Bạn trẻ uống bia tại một bữa tiệc - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thống kê mới nhất, mỗi năm có 15.000 người chết vì TNGT, trong đó 4.800 trường hợp có liên quan đến say xỉn.
Tại khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Đức, chỉ trong 4 ngày Tết Mậu Tuất 2018 có gần 500 ca TNGT nhập viện, trong đó hơn 60% có liên quan đến lạm dụng rượu, bia. Còn bao nhiêu người nhập viện, bao chứng bệnh vì lạm dụng các loại đồ uống có cồn trong thời gian dài.
Hầu hết các quốc gia có luật nghiêm nhằm giảm tác hại do lạm dụng . Ở Việt Nam, bia rượu các loại được thoải mái mua bán từ thành thị đến nông thôn; từ nhà hàng, khách sạn đến quán nhậu vỉa hè, hiên nhà; rồi còn bao nhiêu loại "gọi là rượu" không rõ công thức pha chế bán khắp nơi…
Và các "chiến hữu" có thể uống không giới hạn, có thể uống từ trưa, chiều đến giữa đêm, không say không về. Tàn cuộc, nhiều người đã lơ mơ gật gù say vẫn lái xe về.
Do xử phạt quá nhẹ và không nghiêm, thậm chí phớt lờ bỏ qua tình trạng say men lái xe, nên rất nhiều người có nồng độ cồn quá mức cho phép vẫn ngang nhiên lái xe trên đường.
Nhiều nguồn thông tin cho thấy tỉ lệ người uống rượu bia cả nam, nữ ở Việt Nam ngày càng tăng và ngày càng trẻ hóa. Đặc biệt, trong độ tuổi pháp luật không cho phép (14-17 tuổi), tỉ lệ người đã nếm trải với rượu bia cũng rất cao.
Theo điều tra sức khỏe học sinh cách đây vài năm, có 43,8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống rượu/bia lần đầu tiên trước 14 tuổi, và 22,5% đã có lần uống đến say. Khoảng gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội, 33,7% các vụ bạo lực gia đình có nguyên nhân xuất phát từ việc lạm dụng rượu, bia.
Người trẻ sớm lạm dụng men rượu, hậu quả tác hại lâu dài về sức khỏe giống nòi, về nhân cách và cả sự nghiệp mỗi người. Dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia đến nay vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận.
Thiết nghĩ đây là vấn đề cấp bách, cần sớm có luật với những quy định xử thật nghiêm, kể cả phạt tù, buộc lao động công ích, tịch thu có thời hạn hoặc vĩnh viễn bằng lái nếu lái xe có rượu bia hoặc tiếp tục tái phạm…
Cũng nên có những biện pháp chế tài khác với người say xỉn, chẳng hạn như tính lại mức chi trả BHYT cho những người say xỉn tự gây tai nạn cho mình. Người uống rượu bia lái xe gây ra tai nạn, gây tai nạn cho người khác, ngoài bồi thường các thiệt hại theo luật còn phải chi trả toàn bộ viện phí cho các nạn nhân.
Những người có trách nhiệm xử phạt phải kiểm tra và xử lý thật nghiêm minh tất cả các trường hợp vi phạm. Khi có luật và kiên quyết phạt thật nặng mới hi vọng giảm được tác hại từ việc say men rượu, cũng là cách tạo ý thức phải tự điều chỉnh hành vi nhậu nhẹt, "uống" có trách nhiệm với bản thân mình và người khác.
Sau cơn say
Lần đó, cậu tôi chở vợ và hai con sau khi có "sương sương mấy ly". Vì lời hẹn "1 phút 30 giây" sẽ có mặt ở cuộc gặp gỡ khác, cậu chạy nhanh và có hơi men trong người, qua giao lộ tông phải xe máy khác. Cậu và hai con bị thương, phải nhập viện, hai con trầy xước chảy máu.
Sau gần một tháng ở bệnh viện, cậu về nhà trong tình trạng mà người ta hay nói là "dở dở ương ương". Một người đàn ông khỏe mạnh thành ốm yếu, gương mặt biến dạng, tay chân yếu ớt.
Một người thân khác của tôi đã ra đi vĩnh viễn vì tai nạn giao thông sau cơn say. Ngày lễ, cậu có "vui ba chén" với anh em. Cậu ngồi sau xe máy, chủ quan nhà gần không đội mũ bảo hiểm.
Cậu ngồi sau gục gặc và rồi té bật ngửa ra đằng sau, đầu đập xuống nền đường đầy đá. Cậu đi trong cơn say, bỏ lại hai đứa con thơ, khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao. Dù cậu không phải là người cầm lái nhưng cậu cũng tham gia giao thông trong tình trạng tâm trí không tỉnh táo.
Hai người quen, hai bi kịch cuộc đời sau cơn say. Một người vì nhanh một giây mà chậm cả cuộc đời, người kia giờ đã xanh nấm mồ vì không tuân thủ theo quy tắc "đã uống rượu bia thì không tham gia giao thông".
HUYỀN NGA
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận