tính trạng" chỉ liên quan đến sinh vật, còn "tình trạng" có thể đi kèm với mọi đối tượng. 

Với nghĩa này (tạm gọi là nghĩa thứ hai), "động thái" là biểu hiện biến đổi của mọi đối tượng bất kỳ, không nhất thiết là sinh vật.

Một ví dụ về cách dùng từ "động thái" (nghĩa thứ hai) là tọa đàm "Các động thái của văn hóa Hàn Quốc" do khoa nhân học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức ngày 17-2-2012.

Từ "động thái" cũng được dùng theo nghĩa thứ hai trong "số tương đối động thái" - một khái niệm dùng trong quản trị để đánh giá sự biến đổi của cùng một hiện tượng tại hai thời kỳ hay hai thời điểm khác nhau.

3. Một số từ điển trực tuyến khác định nghĩa "động thái" là "hành động và thái độ". Với nghĩa này (tạm gọi là nghĩa thứ ba), có thể xem "động thái" là một kiểu nói tắt bằng cách ghép từ, thường gặp trong khẩu ngữ, tương tự như "lãnh chỉ đạo", "thanh kiểm tra", "phối kết hợp". 

Nhờ báo chí, nghĩa thứ ba được nhiều người biết hơn hai nghĩa đầu. 

Tuy nhiên, đôi khi nghĩa này bị lạm dụng.

4. Sự chuyển nghĩa của "động thái" - từ một nghĩa thành ba nghĩa - là một minh họa cho sự biến đổi của ngôn ngữ mà ta cần đánh giá một cách toàn diện và khách quan: nghĩa mới của từ "động thái" có đóng góp hay cản trở gì đối với sự phát triển của tiếng Việt.

Dưới đây là một câu tìm thấy trên Internet, đã được chúng tôi rút ngắn để bạn đọc dễ theo dõi.

"Giá vàng sáng nay chưa có động thái tăng - giảm". Nếu hiểu "động thái" trong câu này theo nghĩa biểu hiện biến đổi của mọi đối tượng bất kỳ thì từ "tăng - giảm" bị thừa. Khi đó, có thể viết lại câu này thành "Giá vàng sáng nay chưa thay đổi".

Nếu hiểu "động thái" theo nghĩa "hành động và thái độ" thì tăng - giảm giá vàng là động thái của ngân hàng và các cơ sở kinh doanh khác.

Giá vàng tự nó không thể có động thái.

Vì vậy, có thể viết lại câu này thành "Giá vàng sáng nay chưa có dấu hiệu tăng - giảm" (nếu muốn giữ cấu trúc cũ) hoặc "Ngân hàng chưa có động thái tăng - giảm giá vàng sáng nay" (nếu không giữ cấu trúc cũ).

TRƯỜNG LÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp